Nữ hiệu trưởng không ngại “đi xin” vì trò

“Tôi là cán bộ quản lý, là giáo viên, cũng là một người mẹ nên việc gì tốt cho học trò thì làm thôi. Cái gì tôi tự làm được thì tôi sẽ cố, không có thì tôi “đi xin”. Tôi xin nhẵn mặt rồi nhưng biết mục đích và hiệu quả thiết thực từ những đóng góp của đơn vị đối với học sinh, đối với nhà trường nên hầu như không ai từ chối”, cô Trần Thị Đa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) chia sẻ. 

Nữ hiệu trưởng không ngại “đi xin” vì trò

Người gây dựng phong trào

Nói về cô Trần Thị Đa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thành, ông Trần Xuân Tĩnh, Trưởng Phòng GD huyện Yên Thành cho biết: “Cô Trần Thị Đa là một cán bộ quản lý có năng lực chuyên môn tốt, nhiệt tình năng động, hết lòng chăm lo cho trò. Điều đặc biệt, đi đến đâu cô Đa đều gây dựng các phong trào rất tốt, biết huy động các nguồn lực từ phụ huynh, các tổ chức, doanh nghiệp… để chăm lo cho các cháu, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục”

co Tran Thi Da.jpg
Cô Trần Thị Đa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thành (Yên Thành, Nghệ An).

Năm học 2018-2019, lần đầu tiên Trường tiểu học Hợp Thành tổ chức được bếp ăn bán trú cho trẻ. Đây là vùng đặc thù, bởi vậy, số lượng các cháu tham gia bán trú chỉ chiếm 1/10 tổng số học sinh, điều đó cũng đòi hỏi ban giám hiệu, các giáo viên phải nỗ lực rất nhiều. Đây là một trong nhiều điều mang dấu ấn của cô Trần Thị Đa khi chuyển công tác về đây từ năm học 2016-2017.

“Đời sống người dân ở đây đa phần còn khó khăn, một bộ phận không nhỏ phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học hành, nền nếp của con. Bởi vậy, tổ chức được bán trú là điều cực kỳ gian nan. Khó nhưng cũng phải làm bởi bán trú được nhiều cái, từ nền nếp sinh hoạt, ăn uống, nghỉ trưa của trẻ cho đến việc tổ chức, duy trì hiệu quả dạy học 2 buổi/ ngày”, cô Đa tâm sự.

Muốn tổ chức được bán trú, phải lo cơ sở vật chất đầu tiên. Muốn xây dựng được cái này, cái kia thì phải có tiền nhưng tiền đâu ra? Huy động từ phụ huynh rất khó bởi đời sống còn rất khó khăn. Cô Đa đánh liều đi xin.

Bước đầu là vận động sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, các doanh nghiệp trên địa bàn, các tổ chức Hội đồng hương Hợp Thành ở khắp mọi miền. Cô “đánh liều” ôm hồ sơ xuống Sở Tài chính xin kinh phí để xây dựng bếp ăn bán trú. Cứ góp mỗi nơi một ít, cơ sở vật chất của trường ngày một hoàn thiện, từ sân trường, các nhà học xuống cấp, sân khấu để phục công tác dạy - học, sân chơi cho trẻ. Đầu năm học 2018-2019, bếp ăn bán trú của trường chính thức đi vào hoạt động từ nguồn tiền của Sở Tài chính cấp, phục vụ bữa trưa cho 60 học sinh.

Tieu hoc Hop Thanh.jpg
Khuôn viên Trường Tiểu học Hợp Thành được tu sửa khang trang từ nguồn kinh phí vận động xã hội hóa đóng góp của phụ huynh và các mạnh thường quân.

“Đi xin nhiều cũng ngại lắm chứ. Nhưng mình là cán bộ quản lý, là nhà giáo, là người mẹ, cái gì tốt cho học sinh, cho các con thì cố gắng làm thôi. Được cái, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp thấy được hiểu quả từ đồng tiền mình bỏ ra đối với nhà trường, đặc biệt là đối với các em học sinh nên họ rất ủng hộ và tiếp tục đồng hành cùng trường”, cô Đa chia sẻ.

Để chương trình Sữa học đường đến được với các em học sinh cũng là một sự cố gắng, nỗ lực không nhỏ của nữ hiệu trưởng này. Học sinh của trường đại bộ phận là con em nông dân, lo cho các con bữa ăn tươm tất đã là cố gắng lớn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều phụ huynh nghi ngại về chất lượng sữa, giá cả…

Chương trình Sữa học đường được hỗ trợ một phần kinh phí, rất tốt cho sự phát triển của các cháu, nếu không thể triển khai thì thiệt thòi nhất là chính các em học sinh. “Thông tư tưởng” cho phụ huynh là bước đi quan trọng để có thể triển khai chương trình Sữa học đường. Muốn vậy phải để phụ huynh trực tiếp sử dụng, đánh giá, so sánh sữa của chương trình với sữa mua ở các cửa hàng.

hop thanh.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Hợp Thành trong một tiết học.

Cô Trần Thị Đa quyết định trích gần hết 1 tháng lương của mình mua 19 thùng sữa học đường, phát về tận tay cho phụ huynh. Khi phụ huynh được trực tiếp cảm nhận, đánh giá chất lượng sữa, nhất là khi được giải thích về việc hỗ trợ một phần kinh phí và hiểu đúng vai trò của sữa đối với sự phát triển thể chất, trí não của trẻ đã gạt sự nghi ngại, đăng kí cho con tham gia chương trình. Đến nay, gần 500 trong tổng số 622 học sinh được uống sữa từ chương trình “Sữa học đường”.

Đi thi lấy tiền hỗ trợ cho trò

Trước khi chuyển công tác về Trường Tiểu học Hợp Thành, cô Trần Thị Đa có gần 10 năm công tác tại Trường Tiểu học Phú Thành. Tại ngôi trường này, có 2 anh em bị bệnhxương thủy tinh Trịnh Xuân Nghĩa và Trịnh Thị Ngân theo học. Biết hoàn cảnh gia đình cũng như nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ của hai học trò này, cô Đa luôn dành sự ưu tiên tốt nhất cho anh em Nghĩa.

Nghia 2.jpg

Với Nghĩa, cô Trần Thị Đa (áo tím) không đơn thuần là một cô giáo mà với tấm lòng của người mẹ, cô tìm cách giúp đỡ em trong học tập, trong cuộc sống để em có thể yên tâm với việc học tập.

Cuối năm 2015, một lần tình cờ, cô Đa được một người gợi ý tham dự chương trình “Vì bạn xứng đáng” để lấy tiền hỗ trợ cho anh em Nghĩa. “Đây chương trình có nội dung các câu hỏi khá rộng lớn, tôi e ngại kiến thức mình không đủ, chỉ đem về được 2 - 3 triệu đồng thì… xấu hổ. Hơn nữa, vào thời điểm đó, bố chồng tôi ốm rất nặng, khó lòng qua khỏi. Tôi cũng hết sức phân vân bởi đây là cơ hội tốt để giúp cho học sinh nhưng còn trách nhiệm của người con trong gia đình. Mẹ chồng tôi động viên “Con cứ mạnh dạn đi thi, các cháu cần con. Nói dại, nhỡ cậu (nhà cô Đa gọi bố chồng bằng cậu - PV) có mệnh hệ gì cậu hiểu tấm lòng của con mà không trách cứ gì đâu”, cô Đa kể lại.

Được sự động viên từ gia đình, cô Đa mạnh dạn vào TPHCM tham gia cuộc thi và giành được 61,7 triệu đồng tiền thưởng. Cùng với số tiền được cô Đa giành được từ chương trình, gia đình em Trịnh Xuân Nghĩa đã vay mượn thêm xây được ngôi nhà chắc chắn, có phòng riêng cho các con. Từ chương trình, nhiều mạnh thường quân cũng biết đến hoàn cảnh của em Nghĩa và tiếp tục hỗ trợ em về kinh tế, xe lăn điện để anh em Nghĩa tiện đi lại.

trao bo cho hoc sinh.jpg

Cô Trần Thị Đa (áo kẻ) vận động, kết nối những tấm lòng hảo tâm để giúp đỡ học sinh khó khăn và gia đình của các em. Trong ảnh: Cô Đa và đại diện nhà hảo tâm trao bò sinh sinh cho gia đình học sinh để phát triển kinh tế.

Về trường Hợp Thành, cô Đa tiếp tục là chiếc cầu nối giữa những tấm lòng hảo tâm với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường. Trong 3 năm qua, thông qua sự kết nối của nữ hiệu trưởng này, gia đình em Quỳnh Anh (lớp 3B) và em Nguyễn Thị Thương (lớp 4A) được hỗ trợ 1 con bò giống để phát triển kinh tế, sổ tiết kiệm, quần áo, sách vở để có thể yên tâm đến trường.

“Tôi thường nói với các giáo viên, làm nghề giáo thì phải xác định là yêu nghề, thương trẻ, có cái tâm thật sự trong dạy học. Nếu không có những điều đó, thì không thể làm nghề giáo được, mà hãy chọn nghề nào khác phù hợp hơn. Làm nhà giáo, ngoài trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, phải bồi đắp lòng nhân ái, lan tỏa tình yêu thương trong mỗi học trò”, cô Trần Thị Đa tâm sự.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ