Những ngả đường sơn mài

GD&TĐ - “Những ngả đường sơn mài” là tên một triển lãm hội tụ 43 tác phẩm của 10 họa sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực sơn mài.

Tranh của Nguyễn Mạnh Cường.
Tranh của Nguyễn Mạnh Cường.

Khai mạc vào chiều tối 22/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình - Hà Nội), triển lãm thể hiện tình yêu cùng nhiệt huyết trung thành với chất liệu bản địa: Sơn ta - một chất liệu đáng tự hào, từng được nhiều danh họa lựa chọn.

Huyền bí sơn mài Việt

Nghệ thuật sơn mài Việt Nam là cả một quá trình lao động miệt mài tốn biết bao thời gian, công sức. Mỗi tác phẩm sơn mài, dù lớn hay nhỏ đều phải trải qua hơn 20 công đoạn thủ công kéo dài trong ba tháng.

Quy trình này bắt đầu bằng việc lựa chọn loại gỗ phù hợp để tạo dáng cho từng loại sản phẩm sơn mài, gọi là làm mộc. Sau đó, một lớp nhựa sơn mài sẽ được phủ thấm sâu vào từng thớ gỗ để tạo độ cứng cho mộc.

Phú Thọ là quê hương của cây sơn mài, khi mới được chiết xuất nhựa có màu trắng đục như sữa, gặp không khí sẽ ngả vàng và dần chuyển màu đen khi đông lại. Mộc sẽ tiếp tục được phất một lớp vải mịn để đảm bảo không bị nứt hay co ngót ở điều kiện khí hậu khô lạnh.

Năm lớp sơn mài lần lượt được phủ lên lớp vải để tạo độ dày cần thiết. Tuy nhiên, người thợ sơn mài phải đợi từng lớp sơn khô đi mới tiến hành mài nước. Công việc này sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần để sơn mài đạt độ mịn óng. Tùy vào thiết kế của từng sản phẩm sơn mài, nghệ nhân sẽ quyết định các bước trang trí một cách phù hợp nhất.

Họa sĩ Lý Trực Sơn cho rằng, tìm được tiếng nói riêng trong hội họa sơn mài là một việc không dễ dàng, họa sĩ cần phải có tay nghề cao. Nắm vững kỹ thuật chất liệu nhưng không dừng lại ở đó, ưu thế của những hiệu quả vàng son then cánh gián vỏ trứng… có thể trói buộc các họa sĩ vào những cách thể hiện công thức, lối mòn.

“Tôi theo dõi khá sát bước đi của Nguyễn Đức Đàn, Nguyễn Xuân Lục, Nguyễn Tuấn Cường, Trần Ngọc Hưng, Cấn Mạnh Tưởng, Nguyễn Mạnh Cường, Trần Tuấn Long. Đó là những họa sĩ tài năng, với lao động nghệ thuật nghiêm túc, thành tâm. Họ đã xác định con đường riêng cho mình trong dòng chảy của nghệ thuật sơn mài”, họa sĩ Lý Trực Sơn cho hay.

Nguyễn Đức Đàn đã sớm xác định tính tác giả của mình qua triển lãm “Đàn xê dịch” với lối vẽ giàu chất thơ, giàu tâm tưởng. Nguyễn Xuân Lục đưa sơn ta về trạng thái nguyên sơ nhất, để thể hiện trên đó ngôn ngữ trừu tượng phương Đông của mình.

Nguyễn Tuấn Cường vùi vàng bạc vào trong âm u của sơn then. Phong cảnh và tĩnh vật trong tranh của anh làm cho ngôn ngữ hội họa thừa hưởng từ phương Tây trở nên lặng lẽ và huyền bí lạ thường.

Trần Ngọc Hưng khẳng định mình với lối vẽ vừa phóng túng vừa chặt chẽ, với đường cong biến hóa mài sắc mạnh mẽ mà thâm sâu. Nguyễn Mạnh Cường tạo cho mình lối vẽ thô mộc có chủ ý, làm tranh sơn ta mà tránh khéo léo là rất khó. Nhưng thô mộc mà có thể tinh tế, còn khó hơn chọn việc khó là tính cách của người can trường.

Trần Tuấn Long hoạt động trên một phổ rộng về đề tài và trạng thái. Ông vẽ được bất kỳ ý muốn với kỹ thuật điêu luyện và diễn tả tinh vi không thua kém sơn dầu - mà vẫn giữ được tinh thần sơn mài. Tông màu của ông trải dài từ cực trầm đến rực rỡ chói sáng. Ông khẳng định được khả năng quan trọng của sơn ta trong nghệ thuật hội họa.

Khác với Tuấn Long, tranh của Cấn Mạnh Tưởng lại hồn hậu, kỹ lưỡng. Tuy rất chăm chút mà không cầu kỳ, tự nhiên mà không dễ dãi, truyền cảm nhiều hơn áp đặt. Cái đẹp trong tranh của họa sĩ này là cái đẹp chân thành.

Họa sĩ Nguyễn Đình Văn đang thực hiện một tác phẩm sơn mài.

Họa sĩ Nguyễn Đình Văn đang thực hiện một tác phẩm sơn mài.

Tôn vinh chất liệu bản địa

Họa sĩ Nguyễn Văn Bảng cho hay, có ai đó nói sơn ta là chất liệu đỏng đảnh, hay còn gọi là “sơn mò”. Quả vậy, dù dày dạn kinh nghiệm, nhưng bất ngờ là nó không tuân theo ý muốn của mình. Có thể rất đẹp, nhưng có thể để lại nhiều trăn trở mà nghệ sĩ phải nương theo, vẽ tiếp và mài tiếp nhiều lần đến khi tác phẩm hoàn thành.

Đặc biệt, “Những ngả đường sơn mài” còn có sự tham gia của họa sĩ Nguyễn Văn Bảng và con trai ông – họa sĩ Nguyễn Đình Văn.

Nguyễn Văn Bảng được đánh giá là bậc lão làng tô điểm trong làng sơn ta. Kỹ thuật và sự am hiểu sơn ta của ông đã đạt mức hoàn hảo. Có thể nói ông là đại diện cho sơn mài truyền thống, nhưng không ngừng tìm kiếm những biểu hiện mới mẻ của hội họa hiện đại.

Nguyễn Đình Văn lại thừa hưởng tất cả kinh nghiệm dồi dào của bố mẹ, nhưng lại quyết tìm cho mình một hướng đi riêng. Chỉ nhìn vào gia đình này ta đã thấy được hội họa sơn mài đang phát triển và sẽ thay đổi rất nhiều.

Họa sĩ Lý Trực Sơn cũng tham gia triển lãm lần này. Công chúng biết tới ông trong vai trò giảng viên nghệ thuật sơn mài tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từng có nhiều năm sáng tác nghệ thuật tại châu Âu.

Lý Trực Sơn sáng tác trên nhiều chất liệu và đều ghi được dấu ấn riêng biệt. Tranh sơn mài của ông lấy đề tài và phong cách tạo hình mang đậm âm hưởng của nghệ thuật dân gian Việt Nam. Bao trùm trong tranh bởi một thứ hoài niệm vừa gần gũi vừa xa vợi, tạo cho người xem cảm giác văn hóa lịch sử rõ rệt như ở thi ca và văn học.

Nghệ thuật hội họa mênh mông và rộng mở, là miền đất cho những họa sĩ cần mẫn, nhiệt huyết sáng tạo nhưng cũng không ít gian nan khắc khoải. Cuộc gặp gỡ của 10 họa sĩ trong “Những ngả đường sơn mài” là cuộc triển lãm tôn vinh chất liệu bản địa: Sơn ta – niềm tự hào của hội họa Việt.

Với 43 tác phẩm sơn ta truyền thống đầy mê dụ, mỗi họa sĩ là một nét riêng biệt. Công chúng sẽ thấy những góc nhìn độc đáo, cùng những sáng tạo thăng hoa ẩn hiện trong thế giới sắc màu trầm ấm của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ