Những bức thư kết nối đất liền với đảo xa
Đến tận bây giờ, cặp bộ đội - giáo viên vẫn được coi như một “cặp đôi hoàn hảo” do tính cách giữa họ có khá nhiều điểm tương đồng. Trước tiên chính môi trường học tập, làm việc của hai người đã tạo nên một tính cách quy phạm cho cả hai. Giáo viên và bộ đội thường làm việc khá chuẩn nguyên tắc, có hệ thống, do đó chỉ có người trong ngành mới hiểu được nhau.
Cô Đỗ Thị Thơm, giáo viên Trường Mầm non Đông Sơn (SN 1989) và anh Nguyễn Viết Tưởng (SN 1984), bộ đội hải quân đóng tại đảo Trường Sa gặp nhau, quen nhau, yêu mến nhau xuất phát từ những cảm xúc dung dị nhất. Cô Thơm chia sẻ rằng hình ảnh các anh bộ đội luôn khiến cô nể phục, ngưỡng mộ, nhất là lại là lính hải quân.
Cũng vì lý do đặc biệt, những cuộc hẹn của họ ngoài đời chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là qua thư. Anh dùng thư để “tán tỉnh” cô sinh viên mầm non 19 tuổi trong vòng 2 năm. Tình yêu của họ xây dựng trên sự cảm thông, yêu thương, trân trọng nhau.
Anh Tưởng nhớ lại: Là lính đảo tôi luôn có cảm giác thèm khát tình cảm của đất liền. Nhất là nơi tôi công tác lại là đảo chìm, không có dân cư sinh sống, quanh năm suốt tháng hầu như chỉ có đồng đội ở cạnh. Một bức thư của người yêu lúc ấy đáng giá lắm. Có lẽ chính vì thế những bức thư với Thơm dần dần trở thành động lực, là niềm vui. Do đó, chúng tôi quyết định đến với nhau sau 2 năm thư từ qua lại.
Kể về “kế hoạch cầu hôn” cô giáo mầm non từ khi cô mới tốt nghiệp ra trường, anh Tưởng kể lại: Để cầu hôn cô ấy, tôi quyết định mang một con ốc biển thật đẹp về tặng. Thực ra, trong những lá thư gửi cho nhau, chúng tôi cũng bày tỏ rất nhiều tình cảm rồi... Sau 1 tháng lênh đênh trên biển để về đất liền, gặp nhau tại ga Hà Nội, tôi đưa món quà đảo xa ra tặng kèm lời cầu hôn, và cô ấy đã đồng ý. Rồi 20 ngày sau, chúng tôi tổ chức đám cưới với sự chứng kiến của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Hai lần vượt cạn một mình
Cô giáo Đỗ Thị Thơm |
“Về chung một mái nhà”, nhưng thời gian hai người gần nhau rất ít vì chủ yếu anh Tưởng làm nhiệm vụ ngoài đảo. Khi cô Thơm có bầu đứa con đầu, anh lại nhận nhiệm vụ ra đảo. Khi sinh đứa con thứ 2, cô Thơm tiếp tục vượt cạn vắng anh. Khi anh về phép, các con đều đã chập chững biết đi. Bởi hai năm anh mới được về phép một lần.
Mỗi lần về phép, nếu thời tiết thuận lợi cũng phải mất 15, 16 ngày mới về được đến nơi. Còn nếu như gặp thời tiết xấu, tàu phải tạm lánh để chờ biển yên thì coi như không còn phép.
Với cô Thơm, là vợ của người lính đảo thì sự nỗ lực cần phải tăng lên nhiều lần bởi không chỉ vừa làm con, làm vợ, làm mẹ mà còn kiêm cả trọng trách của người cha. Dù không có người đàn ông bên cạnh để lo toan, đỡ đần những công việc nặng nhọc trong gia đình, đôi vai nhỏ bé của cô vẫn vững vàng trong mọi hoàn cảnh.
Những vất vả, lo toan, bận rộn của cuộc sống đời thường không làm vơi đi nét dịu hiền, tươi trẻ trong con người cô. Bao năm một mình với trăm công nghìn việc nhưng chưa một lời kể lể, thở than với chồng vì sợ anh lo lắng ảnh hưởng đến công việc.
Cô lặng lẽ, âm thầm làm “tròn vai” của mình, vừa chăm lo gia đình, vừa hoàn thành tốt việc dạy học. Không những vậy, tình thương yêu, sự thấu hiểu những vất vả và hiểm nguy của người lính đảo đã khiến cô Thơm dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn tin yêu, động viên để chồng vững vàng, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Anh Tưởng chia sẻ: “Từ khi tôi có người vợ đảm đang, chung thủy, tảo tần chăm sóc cho bố mẹ và luôn động viên để chồng công tác tốt, nhất là khi có 2 bé, tôi càng có thêm động lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, để không phụ công của vợ và xứng đáng là niềm tự hào của các con”.
Dành tâm huyết cho học trò
Vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, cô Thơm đã dồn hết tình yêu thương cho những lớp học trò và nhận được niềm tin yêu của đồng nghiệp, của phụ huynh học sinh. Năm 2013, sau 3 năm công tác, cô vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là nguồn động lực lớn để cô tiếp tục phấn đấu, nỗ lực cống hiến.
Là một giáo viên trẻ, cô tích cực tham gia các hội thi giáo viên giỏi và ngày càng trưởng thành qua mỗi cuộc thi, mỗi chặng đường. Những sáng kiến trong dạy học của cô được áp dụng, nhân rộng, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Những nỗ lực ấy của cô giáo Đỗ Thị Thơm đã được ghi nhận qua các danh hiệu thi đua mà cô đạt được: Khối trưởng khối 3 tuổi, 2 năm liền cô đạt giải Ba hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, nhiều năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. Năm 2014 cô vinh dự được nhận danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu mẫu mực” do UBND huyện Chương Mỹ trao tặng.