Cái khó ló cái khôn
Là hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười từ năm 2007-2017, thầy Nguyễn Văn Định (nay là hiệu trưởng Trường THPT Phú Điền, Đồng Tháp) đã trải qua nhiều cuộc họp đánh giá thi đua, dù kéo dài rất lâu, bàn luận rất nhiều, nhưng cuối cùng vẫn không đi đến được đích cuối cùng: sự đồng tình, đồng thuận của người được đánh giá, xếp loại.
Đánh giá, thi đua vốn là vô cùng cần thiết giúp tạo động lực cho các nhà giáo; nhưng sẽ mang tác dụng ngược nếu thiếu sự công bằng, khách quan.
Chia sẻ về khó khăn riêng trong vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Định cho biết, trong thời gian dài (10 năm, từ 1989-1999), Trường THPT Tháp Mười có 2 cấp học nên cùng lúc thực hiện 2 mục tiêu giáo dục THCS và THPT với 2 kết quả đầu ra khác nhau.
Từ đó, việc đánh giá, xếp loại giáo viên thường phải chia thành 2 nhóm nên đã tạo ra một số phức tạp nhất định. Đôi lúc xảy ra các quyết định thiếu công bằng, chưa khách quan xuất phát từ suy nghĩ chủ quan, cảm tính của những người tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên.
Từ khó khăn trong thực tiễn, nhà trường đã đặt ra câu hỏi: Vì sao không vận dụng việc cho điểm vào theo dõi kết quả công tác của giáo viên để tạo ra “thước đo” công bằng hơn trong đánh giá, xếp loại? Có thể sử dụng kết quả học sinh làm căn cứ chủ yếu để đánh giá năng lực của giáo viên? Có thể dùng thi đua làm “đòn bẩy”, làm động lực phát triển đội ngũ, phát triển nhà trường?
Sau nhiều lần dự thảo và lấy ý kiến góp ý trong cán bộ chủ chốt và toàn đơn vị, Hội nghị cán bộ, công chức của trường được tổ chức vào ngày 17/10/1999 đã thông qua một văn bản (lưu hành nội bộ) quan trọng với tên gọi là “Bản cam kết trách nhiệm giữa Hiệu trưởng và Chủ tịch Công đoàn cơ sở, năm học 1999-2000”.
Đây chính là văn bản đầu tiên qui định việc đánh giá, xếp loại và khen thưởng giáo viên, nhân viên hàng năm của nhà trường.
Trong văn bản này, phương thức lượng hóa các tiêu chí thi đua khen thưởng dựa vào các hướng dẫn, chỉ đạo của trung ương và địa phương đã áp dụng thử nghiệm; nhận được đồng thuận của tập thể lãnh đạo, các đoàn thể và nhất là đội ngũ giáo viên trong toàn trường.
Theo thầy Nguyễn Văn Định, đây là một trong những giải pháp quan trọng đưa nhà trường đạt được nhiều thành tựu đáng kể, từ một trường ở một huyện gặp nhiều khó khăn trở thành một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh.
Sau nhiều lần cải tiến, đến năm học 2016-2017, trường này đã có một bộ chuẩn đánh giá theo năng lực với rất nhiều tiêu chí định lượng. Bộ tiêu chí đã được rất nhiều trường bạn đến học tập và vận dụng.
Bên cạnh đó, Trường THPT Tháp Mười cũng giao cho Đoàn trường chủ trì xây dựng và triển khai áp dụng Bản qui định thi đua học sinh để theo dõi kết quả hàng ngày, tuần, học kỳ và cả năm về 4 mặt thi đua: nội qui, học tập, phong trào và lao động để xếp hạng hàng tuần, học kỳ, năm học. Khen thưởng kịp thời các cá nhân và tập thể xuất sắc. Hai bản thi đua có mối liên hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau và song hành trong thời gian dài tại trường này.
Trường THPT Tháp Mười đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất |
Xem thi đua là đòn bẩy
Khẳng định vai trò quan trọng của công tác thi đua, xem thi đua là “đòn bẩy” cho sự phát triển, thầy Nguyễn Văn Định cho biết: Quy định này hướng đến việc tổ chức thi đua hiệu quả, dùng thi đua làm động lực để mỗi cá nhân và tập thể phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ghi nhận kịp thời mọi đóng góp của cá nhân, coi trọng năng lực sở trường cá nhân, qui tụ tính đoàn kết trong tập thể, gắn kết từng điểm mạnh cá nhân làm nên sức mạnh nhà trường.
Trong quy định của Trường THPT Tháp Mười có thể thấy rõ quan điểm: Sản phẩm của giáo dục là con người do vậy công tác thi đua ở trường học phải tập trung khai thác tối đa từ 2 đối tượng là “người dạy” và “người học”.
Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ thi đua học sinh với thi đua giáo viên. Giảng dạy như thế nào; tổ chức hoạt động chủ nhiệm lớp ra sao…, tất cả sẽ được chứng minh bằng số liệu tích lũy từ kết quả của học sinh. Xây dựng qui chế ràng buộc trong mối liên hệ giữa học sinh, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, các bộ phận chuyên trách …
Một trong những điểm đặc biệt của văn bản này là quy ra điểm số, chia ra thang điểm các hoạt động học sinh và giáo viên; dùng làm căn cứ quan trọng nhất để xét thi đua vào cuối học kỳ và cuối năm. Sản phẩm của trường học là kết quả học sinh.
Hình ảnh khai giảng năm học mới tại Trường THPT Tháp Mười |
Vì vậy, kết quả đó phải được phân tích đầy đủ trên nhiều phương diện, trong đó cần làm rõ vai trò chính của người trực tiếp làm ra sản phẩm đó là giáo viên. Làm thế nào để giáo viên luôn xem kết quả của hóc inh là nguồn cảm hứng, là động lực để làm việc.
“Nhà trường sử dụng kết quả làm cơ sở quan trọng để đánh giá, xếp loại, xếp hạng giáo viên nhằm làm rõ năng lực, kết quả công tác, phẩm chất đạo đức làm căn cứ để bố trí, sử dụng nhân sự, khen thưởng định kỳ, đột xuất và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với nhà giáo.
Qui định thi đua cũng chính là căn cứ quan trọng để mỗi giáo viên, nhân viên nhìn lại chính mình và không ngừng hoàn thiện về chuyên môn, nghiệp vụ. Từng người nỗ lực nghĩa là tập thể đang nỗ lực, năng lực và tâm huyết cá nhân được tích lũy thường xuyên, chất lượng giáo dục nhà trường sẽ từng bước nâng lên” – thầy Nguyễn Văn Định chia sẻ.
Tuy còn có hạn chế nhất định (như chỉ có thể áp dụng hiệu quả với giáo viên trực tiếp giảng dạy; đôi lúc cũng tạo ra áp lực cho giáo viên; tốn thời gian, cần nhân lực để theo dõi, cập nhật, xử lý kịp thời các thông tin, số liệu), nhưng qua thực tiễn nhiều năm, qui định thi đua của Trường THPT Tháp Mười đã được tập thể đồng tình cao và tham gia góp nhiều ý kiến bổ sung hoàn chỉnh. Giáo viên và học sinh đã quen và tỏ ra hứng thú cao với cách làm này.
Việc bố trí, sử dụng nhân sự, khen thưởng định kỳ và thực hiện các chính sách ưu đãi với nhà giáo nhờ đó chính xác hơn, mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Trường THPT Tháp Mười khẳng định bản thi đua đã mang lại lợi ích rất lớn cho đơn vị trong việc từng bước nâng cao chất lượng toàn diện.
Qui định chi biết gồm 10 mục:
(i) Cách tính kết quả giảng dạy;
(ii) Cách tính kết quả chủ nhiệm;
(iii) Kỷ luật lao động và qui chế chuyên môn;
(iv) Tính điểm các bộ phận chuyên trách và kiêm nhiệm;
(v) Điểm thưởng;
(vi) Tổng hợp thi đua;
(vii) Đánh giá nhân viên Tổ Văn phòng;
(viii) Thu thập và xử lý kết quả;
(ix) Qui định về khen cao;
(x) Điều khoản thực hiện.