Nữ họa sĩ và tình yêu với sơn mài truyền thống

GD&TĐ - 13 bức tranh thuộc 9 bộ tác phẩm sơn mài của nữ họa sĩ Claudie Vân trong triển lãm “Back to the Nature”, thu hút người xem tìm về cội nguồn văn hóa.

Claudie Vân tham gia sáng tạo tại làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam).
Claudie Vân tham gia sáng tạo tại làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam).

Là triển lãm cá nhân thứ 2, cũng nhằm ghi dấu hơn 10 năm trên hành trình theo đuổi niềm đam mê hội họa. Claudie Vân muốn gửi gắm thông điệp “quay về với tự nhiên”, để thấy vẻ đẹp của cội nguồn truyền thống sơn mài Việt.

Trở về cội nguồn văn hóa

“Back to the Nature” diễn ra tại không gian Six Senses Space (Hà Nội) đến hết ngày 27/6. Với 13 bức tranh thuộc 9 bộ tác phẩm sơn mài, được thực hiện phần lớn trong thời gian đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Tranh sơn mài Việt Nam đã rất nổi tiếng với những đặc trưng nghệ thuật, mà thế giới đã phải công nhận. Các họa sĩ như: Nguyễn Gia Trí, Công Văn Trung, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đức Sung, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Tích Chu… đã rất nổi tiếng với dòng tranh này.

Bởi vậy ở thế hệ ngày nay, khi theo đuổi sơn mài truyền thống, bất cứ họa sĩ nào cũng phải suy nghĩ và đưa ra quyết định xuyên suốt cho sự nghiệp sáng tạo của mình. Có thể không qua được “tay nghề” của các danh họa xưa, nhưng ít nhất phải nắm bắt được thần thái và ý tứ của sơn mài.

Claudie Vân cũng không thể đứng ngoài những toan tính ấy. Nhiều năm chọn hội họa giá vẽ làm niềm đam mê, Claudie Vân đã phóng khoáng tung tẩy cùng nhiều chất liệu, từ acrylic đến sơn dầu, từ mềm mại đầy nữ tính với lụa tới những kỹ thuật sơn mài truyền thống đầy thử thách, không hề tương thích với những nghệ sĩ chân yếu tay mềm.

Sinh năm 1974 tại Hà Nội, từng có nhiều năm gắn bó làm việc cùng các họa sĩ Trương Tiến Trà, Đặng Thảo Ngọc, Đinh Cảnh và Phan Cẩm Thượng. Từ những người thầy – người bạn của mình, Claudie Vân dần nắm được các kỹ thuật tạo hình, đủ để sáng tác một cách độc lập và tìm được lối đi riêng.

Là người yêu thiên nhiên và có nhiều năm gắn bó với thiền, không ngạc nhiên khi 2 lần trưng bày cá nhân của Claudia Vân đều có chữ tự nhiên “nature” trong tên gọi - từ “Nature in the Garden” tới “Back to the Nature”.

Ý tưởng xuyên suốt, cũng là thông điệp mà cô gửi gắm “quay về với tự nhiên”. Với Claudie Vân, điều này còn bao hàm nghĩa tìm về cội nguồn truyền thống, với nền văn hóa tốt đẹp của dân tộc và làm nó trở nên sáng chói thông qua nghệ thuật.

Mỗi bức họa là một khám phá về bản thân, họa sĩ ngày càng cảm thấy mình có thân phận nghệ thuật hơn, dù thân phận ấy rất khắc nghiệt. Con đường nghệ thuật là đơn độc với mọi nghệ sĩ, dù bên cạnh luôn có không ít đồng nghiệp. Nhưng chính nhờ sự đơn độc mà họ tìm ra mình cũng như phong cách nội tại.

Họa sĩ Claudie Vân lựa chọn mô tả khí chất hoa sen.

Họa sĩ Claudie Vân lựa chọn mô tả khí chất hoa sen.

Vẽ mùi hương của sen

 “Lựa chọn hình tượng hoa sen là một quyết định táo bạo và khó khăn. Bởi hoa sen đã được khai thác rất nhiều trong nghệ thuật cũng như hội họa. Để tạo nên sự khác biệt, tôi không theo đuổi phần hình mà đi vào mô tả phẩm chất của hoa sen. Tôi cảm nhận được khí chất của loài hoa này, từ dưới bùn vươn lên, trụ vững ở trên bùn và tỏa hương thơm ngát. Bắt nguồn từ suy nghĩ này, đã thôi thúc tôi sử dụng một đề tài cũ nhưng với góc nhìn mới” - Hoạ sĩ Claudie Vân.

Là người ưa vận động, trải nghiệm và không chịu bỏ qua bất kỳ khoảnh khắc quý giá nào của cuộc đời, Claudie Vân bền bỉ mỗi sáng chạy qua những đầm sen thơm ngát ven hồ Tây. Thói quen đó đã khơi dậy cảm xúc và thôi thúc chị hình thành tác phẩm “Trở về” – điểm nhấn gây ấn tượng thị giác đặc biệt trong triển lãm.

Kích thước bức tranh chiếm trọn cả bức tường cùng những mảng gắn trứng rất lớn đã mang lại cảm giác được thu vào tầm mắt cả một đầm sen mênh mông. Còn bức “Tằm” sơn khắc khổ to và “Tằm” sơn mài khổ nhỏ đã tìm được con đường ngắn nhất để chạm tới trái tim người thưởng lãm.

“Tôi không theo đuổi hình mà đi vào khai thác phẩm chất của hoa sen. Tôi sử dụng chất liệu gắn trứng để mô tả gần như toàn bộ đầm sen. Theo đuổi ý tưởng bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy trình, được thực hiện hoàn toàn thủ công của sơn mài truyền thống là một quyết định táo bạo, thậm chí mạo hiểm vì công sức bỏ ra rất lớn”, họa sĩ Claudie Vân cho biết.

Từ can hình – dùng dao trổ rồi trũi nhẵn những mảng hình sẽ gắn trứng đến nướng than, để tạo đa dạng sắc độ màu cho vỏ trứng. Từ cắt rồi gắn chặt vào vóc, từ kẹt sơn để gắn liền các mạch cho vỏ trứng nhuyễn màu, tới mài đi mài lại nhiều lần để đạt tới cái đích “tròn như ngọc”. Hơn một năm trời, nữ họa sĩ dành trọn tâm sức và vật lực cho chỉ một bức tranh duy nhất.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Vân ưa gắn trứng – kỹ thuật khó nhất của sơn mài, nhưng cô triển khai kỹ thuật này một cách mạnh mẽ, phần trứng đôi khi chiếm gần hết bề mặt tranh. Những bức họa như vậy đòi hỏi sức lao động bền bỉ và sự tính toán kỹ lưỡng cho từng mảng màu, giữa mảng gắn trứng với chỗ còn lại”.

Chưa hết, sự đa dạng của kỹ thuật sơn mài truyền thống khiến họa sĩ thử nghiệm nhiều mặt. Cô vẽ sơn mài thuần túy với tranh trừu tượng khổ lớn, những tranh gắn trứng lấy đó làm màu chủ đạo, tranh sơn khắc bao trùm cả khu vườn đầy hoa cỏ.

Thành quả sau hơn một năm trời hết sơn rồi lại mài, trăn trở từ son đến then, từ vàng bạc tới vỏ trứng. Để rồi những tác phẩm cỡ lớn ra đời trong sự hồi hộp giống như cách mà người chờ đợi sản phẩm của hỏa biến trong lò nung.

Ngắm những Tằm, Trở về, Bên trong, Châu Phi nghìn trùng… nhiều đồng nghiệp, bạn bè đã khuyên Claudie Vân chọn sơn mài truyền thống làm chất liệu định danh, và định vị một sắc màu riêng của chính mình. Họ có cùng đánh giá với họa sĩ Phan Cẩm Thượng, rằng “có lẽ họa sĩ không dừng lại ở đây, vẫn tham vọng vẽ và tìm tòi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.