Nữ kiến trúc sư từng phẫu thuật thẩm mỹ nhiều lần để nỗi đau thể xác lấn át nỗi chán nản |
23 tuổi, Bảo Hiên cùng bạn trai học khóa trên (giờ là chồng) mở công ty riêng chuyên về nội thất, sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2013.
Đôi bạn trẻ, với tình yêu nghề mãnh liệt, khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Cả hai ngày đêm tìm tòi để phát triển bản thân và dịch vụ giúp công ty ngày càng được biết đến. Tuy nhiên, sự thành công cuốn Hiên rơi vào guồng xoáy công việc và tiền bạc, khiến cô không đủ sức chống đỡ khi tuổi còn quá trẻ. Mỗi ngày, nữ kiến trúc sư làm việc khoảng 20 tiếng, trong đó riêng nghe điện thoại đã 8 tiếng.
Công ty được mở rộng đòi hỏi nhiều kỹ năng về quản trị, nhân sự, dòng tiền, đầu vào, đầu ra đến chất lượng sản phẩm. Trong khi những kỹ năng đó Hiên chưa từng được đào tạo trong trường.
Mỗi tháng, Hiên phải trả 500 triệu tiền lương cho nhân viên nên cô buộc phải nghĩ cách tìm nhiều việc để nuôi cả hệ thống. Áp lực công việc khiến Hiên dần rơi vào những tháng ngày trầm cảm sau ba năm mở công ty và không lâu sau khi kết hôn năm 2016 với người bạn trai cùng khởi nghiệp.
Hiên sợ giao tiếp, sợ tiếng điện thoại, đôi khi rơi vào trạng thái hoảng loạn và cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa. Mục đích của Hiên lúc bắt đầu công việc là mang đến không gian tươi đẹp, trong lành cho mọi người nhưng khi ấy, cô cảm thấy mình giống nô lệ của đồng tiền. Cô gái quê Thái Bình chỉ có "mong ước" duy nhất là được biến mất.
"Tôi có tiền nhưng không muốn làm bất cứ việc gì. Tôi thường xuyên bị tổn thương và khóc một mình, dù trước đấy, tôi là người mạnh mẽ. Thời gian đó, ngày nào tôi cũng muốn có thể ngủ và hôm sau không tỉnh dậy nữa", Hiên nhớ lại quãng thời gian khủng hoảng.
Hiên tìm thấy tình yêu cuộc sống khi có cơ hội tiếp xúc với các loại hoa hồng. |
Hiên tách dần công việc, học cách buông bỏ và nghỉ ở nhà gần một tháng nhưng không mấy tác dụng. Cô vẫn muốn chết và bắt đầu nghĩ cách làm đau bản thân để quên đi cảm giác chán nản. Hiên không nói với ai về tình trạng của mình vì sợ người thân lo lắng. Cô chọn cách phẫu thuật thẩm mỹ mặt để nỗi đau thể xác lấn át nỗi đau tinh thần.
Một buổi chiều nọ, nghĩ không thể sống mãi như vậy, Hiên nảy ra ý định đi nâng mũi. Sợ đau và chưa từng nghĩ tới chuyện sửa mũi nhưng lúc đó, cô vẫn quyết làm. Hiên gọi cho người bạn từng nâng mũi và nhờ dẫn đi ngay buổi chiều hôm ấy. Làm mũi xong, Hiên ngất lịm vì mất nhiều máu. Những ngày sau đó, Hiên sống trong cảm giác đau đớn, ám ảnh nặng nề khi vết thương bị phù nề và tụ dịch, phải mổ lại.
"Tôi là người luôn tìm giải pháp, không chịu ngồi một chỗ cam chịu. Làm mới bản thân cũng là cách để tôi vượt qua stress", Hiên nói.
Thời điểm đó, Hiên không đi khám bác sĩ tâm lý vì nghĩ mọi chuyện bình thường. Từ lúc vợ nghỉ ở nhà, ông xã Hiên phải cáng đáng mọi việc. Bận rộn nhưng anh vẫn gắng ở bên và chiều chuộng vợ. Anh đưa vợ đi sửa mũi, khám hàng ngày; buổi trưa tranh thủ mua cháo về nhà cho cô.
Vài tháng sau nâng mũi, Hiên đi làm trở lại và có cơ hội tiếp xúc với hoa hồng. Ban đầu, Hiên tìm hoa để mua giúp khách hàng, sau đó cô bị choáng ngợp với sự đa dạng của các loại hồng. Hiên bắt đầu tìm hiểu về hoa hồng và ngày càng hứng thú.
"Bố bảo tôi thần kinh khi mỗi lần về nhà, tôi soi đèn pin, mắc màn ngủ ngoài vườn ban đêm. Tôi thấy trồng hồng thú vị và tiềm năng nên nhờ bố mẹ tìm đất ở quê để mở trang trại nhưng không ai giúp, trừ ông xã. Chắc thấy tôi có đam mê trở lại sau thời gian trầm cảm nên anh vui và ủng hộ", Hiên chia sẻ.
Lúc đầu, bố mẹ phản đối khi Hiên đòi phá vườn để trồng hồng. Thương con, lại xót cả trăm gốc hồng bị xếp xó vì không có chỗ trồng, bố mẹ cô đành chiều theo ý con. |
Hiên tự làm hợp đồng thuê 3ha đất ở quê trong 10 năm để thực hiện ý định làm trang trại hoa hồng. Người thân hốt hoảng và nói Hiên khùng vì thuê mảnh đất to khi không có kinh nghiệp làm nông nghiệp.
Mặc mọi người khuyên can, Hiên đi các nơi nghiên cứu, học cách trồng, chăm sóc hoa từ người bán và các nhóm trồng trọt trên mạng. Sau đó, cô tìm hiểu ngành công nghiệp mỹ phẩm và nhận thấy nguồn nguyên liệu sản xuất thiếu nhiều. Hiên liên hệ với một số nhà máy sản xuất mỹ phẩm và ký hợp đồng bao tiêu với họ.
Tháng 9/2017, Hiên lấp đầy mảnh đất 3ha bằng 20.000 gốc hồng với hơn 200 loại. Thời gian đầu, cô dưỡng cho cây lớn và bắt đầu thu hoạch cánh hoa mới hai tháng nay. Hiện tại, trang trại hồng của Hiên cho thu hoạch 1/4 diện tích. Mỗi tháng, Hiên cắt hoa khoảng 8 lần, mỗi lần 30-50 kg.
Từ một nữ kiến trúc sư tài năng, Hiên trở thành chuyên gia hoa hồng trong mắt những người xung quanh. Thấy nỗ lực của Hiên gặt hái kết quả, người nhà không còn can ngăn mà ủng hộ và bắt tay vào trồng hoa cùng. Nhắc tới hoa, cô kể say sưa và bắt bệnh của cây giống như một người nông dân thực thụ.
Bước ra khỏi chuỗi ngày đen tối, Hiên bắt đầu cùng chồng đào tạo hệ thống quản lý tầm trung, đưa các nhân viên cốt cán lên làm quản lý. Từ đó, công ty có thể tự hoạt động mà không cần sự xuất hiện của Hiên. Cô chỉ tham gia hoạch định chiến lược và thống kê nên có nhiều thời gian hơn trước.
"Hoa hồng làm trỗi dậy các giác quan đã chết lịm từ lâu của tôi", Hiên tâm sự. "Tôi yêu đời, yêu người và yêu công việc trở lại. Chồng tôi luôn thấy may mắn vì từ khi đến với hoa hồng, tôi trở thành một con người khác, xinh tươi hơn và sáng tạo không ngừng, đặc biệt không bao giờ cằn nhằn anh nữa".
Trong những tháng ngày Hiên trầm cảm, chồng cô luôn ở bên chăm sóc, động viên. |