21 ngày "dùi mài kinh sử" nước rút
Trò chuyện với chúng tôi khi vừa tan ca làm, chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1981, quê xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, kể từ khi biết tin chị thi đỗ vào Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, nhiều đồng nghiệp đã hỏi thăm và gửi lời chúc mừng.
Đã hơn 20 rời xa sách vở nhưng chị Thủy vẫn đạt 27 điểm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội; 24,75 điểm khối C00 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là điều nhiều người cảm phục. Ít ai biết rằng, ẩn sau thành tích ấn tượng đó của chị là cả một câu chuyện dài...
Trước khi dự thi, chị Thủy làm công nhân trong một công ty về phụ tùng xe máy ở huyện Đông Anh. Thời gian làm việc mỗi ngày theo từng ca kéo dài 8 tiếng, chị phải làm luân phiên giữa các ca: 6h - 14h; 14h - 22h; 22h - 6h sáng hôm sau. Ngoài bận làm ca kíp ở công ty, chị còn công việc gia đình, con cái.
Chị kể, mình chỉ dành ra được 21 ngày xin nghỉ không lương ở công ty để "dùi mài kinh sử", vừa ôn vừa dự thi. Chồng là người luôn ủng hộ và thường xuyên đỡ đần việc nhà để vợ có thời gian ôn thi. Với các thí sinh 2003, việc ôn luyện đã rất vất vả, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Còn chị, một người đã 40 tuổi nay lại phải động tới sách vở, ôn luyện từng bài văn, bài thơ trong sách rồi các kiến thức về lịch sử, địa lý là một câu chuyện không đơn giản.
"Nộp hồ sơ dự thi từ đầu tháng 4, tôi bắt đầu tìm kiếm các tài liệu, sách vở để tranh thủ ôn luyện từ các nguồn, kể cả sách của các con, cháu hay nguồn tài liệu trên mạng từ các thầy giáo dạy online miễn phí. Môn Văn là môn tôi rất thích, nhất là các bài văn xuôi, truyện ngắn nói về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc.
Cho nên, lúc đọc đề Văn nói về vẻ đẹp của người phụ nữ trong bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh, tôi cũng khá bất ngờ vì bài này ôn không được kỹ. Tuy nhiên, ở phần đọc hiểu và nghị luận xã hội, tôi đã làm rất tập trung nhưng phần nghị luận văn học, do thiếu thời gian nên kết quả không được ưng lắm", chị Thủy nhớ lại.
Nữ công nhân cũng bộc bạch, trí nhớ không còn là thế mạnh so với các bạn trẻ nên chị luôn ôn tập có trọng tâm ở các môn. Đặc biệt, chị không chọn cách học một lúc nhiều môn mà học từng môn một. Trong 21 ngày ôn thi nước rút, tuần đầu tiên chị ôn Lịch sử, tuần kế tiếp là Địa lý, tuần cuối cùng mới ôn Giáo dục công dân.
Không chỉ học kiến thức trong sách, chị Thủy cũng thường xuyên lên các nhóm ôn thi của học sinh để nghe mọi người trao đổi kinh nghiệm. Càng học càng mở mang thêm được nhiều kiến thức, chị cảm thấy hào hứng và không thấy mệt. Hơn nữa, chồng và con luôn ở bên động viên, tiếp động lực cho chị nên càng quyết tâm hơn, cho dù kết quả có như thế nào thì mình sẽ làm hết sức mình.
Điểm cao nhưng vẫn thấy "tiếc nuối"
Đến ngày thi, người mẹ trẻ vẫn mang theo chiếc cặp của con cùng đủ loại giấy tờ, thước bút và bước tới điểm thi. Các giám thị ban đầu có phần bất ngờ, nhưng sau khi kiểm tra Căn cước công dân và giấy báo dự thi thì đã nhiệt tình hướng dẫn chị làm các thủ tục cần thiết để dự thi. Đã hơn 20 năm, nay chị mới được sống lại cảm giác đi thi đại học, trước đây đã từng thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng thiếu điểm.
Trong các buổi thi, chị cố gắng bình tĩnh và vận dụng hết những kiến thức ôn luyện được để xử lý từng phần của bài thi. Nhất là ở môn Ngữ văn, với kiến thức xã hội của mình, nữ thí sinh 40 tuổi đã tập trung làm lần lượt phần đọc hiểu, nghị luận xã hội một cách khoa học, phân tích theo đúng những trải nghiệm mà mình đã trải qua về giá trị của con người biết sống cống hiến.
Nói tới đây, giọng chị Thủy bỗng nghẹn lại và trực khóc. Đầu năm 2020, con trai lớn của chị (SN 2003) đã không may qua đời và bỏ lại ước mơ còn dang dở. Cú sốc quá lớn này khiến chị và gia đình gần như ngã quỵ. Khi được mọi người động viên và tìm lại được nghị lực sống, chị mới tự hỏi tại sao chính mình không phải là người viết tiếp giấc mơ còn đang dang dở của con? Bao nhiêu tâm huyết và kiến thức thu nhận được, chị đều cố gắng thể hiện trong bài thi của mình.
Đến ngày công bố kết quả, chính chị cũng cảm thấy vô cùng bất ngờ bởi số điểm mà mình đạt được cao ngoài mong đợi. Thí sinh "U40" đã đạt 7,25 điểm Ngữ văn; 8,5 điểm Lịch sử; 9 điểm Địa lý và 9,5 điểm Giáo dục công dân. Tổng điểm của chị ở tổ hợp khối C19 (Văn, Sử, Giáo dục công dân) là 25,25; tổ hợp khối C20 (Văn, Địa, Giáo dục công dân) là 25,75.
Em Nguyễn Văn Sơn, cháu gọi chị Thủy là mợ bày tỏ: "Em còn không tin nổi mợ mình lại làm được điều phi thường khi thi đạt điểm cao như vậy. Em rất khâm phục và mong mợ sẽ có sự lựa chọn đúng đắn cho mình".
Tuy nhiên, điều chị Thủy cảm thấy tiếc nuối chính là ở khâu điều chỉnh nguyện vọng. Sau khi biết điểm, chị đã dự định nộp vào ngành Việt Nam học của ĐH Sư phạm Hà Nội. Tham khảo điểm chuẩn các ngành/trường của năm 2020, chị quyết định đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành sư phạm Giáo dục công dân. Không ngờ, điểm chuẩn ngành này năm nay là 26,5 điểm (năm ngoái là 19,5 điểm) nên chị bị thiếu điểm.
Nếu tự tin đăng ký vào ngành Việt Nam học từ đầu, chị sẽ đỗ vì điểm chuẩn của ngành này năm nay là 23,25 điểm.