Con vàng sợ hãi sau một đêm sấm sét đì đùng, nó chui xuống giường, nằm rên i ỉ. Bà Tâm lê thân hình mệt mỏi sau mấy tuần nằm bệnh viện, ra sân thu dọn bãi chiến trường.
Năm nào cũng thế, cứ đến đầu mùa mưa, căn nhà trống trải lại hứng thêm nhiều hậu quả của mẹ thiên nhiên, nhưng những năm gần đây, dường như mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn, cơn mưa trút xuống lúc nào cũng nặng hạt và dai dẳng. Nước từ đâu đổ về ầm ầm, như thể ông trời có bao nhiêu nước đều trút xuống, bà Tâm cảm giác mình thật nhỏ bé giữa bao la trời đất.
Còn nhớ hồi sắp nhỏ mới năm sáu tuổi, thời gian này, cứ mỗi lần sấm chớp lóe lên ngang cửa, chúng kéo nhau chui vào chăn trốn biệt. Ông Hậu chồng bà lặn lội ngoài đồng, sợ giông kéo về làm hư hại mấy ruộng lúa. Ở miết ngoài đó cho đến tối mịt, lúc về lũ nhóc đã cuộn tròn trong đống chăn ngủ ngon lành. Chúng giúp má được mấy công việc lặt vặt, lau dọn nhà cửa, đóng kín hết mấy cái chuồng nuôi trăn, quét nước để lũ trăn không bị chết. Mùa mưa đầu mùa lúc nào cũng khiến cả nhà phải lắng lo.
Thế mà đã qua hơn chục năm, thời gian trôi đi nhanh như chớp mắt, lũ nhỏ lẹo rẹo ngày nào bây giờ ở phố thị, ăn cơm phố thị và nói chuyện cũng hơi hướng “phố thị”. Trong khoảng không gian bao la trước cánh đồng xanh thăm thẳm, lảnh lót tiếng bìm bịp kêu chiều, bà Tâm cứ buồn, một nỗi buồn man mác không tên.
Sợ nhiều điều xảy đến mông lung đối với mấy đứa nhỏ trên phố thị. Đành rằng chúng đã lớn, đã bước đi trên những con đường chúng lựa chọn, nhưng lâu lâu sống mũi bà xộc lên cay xè, tựa như ai đó vừa cào cấu tâm can mình. Ai biểu bà lo nghĩ nhiều chi, để tuổi xế chiều rồi, cứ quạnh hiu mãi trong căn nhà rộng mênh mông.
Ông Hậu thích phố, đã lên ở nhà cậu con trai cả mấy năm nay, sáng sáng đạp xe một vòng quanh bãi đất trống, mấy ông cháu ríu ran với nhau một hồi, rồi chúng đi học, ông lại đạp xe về, chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà. Việc mà hồi xưa chẳng bao giờ ông làm cho bà Tâm. Ông bảo “đàn ông trong nhà chỉ nên lo việc lớn”, vậy là những ngày ra đồng, cuốc mương, đào đất, trồng cây, trồng lúa đối với ông mới là việc lớn.
* * *
Ngày bà Tâm đổ bệnh, lũ con lít nhít chạy về, đứa chăm bà được ba hôm, đứa chăm được hai hôm, quanh quẩn vườn nhà và bón thức ăn cho má. Nhưng công việc cứ cuốn chúng đi theo những cuộc điện thoại nheo nhéo, ông Hậu bất lực, bảo chúng nó thôi lên phố hết đi, ông chăm bà được ngày nào thì ông chăm, mai mốt bà khỏe ông trở lại phố.
Sáng sáng ngồi trên chiếc cầu vắt vẻo qua con sông, nhìn dòng nước xanh chảy lững thững, suy nghĩ về tuổi già bé mọn, ông Hậu thấy hoang hoải. Thì ra khoảng cách phố thị, thế hệ và những tất bật ngoài kia đã kéo lũ nhỏ đi rất nhanh. Ngôi nhà, thửa ruộng và những ấu thơ thời khốn khó đã không còn nhiều trong tâm tưởng của chúng. Ông vẫn thương bà nhiều nhưng đầy những cắng đắng trong lòng.
Người ta bảo “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, nhưng giờ thì ngược lại, ông đang cố gắng làm bà vui sau bao ngày nằm viện. Bà vịn vai ông, thất thểu bước thấp bước cao qua đoạn thềm gập ghềnh, xuống tới nhà vệ sinh, đôi chân rệu rã. Lúc này, tự nhiên tình cảm ở đâu đẩu cứ trào đến khóe mắt.
Còn nhớ năm ấy, khi ông tròn mười bảy, dạt trôi nơi vùng đất này bởi một lần giận cha. Rồi ông đi miết, đi tìm cuộc sống mới, nơi ở mới và tránh xa người cha độc đoán, ai dè lại đến và gắn bó với gia đình bà Tâm từ đó. Thằng giai mười bảy với bao nhiêu cảm xúc tuổi mới lớn, nhìn ánh mắt lúng liếng của người con gái mười lăm, nét thanh xuân như trăng tròn, phơi phới.
Ông mê mẩn bà, mon men xin làm người ở cho nhà bà. Duyên trời kết nối họ với nhau từ thuở ấy, em theo anh ra đồng, anh cặm cụi nắng mưa, gieo trồng cho gia đình ngoại. Đám cưới giản dị rơi đúng mùa bão, cả nhà ôm cô dâu chạy mưa, ông Hậu lúc đó trú bên họ hàng bà Tâm, cũng sang đưa đón dâu đầy đủ. Cô dâu nước mắt ngắn dài, lọt thỏm trong bộ áo truyền thống, bịn rịn chia tay ba má.
Kì thực là chỉ đi ở nhờ mấy hôm, rồi lại về bên nhà ngoại tá túc. Quãng đời mấy chục năm bên nhau, ông Hậu chẳng bao giờ nhắc đến nguồn cội của mình, dường như cái giận tuổi mười bảy ấy chưa làm ông nguôi ngoai. Thỉnh thoảng bà Tâm có ngỏ ý, hỏi ông đường về nội, nhưng ông cứ gạt phăng đi.

* * *
Khối nghỉ hè phố thị đổ bộ nhà bà Tâm sau ba bốn tuần bà Tâm cô đơn một mình. Tiếng thằng nhóc Minh ồn ào ngay từ đầu ngõ:
- Nội ơi, nội à, anh em tụi con về nghỉ hè, chăm sóc nội nè.
Bà Tâm đang lúi húi dưới vườn, vội vàng kéo gọn mớ rác để lên phía trên, tâm trạng hoang mang tột độ. Mọi năm giờ này chúng đã la cà trên phố, đứa đi học võ, đứa đi học bơi, nghe đâu chỉ về với nội mấy hôm rồi lại lên phố. Ai dè năm nay mới đầu hè, chúng đã tụ tập đông đúc ở nhà bà, chuẩn bị chiến dịch “nghỉ hè” xuyên suốt. Hôm trước cậu cả điện về, bảo hè này cho cả nhóm về với bà, tưởng nói chơi ai dè về thật.
Hành trình với khối nghỉ hè đã bắt đầu như thế, ông Hậu sáng sáng dẫn bầy cháu ra quán bánh ướt đầu ngõ, gọi cho mỗi đứa một suất. Đứa không ăn hành, đứa không ăn nước mắm ớt, đứa lại không ăn rau... chúng rộn ràng quần ông cả sáng.
Khi mấy ông cháu về tới nhà thì cũng là lúc bà Tâm lục tục bắc nồi cơm trưa. Rau cỏ trong vườn bà ngắt sẵn, thêm miếng tóp mỡ, miếng hành, cả xóm dậy mùi thơm, mấy đứa cháu hau háu, vừa ăn sáng đó thôi đã chạy vào bếp xin bà cơm.
Được cái biết bà bịnh nên đứa nào cũng xăng xái giúp đỡ bà, từ việc dọn dẹp nhà cửa đến quét sân, quét nhà. Ngôi nhà sau bão, được dọn dẹp sạch sẽ, tinh tươm. Mùi ấm cúng bay khắp không gian bao la, thửa ruộng trước nhà cũng như mừng ca reo vui. Ấy là lúc bà Tâm thấy những đứa con, đứa cháu nơi phố thị gần gũi với thiên nhiên, quê hương.
* * *
- Ông Hậu đâu rồi, có người từ Bắc vào thăm này!
Tiếng bà Thanh hàng xóm lanh lảnh bên hiên. Một lúc thấy chiếc ô tô vàng nghệ bảy chỗ đỗ xịch trước nhà. Ông Hậu nheo nheo đôi mắt nhìn ra khoảng nắng vàng hắt lên mảng cây ngoài cổng. Con vàng sủa oang oang, ra chừng dữ lắm. Mấy đứa cháu đang trêu đùa nhau ngoài vườn xoài, vội vàng chạy ra cổng nhí nhéo. Bà Tâm vội vàng chống gậy bước ra, mấy nay có cháu về, vui cửa vui nhà bà cũng thấy đỡ hơn nhiều. Tiếng bà hỏi vọng:
- Ai đấy! Ai đấy!
- Người quen của ông nội bà nội ơi, tới tìm ông nội nè!
Lũ cháu nhao nhao chạy ra cầm đồ cho mọi người chậm rãi từ trên xe xuống. Vài bóng người luống tuổi, bước vào sân. Bà Tâm nghe loáng thoáng người từ Bắc vào, tim đập rộn ràng. Thế là mong mỏi bao lâu nay của bà cũng thành hiện thực, nhờ mấy đứa con trên phố, đứa rành công nghệ thông tin, đứa biết đường đi nước bước của thôn xóm ngoài kia, bà nguyện vọng tìm quê cho ông Hậu. Dù bà không kể, cũng chẳng tâm sự gì với ông để ông biết lại phản đối, giãy lên như đỉa phải vôi.
* * *
Sân nhà ngày sau bão, tiếng nói cười râm ran từ trên xuống dưới, ông Hậu trốn biệt sau nhà mấy tiếng đồng hồ. Đợi mọi người năn nỉ mãi, ông mới bẽn lẽn đi ra, khóc tức tưởi như ai đấm. Có lẽ mấy chục năm trời rời gia đình, ngày ba mẹ ông xa cõi trần, ông cũng không hay. Ông nghĩ mình đã mất quê, mất anh em họ hàng bên nội, gắn bó bao mùa mưa nắng với nơi chốn này. Cho đến khi đầu bạc lốm đốm, con cái đề huề trên phố, ông mới thấm thía cảnh “không quê”, không anh em thân thích là như thế nào.
Lũ nhóc sà vào vòng tay các ông, các bà ngoài Bắc, như đã từng quen từ lâu. Chúng ríu ran trò chuyện, hai giọng Bắc Nam lẫn lộn, ngôi nhà rộn ràng. Bà Tâm đứng ở mé cửa, xúc động dâng trào.
Đến hơn nửa đời người, sau bao giông bão, bà cũng đã tìm lại được anh em ruột thịt cho ông Hậu. Dù không trọn vẹn, ngày gặp nhau người còn người mất, nhưng ông cũng đã có chốn đi về, anh em nội ngoại tề tựu nhau.
* * *
Những ngày tháng hè rộn ràng đã trải vàng trên con ngõ nhà bà Tâm. Hôm trước bão ngấp nghé sau cánh cửa, hôm nay nhờ nắng hong khô nhiều mảng vụn kí ức, ông Hậu xăng xái vác cuốc ra đồng, chân tay nhanh nhẹn như thuở thanh niên ngày ấy.
Nghe tin ba nhận họ hàng bên nội, mấy đứa con ở phố sắp xếp công chuyện trở về quê. Đứa bánh, đứa trái, ê hề một xe bán tải. Lũ nhóc ríu ran đòi bà Tâm phát quà tổng kết thành tích năm học, đứa mang giấy khen, đứa mang tập vở, khoe thành tích học tập một năm qua. Khối nghỉ hè đổ bộ đông đúc, sắp xếp làm cơm liên hoan nội ngoại để mọi người đón ông Hậu về Bắc chơi một chuyến. Sẵn dịp đưa bà Tâm về ra mắt họ hàng bên nội.
* * *
Chuyến tàu Bắc Nam xình xịch, ông Hậu chỉ tay về những cánh đồng xanh bát ngát khi tàu vun vút đi qua. Bãi biển rộng lớn và cả những khoảng tối trong hầm khi qua đèo Hải Vân, những hầm đi các tỉnh miền Trung và uốn lượn hình chữ S khi cả hai ông bà ngồi bên nhau hành trình đất nước. Bà Tâm dựa lưng vào ông Hậu, cảm thấy điểm tựa vững chắc bên mình.
Ngoài kia, giọng hát “đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay, qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi, nhớ thương nhau, em chờ anh tới, là tàu anh đi, vượt qua núi cao”... của NSND Thanh Hoa vang lên, người ta lại thấy hành trình mới bắt đầu...