Nữ hiệu trưởng và tâm huyết mỗi giáo viên là một “nhà quản lý nhỏ“

GD&TĐ - Mong muốn thay đổi Trường THPT Triệu Quang Phục (Hưng Yên) thành điểm sáng trong dạy học, cô Lê Thị Nguyệt khi được phân công về làm Hiệu trưởng nhà trường đã chú tâm ngay vào đội ngũ, cùng với đó là điều kiện dạy học của thầy và trò.

Cô Lê Thị Nguyệt cùng học trò, cũng là đồng nghiệp trong lễ khai giảng năm học 2017 - 2018
Cô Lê Thị Nguyệt cùng học trò, cũng là đồng nghiệp trong lễ khai giảng năm học 2017 - 2018

Khuyến khích giáo viên sáng tạo

Là một trong những gương mặt nhà giáo tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên, trong mắt đồng nghiệp, cô Lê Thị Nguyệt là người đứng đầu nhà trường năng động, sáng tạo và quyết liệt đổi mới.

Nhớ lại năm 2012, khi mới được phân công về Trường THPT Triệu Quang Phục, hai điều khiến nữ hiệu trưởng trăn trở chính là đội ngũ và cơ sở vật chất. Các thầy cô ở đây có tiềm năng, nhưng ít thông tin về giáo dục và thụ động trong mọi công việc; sự nhạy bén, tư duy đổi mới giáo dục dường như còn xa vời với họ. Trường khi đó cũng chưa có phòng thí nghiệm thực hành, phòng thư viện, y tế học đường, sân chơi bãi tập...

Khó thay đổi chất lượng giáo dục nếu bản thân đội ngũ không thay đổi. Nghĩ là làm, cô Lê Thị Nguyệt gần như ngay lập tức bắt tay vào bồi dưỡng đội ngũ: cung cấp nhiều thông tin về giáo dục; thúc đẩy giáo viên tự tìm hiểu nhiều thông tin tốt và hữu ích; chia sẻ kinh nghiệm làm một giáo viên chủ nhiệm sáng tạo, trong đó nhấn mạnh mỗi giáo viên phải là một nhà quản lý và lãnh đạo nhỏ; khuyến khích giáo viên sáng tạo trên cơ sở nhiệm vụ mỗi năm học.

"Nhớ khi đó, tôi đã bỏ rất nhiều tâm huyết để chia sẻ kinh nghiệm dạy học; nêu những gương tích cực trong nhà trường và để giáo viên tự tin thể hiện đam mê nghề nghiệp; truyền thông hàng ngày để giáo viên của trường tin tưởng vào đường lối giáo dục chung, nhất là Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; liên tục động viên để thầy cô dám đổi mới, hăng say đổi mới... Tôi cần các thầy cô tin tưởng, yêu trường, mong muốn được thể hiện nghề nghiệp và mong muốn được cống hiến" - cô Lê Thị Nguyệt chia sẻ.

3 năm sau những nỗ lực ấy, THPT Triệu Quang Phục đã trở thành trường chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục đổi thay rõ rệt.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh Hưng Yên năm học 2015 - 2016, nhà trường xuất sắc đứng thứ 2 trong toàn tỉnh; thi NCKH cho học sinh THPT cũng được giải cao của tỉnh và tham dự kỳ thi cấp Bộ; trong kỳ thi Violympic, nhà trường có 12 học sinh được tham dự vòng thi cấp quốc gia. Hai giáo viên nhà trường thi giáo viên giỏi môn Thể dục và Lịch Sử đều đạt loại giỏi, trong đó giáo viên Lịch sử có điểm thi chuyên môn cao nhất tỉnh.

Không chỉ môn văn hóa, trong Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Hưng Yên năm học 2015 - 2016, trường tham gia hầu hết các bộ môn và đạt nhiều huy chương, trong đó có cả huy chương vàng, bạc, đồng.

Cô Lê Thị Nguyệt cùng đồng nghiệp và học trò tại Trường THPT Triệu Quang Phục
Cô Lê Thị Nguyệt cùng đồng nghiệp và học trò tại Trường THPT Triệu Quang Phục

Giáo viên cần tầm nhìn chiến lược

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển đội ngũ chất lượng, cô Lê Thị Nguyệt cho rằng, bên cạnh chú trọng bồi dưỡng tư tưởng chính trị và đạo đức nhà giáo; bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn; tăng cường hoạt động dự giờ, học hỏi đồng nghiệp cần hết sức lưu ý đến công tác tự học.

"Chúng tôi luôn tạo điều kiện để 100% giáo viên được tham gia học tập, tham dự các lớp tập huấn, các buổi chuyên đề do ngành tổ chức. Nhà trường cũng trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại, kết nối mạng internet, cung cấp sách báo về giáo dục có liên quan đến công tác giảng dạy để giáo viên tham khảo nghiên cứu tự học, tự bồi dưỡng. Đồng thời, có chính sách động viên cán bộ tự học nâng chuẩn" - cô Lê Thị Nguyệt cho hay.

Đặc biệt nhấn mạnh đến tầm nhìn chiến lược, nữ hiệu trưởng Trường THPT Triệu Quang Phục cho biết, giáo viên, nhân cần được tạo điều kiện tham gia các chương trình đào tạo đa dạng. Người lãnh đạo cần thường xuyên đôn đốc cán bộ, giáo viên, nhân viên theo dõi, nắm bắt thông tin chỉ đạo của cấp trên về những thay đổi trong giáo dục, từ đó có giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng tầm nhìn chiến lược về ngoại ngữ và CNTT cũng hết sức quan trọng. "Ngoài công tác chuyên môn, chúng tôi luôn đôn đốc giáo viên chú trọng bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ, CNTT dưới nhiều hình thức; tạo mọi điều kiện cho giáo viên thực hiện việc này. Có kế hoạch cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thấy được tầm quan trọng của ngoại ngữ và CNTT để mọi người có kế hoạch tự bồi dưỡng.

Nhà trường đã chủ động thành lập các lớp bồi dưỡng về Ngoại ngữ và Tin học, động viên giáo viên môn Ngoại ngữ, Tin học phân phối thời gian hợp lý để giảng dạy thêm cho đồng nghiệp.

Nhờ công tác bồi dưỡng như vậy, cán bộ, giáo viên nhà trường hầu hết sử dụng thành thạo CNTT, nhiều người tham gia học và thi chứng chỉ ngoại Ngữ khung B1, A2 chuẩn Châu Âu" - cô Lê Thị Nguyệt chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...