Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô:

NSƯT Trần Đức hoài niệm khó quên về 'Hẹn ngày trở lại'

GD&TĐ - Theo nghệ sĩ Trần Đức, vở “Hẹn ngày trở lại” năm 1984 là được dựng chỉn chu nhất và có sự tham gia của cố nhà văn Lưu Quang Vũ.

Ảnh tư liệu trong vở “Hẹn ngày trở lại".
Ảnh tư liệu trong vở “Hẹn ngày trở lại".

“Thời khắc lịch sử Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 tôi không có vinh dự được chứng kiến, nhưng sau này hoạt động nghệ thuật tôi lại có cơ hội được tham gia nhiều vở diễn, nhiều tiết mục lớn nhân ngày kỷ niệm - nhất là khi tôi còn ở Nhà hát Kịch Hà Nội được dựng vở như: Sống mãi với Thủ đô, Hẹn ngày trở lại...”, NSƯT Trần Đức nhớ lại.

Bức tranh hoành tráng về một thời kỳ lịch sử

“Khét tiếng” màn ảnh Việt nhiều năm qua với những vai ông trùm xã hội đen độc đoán, tham lam, tàn bạo trong: Chạy án, Giọt nước rơi, Đầm lầy bạc,... nhưng với NSƯT Trần Đức, dấu son sự nghiệp của ông chính là thời kỳ tham gia gần 60 vở diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội.

Tại sân khấu kịch, ông đã ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm như: Tania, Những tên cướp, Dự cảm thời yêu dấu, Tôi và chúng ta, Hẹn ngày trở lại,...

Mới đây, nam nghệ sĩ chia sẻ với Báo GD&TĐ những hình ảnh kỷ niệm ý nghĩa và gắn với sự nghiệp sân khấu. Đó là những bức ảnh cũ trong vở “Hẹn ngày trở lại”.

Ông tâm sự: Đó là những năm tháng không quên tại Nhà hát Kịch Hà Nội, khi cùng anh chị em nghệ sĩ dàn dựng, tập luyện vở kịch “Hẹn ngày trở lại” của cố tác giả Lưu Quang Vũ nhân kỷ niệm 10/10 Ngày Giải phóng Thủ đô”.

Vở kịch “Hẹn ngày trở lại” được Nhà hát Kịch Hà Nội ra mắt đầu tiên vào năm 1984 do Dương Ngọc Đức đạo diễn, với các diễn viên chính: NSƯT Quốc Toàn, NSƯT Trần Đức, Trịnh Mai, Hồng Hạnh, Tạ Am, Kim Chung, Lan Hương, Thu Hà, Hoài Thu, Nguyễn Hiệp, Viết Thịnh, Đam San, Nguyễn Hùng, Ngọc Châu, Chu Hùng.

Một số ảnh tư liệu trong vở “Hẹn ngày trở lại”.

Một số ảnh tư liệu trong vở “Hẹn ngày trở lại”.

Vở kịch tái hiện không khí lịch sử của Hà Nội những ngày cuối năm 1946 đầu năm 1947 mà tiêu biểu là lực lượng ở lại chiến đấu - những người “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch, không khí kháng chiến sôi nổi khắp các liên khu. Hà Nội cũng bước vào cuộc thử thách mới. Trong giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy - lực lượng tự vệ của Hà Nội - Liên khu I được thành lập ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Vở kịch đi sâu miêu tả lực lượng và sau này là đội cảm tử quân.

Giờ phút đầu tiên trong buổi kết nạp những người tình nguyện thuộc mọi giai tầng xã hội, gia nhập đội tự vệ sao vuông đã gây trong lòng người xem nhiều tình cảm xúc động.

Các nhân vật trong chuyện kịch xuất thân từ nhiều tầng lớp, có tính cách không giống nhau xong họ đều gặp nhau ở một điểm chung nhất, đó là lòng quyết tâm, sẵn sàng ở lại chiến đấu, tất cả vì lòng yêu nước mà quy tụ thành một khối “Đội cảm tử”.

NSƯT Trần Đức.

NSƯT Trần Đức.

Vở kịch được xây dựng bằng những sự kiện lịch sử, những cảnh sinh hoạt trong cuộc sống thực tế bấy giờ. Những con người ở đây một mặt mang những đặc điểm của mỗi lớp người Hà Nội, mặt khác ở họ đều có tính cách riêng mà cách mạng đã tạo thành sức mạnh thống nhất, đồng thời phát huy khả năng ở mỗi con người.

Từ những lực lượng nòng cốt như Chức đã thể hiện phẩm chất tốt đẹp, tinh thần quyết tử, luôn là tấm gương đẹp cho toàn đội noi theo, xứng đáng là người cán bộ cách mạng kiên cường.

Hay như An - cô gái tiêu biểu cho những người nông dân ngoại thành Hà Nội là chỉ huy một đội nữ tự vệ, dù trong hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Cho đến những sinh viên như Trần Trương, sẵn sàng chấp nhận mọi nguy nan, ngay cả cái chết, cốt sao giữ được Thủ đô yêu dấu, xác định được mục đích cao đẹp và lúc nào anh cũng thể hiện sự hồn nhiên, trong sáng...

Có thể nói vở kịch đã nói lên được sức mạnh của nhân dân, những người từ những cuộc đời nô lệ đến với cách mạng, đến với cuộc đời mới và trải qua những thử thách lớn lao nhất.

“Hẹn ngày trở lại” là bức tranh hoành tráng về một thời kỳ lịch sử của Hà Nội. Là lẽ sống cao đẹp của những con người Thủ đô trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Các chiến sĩ Liên khu 1 đang đọc thư của Bác Hồ, mùa Đông năm 1946.

Các chiến sĩ Liên khu 1 đang đọc thư của Bác Hồ, mùa Đông năm 1946.

Hoài niệm của người nghệ sĩ

Sinh ra và lớn lên ở phố Cổ Tân - một con phố cổ Hà Nội, nghệ sĩ Trần Đức tâm sự, ông không được chứng kiến thời khắc lịch sử Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 nhưng những năm tháng sau này, mỗi năm ông đều ấn tượng bởi không khí tưng bừng kỷ niệm ngày đặc biệt này.

“Thời khắc lịch sử đó, tôi không được dự nhưng sau này hoạt động nghệ thuật, tôi lại có cơ hội được tham gia nhiều vở diễn, nhiều tiết mục lớn nhân ngày kỷ niệm - nhất là khi tôi còn ở Nhà hát Kịch Hà Nội được dựng vở như: Sống mãi với Thủ đô, Hẹn ngày trở lại,... đủ dàn kèn quân đội chơi trước buổi biểu diễn, hoành tráng lắm”, nam nghệ sĩ nhớ lại.

Theo nghệ sĩ Trần Đức, vở “Hẹn ngày trở lại” từng được dựng thô sơ, nhưng với bản năm 1984 là được dựng chỉn chu nhất và có sự tham gia của cố nhà văn Lưu Quang Vũ.

“Năm 1984, khi đó anh Lưu Quang Vũ còn khoẻ nên kết hợp với Nhà hát Kịch Hà Nội dựng vở “Hẹn ngày trở lại”. Anh ấy vừa xem dàn dựng vừa sửa chữa hoặc viết thêm cảnh theo yêu cầu của đạo diễn. Anh ấy viết tại chỗ luôn. Tôi khi đó vừa đóng chiến sĩ vệ quốc quân vừa nhận vai trò chỉ huy đêm diễn nên được làm việc trực tiếp với Lưu Quang Vũ.

Đặc biệt hơn nữa, anh Lưu Quang Vũ còn sáng tác cả một bài thơ cho vở diễn. Bài thơ đó nằm ngoài kịch bản. Khi quân nhạc nổi lên, có người quỳ dưới lá cờ Tổ quốc, chiến sĩ đứng nghiêm trang lắng nghe. Tôi là người đọc bài thơ đó – bài thơ nói về Hà Nội, về sông Hồng, về ngày giải phóng,... Tôi từng đọc đi đọc lại rất nhiều lần bài thơ đó, nhưng đáng tiếc là sau này tôi đánh mất quyển sổ lưu, không còn”, nghệ sĩ Trần Đức kể.

“Ngoài ra, năm đó, vở diễn cũng mở ra lối diễn, khai thác thoáng, tầm cao. Tức là khi diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội, có cảnh những chiến sĩ Thủ đô ở tầng cao nói xuống, kêu gọi lính Pháp đầu hàng,... thì diễn viên được chạy lên tầng 4 để diễn trực quan như thật. Những kỷ niệm đó quả thực không bao giờ quên”, NSƯT Trần Đức nhớ lại.

Khi được hỏi về số lần đã diễn vở “Hẹn ngày trở lại”, nam nghệ sĩ thừa nhận chính mình cũng không nhớ rõ. Tuy nhiên, dù đã diễn bao nhiêu lần, từ Bắc vào Nam và dù được dựng theo nhiều cách khác nhau thì bản năm 1984 có sự tham gia của Lưu Quang Vũ vẫn là bản ấn tượng nhất, tái hiện cả một thời khắc lịch sử hào hùng.

Nhân nói đến những năm tháng hào hùng của đất nước, NSƯT Trần Đức cũng tiết lộ, thời còn trẻ ông từng viết đơn xin lên đường nhập ngũ, nhưng lại bị trả về với lý do: “Anh nên về làm nghệ sĩ sẽ thích hợp hơn”.

Tính tới nay, Trần Đức đã có hơn 40 năm hoạt động tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Ông từng nhận về không ít bằng khen, huy chương và sự công nhận của khán giả bởi những vai chính diện trên sân khấu kịch. Sau đó ông chuyển sang màn ảnh nhỏ, chính nam nghệ sĩ cũng từng thổ lộ rằng không hiểu tại sao đạo diễn lại giao cho mình toàn vai phản diện: Chạy án, Giọt nước rơi, Đầm lầy bạc,...

Năm 2017 đến nay, nam nghệ sĩ trở lại màn ảnh với tần suất khá cao, khoảng 2 - 5 bộ phim mỗi năm. Trong đó, ông hóa thân vào cả nhân vật chính diện trong: Sống chung với mẹ chồng, Ghét thì yêu thôi, Nhà trọ Balanha, Lựa chọn số phận, Hồ sơ cá sấu, Mặt nạ gương,... hay gần đây nhất là 2 phần phim “Thương ngày nắng về”.

Ở tuổi U70, Trần Đức vẫn dồi dào sinh lực để tập trung cho công việc. Nghệ sĩ cho biết từ khi nghỉ hưu tại nhà hát và Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Hà Nội, ông có nhiều thời gian hơn để tham gia diễn xuất, coi đó là một niềm vui tuổi xế chiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ