Vượt qua định kiến, có nhiều đóng góp cho bà con, làng quê… Y Pan trở thành nữ già làng đầu tiên của người Brâu.
Đưa con chữ đến từng nóc nhà
Y Pan sinh năm 1930, ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Năm lên 4 tuổi, Y Pan đã mồ côi cha mẹ. Lớn lên Y Pan tham gia cách mạng, được đi học chữ và trở thành người đầu tiên của dân tộc Brâu biết chữ.
Bà được kết nạp vào Đảng rồi được cử ra Bắc học ngành Y. Sau 9 tháng học tập, bà được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giữ lại công tác. Đến năm 1974, Y Pan xin về phục vụ chiến dịch Tây Nguyên.
Những ngày chiến tranh, Y Pan trở thành cán bộ quân y, cứu chữa cho hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, bà xin về công tác tại bệnh viện huyện để phục vụ quê hương.
Vì khốn khó nên một số người dân nhặt bom, mìn về đem bán phế liệu và đã có những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Không muốn bà con phải sống khổ trong bom, mìn già Y Pan đi khắp làng tuyên truyền để người dân tránh xa. Dần dần, tiếng nổ cũng thưa và trả lại yên bình cho mảnh đất vùng biên.
Lúc bấy giờ cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng, những đứa trẻ cũng chẳng biết mặt con chữ. Cũng vì không biết chữ cùng tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu vào rừng săn bắn, hái lượm nên cuộc sống của người Brâu ở làng Đăk Mế rất khó khăn. Mong muốn thay đổi tư duy của người dân trong việc phát triển kinh tế, già Y Pan cùng chính quyền địa phương lặn lội đến từng nhà vận động gia đình cho trẻ đến trường học chữ.
“Cha mẹ, con cái không biết chữ, chẳng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên quanh năm làm nương rẫy cũng chỉ đủ ăn. Đói nghèo, lạc hậu đeo bám khiến người dân khổ mãi. Tôi không muốn sau này thế hệ trẻ tiếp tục khổ như cha mẹ chúng nên quyết tuyên truyền để cuộc sống nơi đây tốt đẹp hơn”, già Y Pan tâm sự.
Nghĩ là vậy, nhưng công cuộc vận động người dân chẳng dễ dàng với già Y Pan. Quen đưa các con lên rẫy phụ việc nên thời điểm đó nhiều gia đình không đồng ý cho những đứa trẻ đến lớp. Lũ trẻ trong làng cũng quen cầm cuốc nên chẳng mảy may với cây bút, quyển vở. Không từ bỏ, già Y Pan cùng chính quyền địa phương đến từng nóc nhà bất kể sáng - tối.
Già kể về những câu chuyện học tập, lợi ích từ việc có tri thức. Lâu dần, người dân cũng thay đổi nhận thức và đồng ý cho các con ra lớp học chữ của thầy, cô giáo. Đến nay, trẻ em trong làng đều biết đọc - biết viết, cùng với đó có hàng chục người Brâu đỗ đại học, cao đẳng và đang công tác tại địa phương.
Khi con chữ đã phổ cập đến từng người dân, già Y Pan cùng với chính quyền địa phương hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ việc quen trồng lúa, mì… người dân bắt đầu thử nghiệm với cây cà phê, cao su.
Nhờ những kiến thức học được, nhiều hộ gia đình áp dụng vào trồng trọt khiến cuộc sống bớt đói nghèo. Với những người phụ nữ trong làng, già giới thiệu đến lớp dạy dệt thổ cẩm để học nghề và gìn giữ nét văn hóa truyền thống.
Bước sang trang mới
Xưa kia, với suy nghĩ đông con thì đông của nên người Brâu sinh ít nhất cũng 4 người con. Có những gia đình vẫn còn tảo hôn hay kết hôn cận huyết thống. Không muốn cuộc sống của người dân quanh quẩn với lạc hậu, khó khăn già Y Pan tiếp tục vận động bà con sinh đẻ có kế hoạch để làm kinh tế.
Bên cạnh đó là thực hiện nếp sống văn minh, đoàn kết và tích cực xây dựng kinh tế mới. Từ một làng quê còn nhiều đói nghèo, nay Đăk Mế đã bước sang trang mới với nhiều khởi sắc. Với những đóng góp của mình bà được người dân tín nhiệm bầu làm già làng, đây được xem là chuyện xưa nay hiếm có của dân tộc Brâu.
Những năm 2000, “tà đạo Hà Mòn” xuất hiện ở huyện Đắk Hà (Kon Tum) và sau đó lan ra các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Để ngăn chặn sự “lây lan” của tà đạo, già Y Pan đã phối hợp cùng cấp ủy Đảng, chính quyền vận động người dân tránh xa những lời xúi giục của kẻ xấu, luôn tuân thủ chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Thời điểm ấy, hầu như đêm nào nhà rông cũng sáng đèn. Không chỉ họp dân, già Y Pan đến từng nhà nói chuyện để người dân có những nhận thức đúng đắn, tránh bị dụ dỗ, lôi kéo làm việc xấu. Cũng nhờ vậy, toàn bộ dân tộc Brâu không có người nào tin và đi theo tà đạo.
Ông Đinh Cao Cường, Bí thư Huyện ủy Ngọc Hồi, cho biết, già Y Pan ở làng Đăk Mế đã có nhiều đóng góp trong công tác vận động người dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, bà còn tuyên truyền để người dân tránh xa phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch và tội phạm. Từ đó, nâng cao ý thức chủ động bảo vệ, tự giác đấu tranh và không để bị kích động, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
“Để có được kết quả đó, già làng Y Pan đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu. Cùng với đó phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Từ đó huy động sức mạnh của người dân tham gia xây dựng thôn, làng an ninh an toàn”, ông Cường nói.
Dân tộc Brâu là một trong 2 dân tộc ít người nhất Việt Nam. Hiện nay, dân tộc Brâu ở Kon Tum chỉ có 173 hộ dân với 558 nhân khẩu.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền múi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021 đến năm 2025. Trong đó, có dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.
Bà Vũ Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Y, cho hay, già Y Pan là một đảng viên, già làng và là người có uy tín đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức để ổn định cuộc sống, tránh xa những hủ tục và kẻ xấu.