Vẹn nguyên ký ức Ngày giải phóng Thủ đô

GD&TĐ - Đúng 8h, ngày 10/10/1954, từ 5 cửa ô, đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Phố phường cờ, hoa nhuộm thắm trong những tiếng reo vang đón chào của người dân Thủ đô.

Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long sau 65 năm. Ảnh: Bình Thanh.
Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long sau 65 năm. Ảnh: Bình Thanh.

Thực là: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về/… Trùng trùng say trong câu hát lấp lánh lưỡi lê sáng ngời/ … Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”

Dẫu bánh xe thời gian đã quay đến con số 65 năm, thế nhưng trong ký ức của các nhân chứng lịch sử, ngày giải phóng Thủ đô năm ấy vẫn vẹn nguyên như thế…

Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên

65 năm trước, tại sân Cột Cờ (nay được gọi là sân Đoan Môn) – Hoàng thành Thăng Long, lễ chào cờ lịch sử đầu tiên do Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội tổ chức đã diễn ra trang nghiêm và xúc động hơn bao giờ hết.

Cũng bởi lẽ, còn có niềm hạnh phúc nào lớn hơn niềm hạnh phúc Thủ đô được giải phóng để lá cờ đỏ sao vàng được tung bay trên Cột Cờ Hà Nội và người người được trở về với ngôi nhà, mảnh đất thân yêu của mình!

Một đơn vị Trung đoàn Thủ đô tại sân Cột Cờ chuẩn bị cho nghi lễ chào cờ, ngày 10/10/1954. Nguồn ảnh: EFEO.
 Một đơn vị Trung đoàn Thủ đô tại sân Cột Cờ chuẩn bị cho nghi lễ chào cờ, ngày 10/10/1954. Nguồn ảnh: EFEO.

Đại tá Vũ Kiểm năm nay đã ở tuổi 93 nhưng vẫn nhớ như in những giây phút được là người chiến sĩ đứng trong hàng quân dự lễ chào cờ lịch sử đầu tiên năm ấy:

“15h chiều ngày 10/10/1954, lúc này đội ngũ đại diện cho các đơn vị đã đứng nghiêm chỉnh, chuẩn bị làm lễ chào cờ.

Chúng tôi là những đơn vị cuối cùng. Tôi là người thấp đứng ở cuối hàng quân. Cảm xúc trong giây phút ấy tôi làm nên mấy vần thơ:

“Bao năm xa cách Cột Cờ/ Thủ đô giải phóng bây giờ là đây/ Nghẹn ngào chào lá cờ bay/ Rưng rưng giọt lệ tràn đầy bờ mi/ Ngày về nhớ buổi ra đi…”

Còn trong ký ức của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thì lễ chào cờ lịch sử đầu tiên ấy đối với ông vô cùng đặc biệt.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ vinh dự đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô. Ảnh tư liệu.
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ vinh dự đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô. Ảnh tư liệu. 

Trong cuốn hồi ký “Trưởng thành trong chiến đấu”, (Nxb Hà Nội 2006), Thiếu tướng Vương Thừa Vũ viết:

“Trong buổi lễ chào cờ lịch sử này, tôi được vinh dự đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô:

"Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời khỏi Thủ đô kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.

Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào.

Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn kể ". Lời Bác thân mật, tha thiết.

Nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm…

Tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt, phải dừng lại một phút vì những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô."

Sống dậy tưng bừng

Ngày Hà Nội được giải phóng - 10/10/1954 - trùng trùng đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, đấy là ngày cả thành phố sống dậy tưng bừng:

“Ở nơi nào cũng diễn ra hai cảnh trái ngược: phía đối phương im lìm vắng tanh, vắng ngắt, phía quân ta tiếp quản thì sống dậy tưng bừng.

Khu vực tiếp quản lan ra đến đâu thì cờ đỏ sao vàng mọc rợp trời, nhân dân mở toang cửa chạy ra đường đón chào bộ đội.

Đoàn xe quân giải phóng vừa đến Nhà máy điện Bờ Hồ thì anh chị em công nhân viên chức đã dàn hàng ngang đón sẵn.

Một phụ nữ ôm hoa tặng bộ đôi, chưa nói được nửa lời nước mắt đã giàn giụa.

Mọi người xô ra ôm chầm lấy các chiến sĩ, tay bắt mặt mừng nghẹn ngào xúc động.” – Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại những ngày ông được trở về tiếp quản Hà Nội như thế.

Học sinh Hà Nội đón chào đoàn quân ta trở về tiếp quản Thủ đô, ngày 10/10/1954. Ảnh: Hội Học sinh và sinh viên Hà Nội.
Học sinh Hà Nội đón chào đoàn quân ta trở về tiếp quản Thủ đô, ngày 10/10/1954. Ảnh: Hội Học sinh và sinh viên Hà Nội. 

Là một nhân chứng trong ngày 10/10/1954, ông Trần Huy Quang kể: “Trước ngày 10/10, cán bộ hoạt động nội thành thông tin cho nhân dân biết chuẩn bị cờ hoa đón quân giải phóng về tiếp quản Thủ đô.

Cả gia đình tới đem theo cờ hoa ra đón đoàn quân giải phóng tại ngã tư Tràng Tiền – Hàng Bài – Hàng Khay – Bờ Hồ.

Đoàn quân tiến bước trùng trùng, quân đi như sóng. Nhân dân các phố nghề làm cổng chào mừng đoàn quân như Hàng Nón, Hàng Da, Hàng Bông…

Tôi đến các cung đường trên các tuyến phố, văn công quân đội, các đoàn văn công trung ương biểu diễn ca vũ nhạc chào mừng.

Tiếp đến các khu phố tối đến họp hành bầu lại các tổ chức ban ngành đoàn thể khu dân cư…”

Ngày hôm nay, để ôn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc, thật xúc động biết bao khi mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức tái hiện lễ chào cờ lịch sử đầu tiên cùng chương trình “Khúc tráng ca giữa mùa thu lịch sử”.

Triển lãm "Hà Nội mùa thu năm ấy" đang được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội thu hút sự quan tâm của công chúng. Ảnh: Bình Thanh.
 Triển lãm "Hà Nội mùa thu năm ấy" đang được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội thu hút sự quan tâm của công chúng.                    Ảnh: Bình Thanh.

Thêm nữa, Trung tâm còn tổ chức triển lãm “Hà Nội mùa thu năm ấy” với hơn 200 hình ảnh, tài liệu và hiện vật.

Triển lãm tiếp tục đón công chúng tới tham quan, thưởng lãm tới ngày 25/12.

Có thể thấy, những câu chuyện, những ký ức, những bức hình "đi cùng năm tháng ấy đã góp phần giúp thế hệ trẻ hôm nay ôn lại truyền thống lịch sử đầy tự hào của dân tộc và cũng là để chào mừng 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/ 2019).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.