Tham gia Ngày hội có 186 học sinh con em đồng bào các dân tộc thiểu số đến từ 8 trường học thực hiện Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông, gồm trường THCS Mường Báng và khối trường Phổ thông DTBT THCS các xã: Mường Đun, Sính Phình, Tủa Thàng, Trung Thu, Tả Phìn, Lao Xả Phình, Sín Chải.
Trong khuôn khổ các hoạt động của ngày hội, học sinh các đoàn tham dự được trải nghiệm các hoạt động văn hóa văn nghệ, trình diễn các điệu múa, lời ca và giai điệu réo rắt từ tiếng sáo, tiếng khèn và những lời Then say đắm lòng người.
Được sự hỗ trợ của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, học sinh các trường còn được trải nghiệm các lễ hội, phong tục tập quán của dân tộc Thái, Mông (tục cưới xin, tang ma, thờ cúng tổ tiên, cúng mo, mừng cơm mới, văn hóa ẩm thực…). Các em cũng tham gia trình diễn trang phục truyền thống, các trò chơi dân gian; trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa các dân tộc Thái, Mông...
Trao đổi về ý nghĩa Ngày hội, ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa, cho biết: Không chỉ giúp học sinh trau dồi thêm kiến thức, hiểu biết về văn hóa dân tộc, mà qua việc tham gia ngày hội các em hiểu hơn về ý nghĩa, sự cần thiết giữ gìn, bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, dân tộc Mông nói chung từ đó, giúp các em thêm yêu và tự hào văn hóa dân tộc.
Thực hiện Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cấp THCS, từ năm học 2016-2017 Phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo tổ chức dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tại tám trường: trường THCS Mường Báng và khối trường Phổ thông DTBT THCS các xã: Mường Đun, Sính Phình, Tủa Thàng, Trung Thu, Tả Phìn, Lao Xả Phình, Sín Chải. Trong đó, có sáu trường dạy tiếng Mông; hai trường dạy tiếng Thái.