Sơn mài Việt “mở” ra vũ trụ bao la

GD&TĐ - Nói tới sơn mài truyền thống, không thể không nhắc tới họa sĩ Hiền Nguyễn – người đề cao các giá trị cổ truyền, và từng thực hiện vẽ tranh sơn mài trên vóc, toan.

Tác phẩm trong triển lãm “Mở” đem lại hình dung về cấu trúc cứng của một vũ trụ giãn nở.
Tác phẩm trong triển lãm “Mở” đem lại hình dung về cấu trúc cứng của một vũ trụ giãn nở.

Sau triển lãm “Ủ” và “Thở” năm 2019, tới đây tại Gallery Eight (TPHCM), triển lãm sơn mài mang tên “Mở” của họa sĩ Hiền Nguyễn sẽ mở ra cuộc đối thoại giữa nghệ thuật với vũ trụ bao la – thế giới của tâm tư và sự cô đơn đến tột cùng.

Khám phá điều chưa biết

17 năm gắn bó với sơn mài, từ những kiến thức học được trong trường cũng như kinh nghiệm thực tế, họa sĩ Hiền Nguyễn rất thành công với chất liệu này. Là người thực hành nghệ thuật luôn đề cao chất liệu, kỹ thuật thủ công truyền thống, Hiền Nguyễn từng có những khám phá táo bạo mở ra những con đường mới tạo ra thế giới nghệ thuật của riêng mình.

Với thế mạnh về bảng màu và chiều sâu của sơn mài, nhiều tác phẩm đã diễn đạt được không khí “bơ vơ giữa một môi trường xa lạ, bồng bềnh hư vô của không gian - thời gian, nơi giác quan con người chỉ có thể mở ra, thụ động đón nhận thông tin vô hình của một khoảnh khắc nào đó”.

Sự vi diệu của chất liệu sơn mài Việt cũng bí ẩn và lấp lánh như vũ trụ bao la. Điểm trùng hợp ấy, cùng với những trải nghiệm nghệ thuật đã khiến nghệ sĩ nảy ra một triển lãm “Mở”. Bởi vậy, câu chuyện mà Hiền Nguyễn muốn kể không hoàn toàn là vũ trụ vật lý, mà thành ra là câu chuyện tâm cảm và sự tương tác với chất liệu sơn mài.

Sáng tạo nghệ thuật, về bản chất có lẽ chính là người nghệ sĩ muốn an ủi chính tâm hồn mình sau những nhận thức, khám phá ra sự khôn cùng của vũ trụ và của kiếp người. Khi người ta trầm trồ về một sự vĩ mô cũng có nghĩa là họ đã thấy được sự nhỏ bé của chính mình. Và họ muốn mình giãn nở, ít nhất về mặt kích thước tinh thần.

14 bức tranh trong “Mở” là 14 câu chuyện về con người, sự biến hóa của cuộc sống diệu kỳ. Tác phẩm “Linh hồn Icarus hiển lộ trong nhật thực” vượt thoát khỏi kỹ thuật sơn mài, màu tương phản đem lại ấn tượng đặc biệt cho thị giác.

Lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp, dù Icarus đã nghe cha dặn dò về đôi cánh bé nhỏ mà ông tạo ra, nó chỉ có tác dụng giúp nó thoát khỏi mê cung Labyrinth, nhưng nếu bay quá cao, Mặt trời sẽ khiến sáp ong nơi đôi cánh tan chảy. Thế nhưng càng bay lên cao, Icarus càng cảm thấy hưng phấn, quên mất những lời cha, chàng rơi thẳng từ trên trời xuống biển sâu.

Vì đam mê mà đánh mất mình, nhưng nếu Icarus không theo đuổi đam mê thì đôi cánh chỉ đơn giản là bay. Cảm hứng từ triết lý này được họa sĩ Hiền Nguyễn sử dụng như một thông điệp nghệ thuật – nếu không hướng đến cái kỳ vĩ, thì sẽ mãi khép kín trong vùng an toàn. Hãy “mở” ra đôi cánh, khám phá những điều chưa biết, như sơn mài có thể “mở” ra cả vũ trụ bao la.

“Bãi dài Nha Trang” (sơn mài 2021 – Hiền Nguyễn).

“Bãi dài Nha Trang” (sơn mài 2021 – Hiền Nguyễn).

Truyền thống biểu đạt đương đại

“Về mặt tâm thế, triển lãm “Mở” khác rất nhiều với triển lãm “Ủ”, vì khoảng cách với đối tượng và việc làm chủ đối tượng là khác nhau. Nếu trong “Ủ”, là những rung động và điềm nhiên, thì trong “Mở”, là sự choáng ngợp”. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi

Loạt tranh trong “Mở” của Hiền Nguyễn được đánh giá là những góc nhìn phổ quát nhưng khá chi tiết để mỗi người soi chiếu lại chính mình. Ngược lại, trong tranh phong cảnh – như lời nhận xét của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng “giàu tính nam, thách thức và bộc trực.

Phong cảnh không nên thơ trữ tình mơ mộng hay làm duyên tính nữ như thường thấy, mà thô phác đồ sộ một cách đe dọa và ám ảnh”.

Tác phẩm “Bãi dài Nha Trang - Khát chờ cứu rỗi”, Hiền Nguyễn thể hiện khoảnh khắc trong trạng thái thoát xác khi vòm trời thăm thẳm ban đêm trên bờ biển hoang sơ, tối om hút linh hồn tới gần trung tâm vũ trụ, trôi giữa những thiên hà đang vê xoay va đập và chia tách.

Thẳm sâu trong tâm thức nghệ sĩ, lấy sự biến đổi của vật chất làm tiền đề chất vấn cuộc sống nhân sinh. Từ đó, hội họa mở ra những thông điệp sống và triết lý trong cảm xúc giống như cõi hư vô của vũ trụ.

Nhà nghiên cứu Lý Đợi cho rằng, sau triển lãm “Ủ” với những quan tâm chủ đạo về phong cảnh và mùa, đến với “Mở” là sự “choáng ngợp và ngụp lặn hội tụ thần bí”. Những thiên hà sinh ra và lụi tàn, những rìa vũ trụ cách xa nhau hàng triệu triệu năm ánh sáng.

Tất nhiên, vẽ cái gì không quan trọng nên vẽ rìa ánh sáng cũng sẽ giống như vẽ một đóa hoa mà thôi, khác nhau là ở tâm thế và cách thể hiện.

Luôn có ham muốn làm mới mình với chất liệu sơn mài truyền thống, năm 2019 họa sĩ Hiền Nguyễn thử nghiệm vẽ chất liệu sơn mài trên toan. Ngoài tinh thần, ý tưởng sáng tạo, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ, thử nghiệm phải mang đặc trưng của chất liệu, thông qua kỹ thuật.

“Sơn mài vốn là chất liệu “khó tính”, việc nghiên cứu về sơn không khác gì thực nghiệm khoa học. Bạn phải thật hiểu về chất liệu cũng như lặp đi lặp lại nhiều lần các phản ứng để biết sơn mài có thể kết hợp với chất liệu nào nhằm tăng khả năng biểu màu và biểu cảm.

Khai mở thêm năng lực biểu đạt mê hoặc của nó cũng như cách tân, phối hợp vật liệu công nghệ mở nhằm đáp ứng tính đương đại hội nhập”, họa sĩ Hiền Nguyễn cho hay.

Với một họa sĩ thiên về các yếu tố thủ công truyền thống như Hiền Nguyễn, việc chất vấn các yếu tố đời sống, về bản chất nghệ thuật và trải nghiệm bản thân sẽ là “mồi lửa” cho những ý tưởng sáng tạo. Đó cũng là lý do để “Mở” ra đời và đến với công chúng cùng khám phá những bí ẩn và sự vi diệu của cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.