"Lõ nhịp" sơn mài Việt

GD&TĐ - Nhằm quảng bá thương hiệu quốc gia, Bộ VH-TT&DL vừa ban hành quyết định xây dựng thiết kế logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Đây là một trong những nội dung triển khai thực hiện Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020 - 2030 đã được Bộ VH-TT&DL phê duyệt.

Đề án với mục đích thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, góp phần phát triển thị trường văn hoá, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Đồng thời quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế qua các hoạt động giao lưu nghệ thuật, trao đổi tác phẩm… chấn hưng và khẳng định giá trị của sơn mài Việt Nam.

Đề án nhằm đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về chất liệu để làm sơn mài, quy trình chế tác sơn mài đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia; tiêu chuẩn nghệ thuật và kỹ thuật để các sản phẩm, các tác phẩm sơn mài đạt chuẩn thương hiệu.

Đề án cũng xây dựng kế hoạch, nội dung để Việt Nam trở thành trung tâm của nghệ thuật sơn mài; đăng cai tổ chức liên hoan nghệ thuật sơn mài quốc tế 2 năm một lần tại Việt Nam.

Giới chuyên môn đánh giá việc quảng bá sơn mài Việt Nam ra với thế giới là cần thiết khi chúng ta hội nhập về văn hóa. Tuy nhiên, việc đưa sơn mài thành thương hiệu quốc gia là không khả thi, vì chúng ta không phải quốc gia duy nhất có sơn mài. Đồng thời, tiêu chí quy chuẩn còn làm ảnh hưởng đến việc sáng tạo của nghệ sĩ và nghệ nhân.

Có nhà nghiên cứu hội họa đã chỉ ra rằng, thương hiệu quốc gia để chỉ những sản phẩm mang tính phổ quát với những công thức cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, hội họa, mỹ thuật phải đề cao tính sáng tạo. Nếu trở thành thương hiệu quốc gia, điều đó đồng nghĩa vô tình bó hẹp tính sáng tạo trong nghệ thuật sơn mài.

Cũng giống như điện ảnh, kịch bản là vật liệu quan trọng nhưng còn đạo diễn (như họa sĩ), diễn viên (tạo hình), ê-kíp sản xuất, trình chiếu (triển lãm) và phê bình trong chuỗi tạo tác, quảng bá sản phẩm nghệ thuật. Sơn mài chỉ là vật liệu và kỹ thuật, giống như sơn dầu, màu nước, lụa, mộc bản... đưa thành thương hiệu quốc gia là không phù hợp.

Việt Nam có một số tác phẩm sơn mài được công nhận bảo vật quốc gia, như “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, “Thiếu nữ trong vườn” và “Phong cảnh” của danh họa Nguyễn Gia Trí, “Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm...

Trong khi sơn mài được cho là phát tích tại Việt Nam, nhưng sơn mài Nhật Bản lại phát triển cực mạnh. Nhiều nghệ sĩ Việt ưa dùng sơn Nhật nhằm cách tân phối hợp vật liệu, và đem lại những kết quả tuyệt vời.

Trong khi chúng ta vẫn đang loay hoay xây dựng đề án, thì từ lâu Nhật Bản lại có cách nghĩ, cách làm trọn vẹn đôi đường. Một mặt, cải tiến công nghệ sản xuất phát triển sơn mài chất lượng cao, được cả thế giới ưa chuộng. Mặt khác, vì sự phát triển của vật liệu sơn mài dẫn tới sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Nhật Bản.

Còn chúng ta, sự luẩn quẩn trong vòng bí hiểm của công thức gia truyền với kỹ thuật truyền thống, đã làm lỡ nhịp phát triển cũng như định hình sơn mài Việt trên thị trường sơn mài quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ