Nữ trưởng phòng chia sẻ cách làm giúp giảm lớp ghép, tiết kiệm vài tỷ đồng/năm

GD&TĐ - Thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp tiểu học với điều kiện địa hình chia cắt, giao thông không thuận lợi, có nhiều điểm trưởng lẻ, cô Nông Thị Loan - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) - đã có những giải pháp sáng tạo, giảm được rất nhiều điểm trường lẻ, lớp ghép, sử dụng “tiết kiệm”, hiệu quả biên chế giáo viên.

cô Nông Thị Loan - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc (Cao Bằng)
cô Nông Thị Loan - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc (Cao Bằng)

Các giải pháp cô Nông Thị Loan chia sẻ dưới đây đã được áp dụng hiệu quả tại huyện Bảo Lạc; đồng thời có khả năng tiếp tục áp dụng trong địa bàn huyện và những huyện trong tỉnh, ngoài tỉnh có nhiều điểm trường, lớp lẻ và điều kiện kinh tế - xã hội tương tự như huyện Bảo Lạc.

Rà soát, thống kê số HS điểm trường lẻ; xây dựng phương án dồn, ghép lớp

Hằng năm, trước khi trao đổi kế hoạch phát triển trường lớp, cô Nông Thị Loan đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn tiểu học, bộ phận thống kê - kế hoạch rà soát hệ thống điểm trường, các khối lớp, độ tuổi của học sinh (HS).

Ở các điểm trường lẻ có ít HS, có nhiều lớp ghép sẽ xem xét điều kiện cần thiết để có phương án dồn, ghép HS về các điểm trung tâm hoặc về trường xã, với phương châm giảm số lớp, dư biên chế giáo viên, hạn chế tăng lớp ở các điểm trường có HS dồn về.

Qua rà soát, thống kê, tại đa số các điểm trường lẻ, tổng số HS chỉ từ 17 đến 22 em nhưng phải chia thành 2 đến 3 lớp, trong đó có lớp ghép và phải cần 2 đến 3 giáo viên, như vậy tỉ lệ HS trên lớp chỉ từ 7-8 em; trong khi đó tại các trường xã, điểm trường trung tâm của cấp tiểu học, số HS trên lớp trung bình từ 10 – 15 em.

Như vậy, cô Nông Thị Loan cho rằng, có thể thực hiện giải pháp chuyển HS từ điểm lẻ về trường xã, điểm trường trung tâm để giảm số lượng lớp ghép, sử dụng hiệu quả biên chế giáo viên, đồng thời tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, HS vừa được hưởng chế độ hỗ trợ ăn bán trú tại trường, vừa có điều kiện tổ chức phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.

Chẳng hạn năm học 2013-2014 tại trường tiểu học Nà Rại, xã Cốc Pàng đã chuyển HS từ điểm trường Khuổi Xá, Khuổi Khau về điểm trường Cốc Pàng để tổ chức bán trú và học 2 buổi/ngày, từ đó giảm 3 lớp ở điểm trường lẻ, dư ra 3 biên chế giáo viên và số lớp tại điểm trường Cốc Pàng (có HS dồn về) vẫn giữ nguyên 5 lớp. Trường tiểu học Hồng Trị đã chuyển HS lớp 4, lớp 5 từ điểm trường Khau Pàu (chủ yếu là dân tộc Mông) về trường xã để học bán trú và dư 1 giáo viên...

Cô Nông Thị Loan lưu ý: Căn cứ vào điều kiện địa lý, khoảng cách từ nhà đến điểm trường gần nhất để có phương án chuyển HS từ điểm này sang điểm khác trong cùng một trường hoặc khác trường. Nếu khác trường thì cùng trao đổi với 2 hiệu trưởng để thống nhất thực hiện.

Cô Nông Thị Loan chia sẻ kinh nghiệm tại lễ tuyển dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy học tổ chức năm 2017
Cô Nông Thị Loan chia sẻ kinh nghiệm tại lễ tuyển dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy học tổ chức năm 2017

Tăng cường chỉ đạo thực hiện dồn điểm trường

Từ số liệu thống kê số lượng HS tiểu học ở các điểm trường lẻ, xem xét các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, khoảng cách từ nhà HS đến trường, cô Nông Thị Loan đã chỉ đạo Hiệu trưởng các trường thực hiện các bước tiếp theo để thực hiện dồn, ghép lớp, cụ thể:

Trước tiên, hiệu trưởng các trường cần làm tốt công tác tuyên truyền, làm phụ huynh HS hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc dồn, ghép HS để tổ chức các điểm trường bán trú.

Sau khi đã làm tốt công tác tuyên truyền, nhà trường cần tổ chức họp phụ huynh HS, mời chính quyền xã và xóm tham gia để trưng cầu ý kiến về việc này; lấy phiếu thăm dò nguyện vọng của HS, cha mẹ HS.

Để có thể thực hiện dồn ghép lớp về học tại điểm trường trung tâm cách nhà từ 3-5 km, trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc đã chỉ đạo các trường xây dựng phương án đưa, đón HS và đảm bảo an toàn cho HS đến trường.

Cụ thể, với HS nhỏ tuổi hơn, phụ huynh cần luân phiên nhau đưa HS đến trường bằng xe máy. HS lớp 4, lớp 5 ở miền núi luôn có tính tự lập cao hơn các em ở miền xuôi, nên có thể tổ chức đi bộ theo nhóm đến trường và các thầy cô giáo giao nhiệm vụ cho 1 em làm nhóm trưởng.

Để đảm bảo thời lượng giờ học, với các trường có HS đi bộ xa, nhà trường sẽ điều chỉnh giờ ra, vào lớp cho phù hợp để các em kịp giờ vào học và về đến nhà trước khi trời tối.

Với các nhóm HS nhà cách xa trường trên 7 km, nhà trường sẽ bố trí chỗ ăn, nghỉ với các anh, chị trường PTDT bán trú THCS, đến cuối tuần các em mới về nhà, mô hình này có tại xã Thượng Hà, Phan Thanh.

Cô Nông Thị Loan và đồng nghiệp trong lễ tuyển dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy học tổ chức năm 2017
Cô Nông Thị Loan và đồng nghiệp trong lễ tuyển dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy học tổ chức năm 2017

Tăng cường cơ sở vật chất cho điểm trường bán trú

Để tổ chức cho HS học 2 buổi/ngày và nghỉ trưa tại các điểm trường bán trú tiểu học, với điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn như chưa có nhà bếp, nhà ăn, ký túc xá HS, chưa có dụng cụ nấu ăn, cô Nông Thị Loan quyết định trích một phần kinh phí chi thường xuyên cho các trường tăng cường cơ sở vật chất (sau xin ý kiến của Chủ tịch UBND huyện và được sự đồng thuận của tập thể).

Cụ thể: Mua bàn ghế bán trú 2 mặt thay thế bàn ghế cũ để HS vừa có thể học vừa có thể nghỉ trưa tại trường. Số bàn ghế cũ ở điểm chính và các điểm lẻ đã giảm HS, sẽ chuyển đến các điểm trường khác còn thiếu.

Chỉ đạo dựng nhà bếp, nhà ăn, dựng thêm phòng học để đáp ứng yêu cầu học bán trú. Cấp kinh phí cho các trường mua tấm lợp, xi măng để dựng nhà bếp, nhà ăn cho HS bán trú, mua chăn ấm cho HS trong mùa đông.

Trang bị dụng cụ nấu ăn, bàn ghế ăn cho các trường tổ chức bán trú. Đồng thời chỉ đạo các trường sửa chữa bàn ghế cũ hỏng, không ngồi học được thành bàn ghế ăn cho HS.

Hỗ trợ kinh phí để xây bể, mua thùng đựng nước, ống dẫn nước… để đảm bảo các trường có đủ nguồn nước sạch nấu ăn và sinh hoạt.

Trong ba năm học (2013-2014, 2014-2015, 2015-2016), ngành đã chi trên 500 triệu đồng cho các trường tiểu học tăng cường cơ sở vật chất để phục vụ công tác bán trú. Đồng thời khuyến khích, động viên, đôn đốc Hiệu trưởng các trường làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh đóng góp vật liệu, ngày công giúp dựng lớp học, nhà bếp cho HS, vận động các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ gạo, dụng cụ nấu ăn, chăn ấm mùa đông cho HS bán trú.

Cô Nông Thị Loan nhận bằng khen từ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn
Cô Nông Thị Loan nhận bằng khen từ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn

Triển khai thực hiện dồn, ghép lớp, tổ chức các điểm trường bán trú

Khi có được đồng thuận của chính quyền xã, phụ huynh HS, sự đồng tình hưởng ứng của đội ngũ giáo viên và HS, cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất đã tương đối đáp ứng điều kiện dạy và học bán trú, cô Nông Thị Loan đã chỉ đạo các trường thực hiện dồn, ghép lớp, tổ chức các điểm trường bán trú.

Kết quả năm học 2013-2014, đối với cấp tiểu học đã giảm được 3 điểm trường lẻ, giảm được 7 lớp ghép so với năm học 2012-2013 và dư 9 biên chế giáo viên ở các điểm lẻ.

Năm học 2014-2015, cấp tiểu học đã giảm được 8 điểm trường lẻ, giảm được 33 lớp ghép so với năm học 2013-2014 và dư 27 biên chế giáo viên ở các điểm lẻ.

Năm học 2015-2016, cấp tiểu học giảm được 13 điểm trường lẻ, giảm được 20 lớp ghép so với năm học 2014-2015 và dư 32 biên chế giáo viên ở các điểm lẻ.

Tiêu biểu trong giai đoạn 2013-2016, khi thực hiện dồn, ghép lớp trường tiểu học Thượng Hà đã dư ra 12 giáo viên; trường tiểu học Nà Rại từ 5 điểm trường lẻ, đã giảm được 3 nay chỉ còn 2 điểm trường lẻ.

Số điểm trường lẻ giảm đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ quản lý nhà trường đi kiểm tra được thường xuyên hơn, nhiều lượt hơn. Số lớp ghép giảm, số lớp học 2 buổi/ngày tăng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học trong những năm học vừa qua.

Số giáo viên dư khi thực hiện dồn, ghép lớp tiểu học đã góp phần giúp ngành sử dụng “tiết kiệm”, hiệu quả biên chế, để từ đó cân đối bố trí giáo viên cho cấp học mầm non và các trường bán trú THCS.

Hình ảnh tại hội thi giáo viên giáo viên làm tổng phụ trách đội giỏi của huyện Bảo Lạc
Hình ảnh tại hội thi giáo viên giáo viên làm tổng phụ trách đội giỏi của huyện Bảo Lạc

Bố trí biên chế giáo viên, nhân viên cho các điểm trường bán trú, tăng cường chỉ đạo dạy học 2 buổi/ngày

Sau khi thực hiện dồn, ghép HS ở các điểm trường lẻ về các trường trung tâm, số giáo viên dư ở các điểm trường lẻ đã bố trí cho các điểm trường chưa có giáo viên đứng lớp và các điểm trường bán trú tổ chức học 2 buổi/ngày, đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp.

Với 1.189 biên chế sự nghiệp giáo dục được giao cho huyện Bảo Lạc từ năm 2012 đến nay, thì chưa thực sự đáp ứng đủ tỉ lệ giáo viên giảng dạy, đặc biệt là đối với cấp học mầm non.

Do đó, để sử dụng “tiết kiệm”, hiệu quả biên chế được giao, ngành giáo dục Bảo Lạc đã có phương án bố trí biên chế đảm bảo cho các lớp mầm non, tiểu học có 1 giáo viên/lớp.

Chính vì vậy, để có giáo viên hỗ trợ các lớp tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày, ngành giáo dục đã xin ý kiến của Chủ tịch UBND huyện được hợp đồng giáo viên ngoài biên chế cho các lớp học 2 buổi/ngày và kinh phí ngành giáo dục tự cân đối chi trả.

Năm học 2015-2016 ngành đã hợp đồng 14 giáo viên ngoài biên chế cho 14 điểm trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Khi cơ bản đã bố trí đủ tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp, cô Nông Thị Loan đã tăng cường chỉ đạo các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Kết quả năm học 2015-2016: Có 53 điểm trường, 226 lớp tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; so với năm học 2012-2013 tăng 46 điểm trường, tăng 162 lớp học 2 buổi/ngày.

Tất cả các trường tiểu học trong huyện đều không có biên chế nhân viên bảo vệ, vì vậy để đảm bảo an toàn trường học, trong những năm gần đây ngành giáo dục đã hợp đồng ngoài biên chế 24 nhân viên bảo vệ cho các trường tiểu học, PTCS.

Đối với một số điểm trường bán trú tiểu học có nhiều HS, ngành đã xem xét và hợp đồng nhân viên cấp dưỡng để nấu ăn trưa cho HS bán trú. Lương hợp đồng nhân viên bảo vệ, cấp dưỡng ngành giáo dục tự cân đối chi trả.

Hiệu quả tổ chức bán trú ở các trường tiểu học đã có ảnh hưởng tốt và lan tỏa đến các trường mầm non, vì vậy trong những năm học gần đây số trường mầm non tổ chức cho HS ăn trưa tại trường và dạy học 2 buổi/ngày dần dần tăng lên. Năm học 2015-2016 có 30 điểm trường tổ chức cho trẻ ăn trưa và dạy học 2 buổi/ngày, tăng 27 điểm trường so với năm học 2012-2013.

Thấy được hiệu quả tốt, cô Nông Thị Loan đã tiếp tục chỉ đạo các trường duy trì thực hiện. Thời điểm tháng 3/2016, khi trao đổi kế hoạch phát triển giáo dục năm 2017, nữ trưởng phòng đã chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện dồn, ghép HS về học bán trú tại các điểm trường trung tâm và trong năm học 2016-2017 tiếp tục sẽ giảm được 3 điểm trường lẻ, dư ra 21 biên chế giáo viên, tăng 7 lớp học 2 buổi/ngày so với năm học 2015-2016.

Hiệu quả các giải pháp của cô Nông Thị Loan được Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng đánh giá cao; được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Giấy chứng nhận: Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Giáo dục giai đoạn 2010-2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ