Tăng nhu cầu nhân lực trình độ đại học ngành sợi, dệt, nhuộm, may

GD&TĐ - Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học cho ngành sợi, dệt, nhuộm và may sẽ tăng cao.

 PGS.TS Huỳnh Đăng Chính - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: nhu cầu nhân lực trình độ đại học ngành sợi, dệt, nhuộm, may sẽ gia tăng.
PGS.TS Huỳnh Đăng Chính - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: nhu cầu nhân lực trình độ đại học ngành sợi, dệt, nhuộm, may sẽ gia tăng.

Nhận định này được PGS.TS Huỳnh Đăng Chính - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - chia sẻ tại Hội nghị khoa học toàn quốc về dệt may - da giầy lần thứ 2 diễn ra hôm nay (15/1).

Hội nghị do Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội chủ trì tổ chức với sự tham gia của các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, doanh nghiệp dệt may - da giầy trong cả nước.

Theo PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Việt Nam là một những nước sản xuất dệt may, da giầy hàng đầu thế giới với khoảng 8.000 doanh nghiệp, trên 4 triệu lao động.

Sản phẩm dệt may của Việt Nam đã có mặt trên 80 nước ở khắp các châu lục và đóng góp lớn vào an sinh xã hội, chuyển đổi lao động nông thôn sang lao động công nghiệp.

Trên cơ sở tình hình thực tiễn ngành dệt may, da giầy thế giới và Việt Nam, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các Hiệp định FTA được ký kết sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp dệt may khi Việt Nam là một trong các nước thành viên. Theo đó, có hơn 90% mặt hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ được điều chỉnh thuế suất về mức 0% so với mức trung bình hiện tại là 17%.

Hội nghị khoa học toàn quốc về dệt may - da giầy lần thứ 2.
Hội nghị khoa học toàn quốc về dệt may - da giầy lần thứ 2.

“Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học cho ngành sợi, dệt, nhuộm và may sẽ tăng cao.” – nhấn mạnh điều này, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính cũng cho rằng, trong sản xuất dệt may, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm mới, sản phẩm có chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ hàng đầu quyết định sự phát triển bền vững của toàn ngành.

Do vậy, để tăng giá trị lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm, ngành công nghiệp dệt may cần đầu tư nhiều vào nghiên cứu ứng dụng để áp dụng công nghệ tiên tiến và thực hiện chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất. Viện cần là đầu mối kết nối các nhà khoa học với doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp.

Hội nghị có sự tham gia của các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, doanh nghiệp dệt may - da giầy trong cả nước.
Hội nghị có sự tham gia của các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, doanh nghiệp dệt may - da giầy trong cả nước.

Cùng quan điểm về vai trò và nhu cầu nhân lực ngành dệt may - da giầy, PGS.TS Phan Thanh Thảo, Viện trưởng Viện Dệt may-Da giầy và Thời trang, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, đồng thời cho biết: Nhiều cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may, da - giầy đã và đang nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của ngành. Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp còn hạn chế và chưa có sự gắn kết để tạo thành một khối thống nhất trên toàn quốc.

Với mong muốn tạo môi trường để các nhà khoa học, đồng nghiệp giao lưu, trao đổi thông tin, kiến thức khoa học công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực dệt may - da giầy, Câu lạc bộ khoa học Dệt may - Da giầy Việt Nam (VIATAL) đã được thành lập và chủ trương tổ chức định kỳ chuỗi Hội nghị khoa học toàn quốc về dệt may - da giầy.

Tại hội nghị, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã có những trao đổi liên quan đến đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dệt may, da - giầy; đồng thời, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.

Hội nghị cũng giới thiệu những kết quả nghiên cứu công phu, nghiêm túc của các nhà khoa học trong ngành dệt may, da-giầy trên cả nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.