Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức triển lãm các tư liệu, hình ảnh về sự đổi thay diện mạo Hà Nội.
Ngắm Hồ Gươm 139 năm trước
Mong muốn đem đến với công chúng Thủ đô những góc nhìn mới về Hà Nội xưa, triển lãm “Hồ Gươm - Giao lộ Đông Tây” diễn ra tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm từ ngày 5 - 31/10 trưng bày giới thiệu trên 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh cũng như bản vẽ thiết kế và bản đồ quy hoạch theo 3 chủ đề chính nhằm tái hiện một cách chân thực nhất về Hồ Gươm và vùng phụ cận.
Hà Nội xưa vốn là một điểm dân cư hỗn hợp với khu hành chính, khu buôn bán và nhiều làng mạc nằm sát nhau. Hồ Gươm vẫn mang dáng dấp của ao hồ nông thôn.
Năm 1873, Pháp đánh chiếm Hà Nội và từ năm 1884 trở đi, Hồ Gươm trở thành trung tâm trong công cuộc quy hoạch thành phố Hà Nội.
Các nhà quy hoạch của chính quyền thực dân bắt tay vào việc làm đường nối khu Nhượng địa với khu vực Hoàng Thành cũ - đây chính là tiền đề cho việc hình thành trục trung tâm thương nghiệp dịch vụ mở đầu thời kỳ xây dựng khu phố Tây.
Trong bối cảnh đó, Hồ Gươm như một giao lộ - điểm nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam.
Bên cạnh việc xây dựng một số cơ sở kinh doanh, cửa hàng buôn bán và dịch vụ, người Pháp cũng chú trọng xây dựng một số cơ sở công nghiệp như: Nhà máy xe điện Hà Nội (1900), Nhà máy Điện bờ Hồ (1899 - 1902)… hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật quanh Hồ Gươm để đảm bảo đầy đủ tiện nghi đô thị.
Các tài liệu và hình ảnh của triển lãm cho thấy, để có đất làm đường và một số công trình quanh hồ, chính quyền Pháp đã cho phá bỏ một số đền, chùa như: Đền Bà Kiệu, chùa Báo Ân, đền vua Lê… chỉ giữ lại các công trình trên đảo Ngọc Sơn và Quy Sơn. Song song với việc hoàn thiện khu vực trung tâm hồ, người Pháp cũng tiến hành chỉnh trang khu vực 36 phố phường.
Thế rồi Hà Nội với diện mạo của một đô thị phương Tây dần thành hình, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người Hà Nội dần Tây hóa. Từ khẩu vị ẩm thực (bánh mì, nước đá, cà phê, bia…) đến gu thưởng thức nghệ thuật đều có sự thay đổi.
Những rạp chiếu bóng, quán cà phê mọc lên ngày càng nhiều, nằm rải rác từ bến xe điện đến nhà Khai trí Tiến Đức. Xe điện đã trở thành phương tiện phổ biến và quen thuộc, hành khách chủ yếu là những người buôn bán. Tầng lớp trung lưu và thanh niên thành thị thường chọn dạo chơi quanh bờ Hồ.
Giới thượng lưu trí thức thì chọn các tiệm cà phê, vào nhà Khai trí Tiến Đức hoặc đi nghe nhạc, khiêu vũ tại Nhà Thủy tạ.
Từng trang tư liệu, từng hình ảnh của triển lãm giống như một thước phim đầy chân thực về sự thay đổi diện mạo Hà Nội. Qua thời gian và cả những cuộc chiến khốc liệt, diện mạo ấy có lúc nghiêng ngả nhưng vẫn không che khuất phần cổ kính.
Cổng phố Ô Quan Chưởng cuối thế kỷ 19 (nay là phố Hàng Chiếu). |
Tài liệu hiếm về Hà Nội
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cũng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm “Thành xưa, Phố cũ” với 180 phiên bản tài liệu và hình ảnh hiếm, mang đến góc nhìn mới về lịch sử - văn hóa, đất và người Thăng Long - Hà Nội trong những năm đầu thế kỉ 19 đến giữa thế kỉ 20.
Một trong số các tài liệu ấy cho người nay hình dung rõ nét về thành Thăng Long - Hà Nội được nhà Nguyễn cho xây dựng theo kiểu Vauban. Đây là kỹ thuật xây dựng thành lũy được đặt theo tên của nhà thiết kế công sự nổi tiếng của Pháp ở thế kỷ 17: “Thành có dạng hình vuông, khá rộng. Mỗi mặt thành có ba pháo đài, nghĩa là có ba thành liên tháp, hai pháo đài có góc nhô ra và hai pháo đài một mặt. Các mặt ở trung tâm cũng như phía Bắc, Đông, Tây và hai đầu phía Nam được phòng vệ bởi các lũy bán nguyệt”.
Trước khi có sự can thiệp của chính quyền thực dân Pháp, thành Hà Nội là trung tâm chính trị, quân sự, hành chính cao nhất của triều đình nhà Nguyễn ở Bắc Kỳ (1802 - 1831) cũng như riêng tỉnh Hà Nội (từ năm 1831).
Với mục đích “làm trong sạch và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển”, việc giáng cấp và phá hủy thành Hà Nội đã được người Pháp tiến hành từ năm 1894 đến năm 1897.
Những bè chở đầy gỗ trên sông Hồng và cầu Paul Doumer, đầu thế kỷ 20. |
Nhiều hình ảnh quý hiếm về Hồ Gươm được công bố tại triển lãm 'Hồ Gươm - Giao lộ Đông Tây'. |
Năm 1894, chính quyền Pháp đã phá bỏ các tường thành hư hỏng, lấp các đường hào và hồ ao, mở các con đường trong khu thành cũ. Một số đoạn tường thành được bảo tồn là khu Đông thành - nay bao quanh là các phố Phan Đình Phùng (Bắc), Lý Nam Đế (Đông), Trần Phú (Nam), Hoàng Diệu (Tây) với mục đích để quy hoạch cải tạo thành công sở và trại lính.
Đến năm 1897, thành Hà Nội chỉ còn lại một phần bao gồm các công trình trên trục trung tâm Bắc - Nam, gồm: Cửa Bắc, Hậu Lâu, đôi rồng phía trước nền Điện Kính Thiên, Đoan Môn và Kỳ Đài (Cột cờ Hà Nội). Thời kỳ này, các bức tường thành, cổng thành đã bị phá hủy, thay vào đó là các công trình quân sự được xây dựng và nhiều tuyến phố được làm mới.
Đặc biệt, khu vực phía Tây thành - khu phố Tây mới dần được hình thành. Hàng loạt tuyến đường lớn nhỏ được mở như phố Victor Hugo, đại lộ Carnot, đại lộ Nationale, đại lộ République, phố Brière de l’Isle, đại lộ Puginier, đại lộ Giovaninelli…
Năm 1942, trong số 5 cửa thành chỉ duy nhất Cửa Bắc được bảo toàn, trên vòm cửa khắc chữ “Chính Bắc môn”. Trong số những di tích, chỉ duy nhất cột cờ được xây dựng vào năm 1812 còn nguyên vẹn. Điện Kính Thiên nằm ở chính giữa khu vực Hoàng Thành không còn lại gì ngoài những chiếc dầm cầu thang ở mặt chính và mặt sau.
Sau các biến cố lịch sử và chiến tranh, Hà Nội dần khoác tấm áo mới nhưng vẫn không hề phai nhoà sự giao hòa trong không gian kiến trúc phương Tây cũng như dấu tích của thành xưa - phố cũ. Để rồi vào cuối tháng 10/2019, Hà Nội chính thức được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO - tạo tiền đề cho một Hà Nội phát triển và hiện đại.
“Chiếc vòng trang sức” của Hà Nội
“Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, Hồ Gươm với dáng dấp ao hồ nông thôn như miêu tả trước năm 1883 đã trở thành trung tâm hành chính, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và văn hóa giải trí.
Không chỉ là giao lộ - kết nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây, Hồ Gươm từ đây được ví von như “chiếc vòng trang sức của Hà Nội”.