Quy chế đào tạo trình độ đại học: Vẹn cả đôi đường

GD&TĐ - Quy chế đào tạo trình độ đại học không chỉ tạo điều kiện cho các trường phát huy quyền tự chủ, mà còn hướng đến quyền lợi của sinh viên, tháo gỡ nhiều “nút thắt” cho các cơ sở đào tạo cũng như người học.

Quy chế đào tạo quy định về dạy - học trực tuyến. Ảnh: TG
Quy chế đào tạo quy định về dạy - học trực tuyến. Ảnh: TG

Gỡ vướng cho các trường

Theo PGS.TS Võ Ngọc Hà – Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, Quy chế đào tạo mới được đánh giá là “nhất cử lưỡng tiện”, vẹn cả đôi đường, bởi vừa phát huy quyền tự chủ của các trường, vừa đảm bảo quyền lợi tối đa cho người học. Quy chế đã tích hợp, lồng ghép thống nhất nhiều văn bản trước đây quy định về hình thức và các phương thức đào tạo trình độ đại học. Đồng thời giải quyết nhiều vấn đề mà Luật Giáo dục 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đặt ra, trong đó có quy định về tự chủ đại học. 

Tán thành với quy định về dạy – học trực tuyến, PGS.TS Võ Ngọc Hà bày tỏ, quy định này đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các trường trong tổ chức các lớp học trực tuyến và công nhận kết quả học tập của sinh viên. Theo đó, cơ sở đào tạo được tổ chức các lớp học trực tuyến khi đáp ứng các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng, có các giải pháp bảo đảm chất lượng và minh chứng chất lượng lớp học trực tuyến không thấp hơn chất lượng lớp học trực tiếp. 

Đối với đào tạo chính quy và vừa học vừa làm, tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến. “Việc bổ sung quy định về dạy – học trực tuyến nhằm bắt kịp với tiến bộ của khoa học công nghệ và phù hợp với bối cảnh thực tiễn khách quan” - PGS.TS Võ Ngọc Hà nhấn mạnh.

Theo TS Lê Đình Nghị - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, Quy chế đào tạo trình độ đại học đã gỡ vướng cho các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời, hướng đến quyền lợi của người học. Đơn cử như, Quy chế đã mở ra cơ hội chuyển ngành, chuyển trường cho sinh viên. Ngoài ra, sinh viên có thể học cùng lúc hai chương trình...

Quy chế đào tạo trình độ đại học hướng đến quyền lợi của người học. Ảnh: Internet
Quy chế đào tạo trình độ đại học hướng đến quyền lợi của người học. Ảnh: Internet

Hướng đến quyền lợi người học

TS Lê Đình Nghị viện dẫn, Quy chế cho phép sinh viên được chuyển cơ sở đào tạo khi có đủ các điều kiện: Không phải là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa; Không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định. Ngoài ra, sinh viên phải đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo cùng khóa tuyển sinh tại nơi chuyển đến.

Nơi chuyển đến phải có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và tất nhiên phải được sự đồng ý của hiệu trưởng cơ sở đào tạo xin chuyển đi cũng như cơ sở đào tạo xin chuyển đến. Ngoài ra, Quy chế không cho phép chuyển từ hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa sang hình thức chính quy.

Khẳng định Quy chế đào tạo trình độ đại học hướng đến quyền lợi của người học rất rõ ràng, TS Nguyễn Xuân Tùng - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ghi nhận, Quy chế đào tạo còn cho phép công nhận tín chỉ tích luỹ. Theo đó, những tín chỉ đã được tích lũy thuộc về kỹ năng, năng lực chuyên môn người học đã có thì trong Quy chế này cho phép các trường được xem xét, công nhận, thay vì phải bắt đầu lại từ con số 0 nếu sinh viên chuyển ngành, chuyển trường hay thi lại.

Đối với các trường, đây là điểm đáng mừng vì đã tháo gỡ được nhiều “nút thắt”, nhất là đối với người học. Có thể nói, Quy chế có tính nhân văn sâu sắc và được xây dựng trên quan điểm bảo vệ quyền lợi người học, đồng thời vẫn đảm bảo những quy định chung.

Theo TS Nguyễn Xuân Tùng, thực tế cho thấy, không phải ai cũng có điều kiện để hoàn thành quá trình học tập đúng thời hạn.  Vì thế, có những lúc sinh viên phải tạm dừng việc học. Tuy nhiên, Quy chế này cho phép công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ. Cụ thể: Kết quả học tập của người học đã tích lũy từ một trình độ đào tạo khác, một ngành đào tạo hoặc một chương trình đào tạo khác, một khóa học khác hoặc từ một cơ sở đào tạo khác, được cơ sở đào tạo xem xét công nhận, chuyển đổi sang tín chỉ của những học phần trong chương trình đào tạo theo học. 

Dựa vào các điều kiện cụ thể, cơ sở đào tạo xem xét công nhận, chuyển đổi tín chỉ trên cơ sở đối sánh chuẩn đầu ra, nội dung và khối lượng học tập, cách thức đánh giá học phần và các điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình theo các cấp độ công nhận như: Chuyển đổi theo từng học phần; chuyển đổi theo từng nhóm học phần và chuyển đổi theo cả chương trình đào tạo. Khối lượng tối đa được công nhận, chuyển đổi thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 50% khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo.

Theo Quy chế, sinh viên chưa hoàn thành học phần giáo dục quốc phòng - an ninh hoặc giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, nhưng đã hết thời gian tối đa được phép học, trong thời hạn 3 năm tính từ ngày thôi học được trở về cơ sở đào tạo trả nợ để có đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Đây là quy định “mở”, tạo điều kiện tối đa cho người học, đồng thời thể hiện tính nhân văn, sát với thực tế của văn bản. -TS Nguyễn Xuân Tùng

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Nhóm sinh viên và thiết kế trạm lắp ráp giúp tăng năng suất trong các nhà máy.

Trạm lắp ráp tùy biến theo nhân trắc học

GD&TĐ - Trạm lắp ráp điều chỉnh vị trí và cao độ bàn làm việc, hộp đựng chi tiết theo nhân trắc học của công nhân, bảo đảm thoải mái, không gây mệt mỏi…

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.