(GD&TĐ) - Thành danh từ hơn 40 năm trước, nhận được vô vàn danh hiệu cao quý trong nước và quốc tế, đến nay NSND Tâm Chính không còn đứng trên sân khấu, nhưng chưa bao giờ bà rời xa nghệ thuật xiếc nước nhà. Không chỉ vậy, bên trong người nghệ sĩ ấy, đang hằn lên nỗi ưu tư ngày càng lớn về nghề và đời sống người nghệ sĩ xiếc trong thời buổi hiện nay...
Dường như xiếc đang dần co hẹp lại. Bà suy nghĩ như thế nào về điều này?
NSND Tâm Chính |
Thực lòng mà nói, tôi vào nghề từ lúc 15 tuổi, cho đến bây giờ đã hơn 60 rồi vẫn chưa hết tình yêu với nghề. Không thể phủ nhận nghệ thuật nói chung được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, nhưng riêng bộ môn nghệ thuật xiếc gặp rất nhiều khó khăn.
Trước hết, về mặt tập luyện rất khắc nghiệt. Nghệ sĩ tuyển vào để đào tạo từ bé, nhưng tuổi nghề lại rất ngắn ngủ. Ai giỏi lắm cũng chỉ đến 30 là đã bắt đầu thoái trào, nhất là đối với phụ nữ. Từ 30 trở đi là bắt đầu sức khỏe đi xuống, kéo theo các khả năng nghệ thuật.
Hồi còn bao cấp, dù có nhiều khó khăn vất vả nhưng nghệ sĩ xiếc cũng có nhiều thuận lợi, với chế độ ưu đãi lớn của Nhà nước, như bọn mình, hồi ấy thịt cá, đường sữa ăn không hết. Từ khi bỏ bao cấp, chế độ thanh sắc cho nghệ sĩ không còn thì giới xiếc rất khổ. Xuất diễn ít, đi biểu diễn thì nặng nhọc, yêu cầu rất cao, trong khi chế độ bồi dưỡng cào bằng. Hiện nay, diễn viên xiếc mỗi xuất diễn chỉ 30 đến 50 ngàn. Lương cơ bản đối với người được đào tạo khi ra trường cũng không khác gì các lao động nhà nước khác. Một nghệ sĩ hoạt động trong ngành hơn 10 năm, nhưng lương cũng chỉ trên 3 triệu/tháng.
Như vậy, để nghệ sĩ chuyên tâm với nghề là một vấn đề rất nan giải. Nhiều nghệ sĩ xiếc muốn chuyển sang nghề khác cũng bởi đồng lương quá thấp, trong khi tuổi đời của nghề lại quá ngắn ngủi.
Luyện tập Ảnh: Văn Lê |
Ở phương Tây từ hàng trăm năm nay, các đoàn xiếc độc lập hoạt động rất mạnh. Việt Nam liệu có thể hình thành nên các đoàn xiếc, những nghệ sĩ xiếc độc lập như vậy?
Thời kỳ bao cấp đã qua lâu rồi. Bây giờ chúng ta đang sống giữa thời buổi cơ chế thị trường. Điều đó có nghĩa là muốn tồn tại thì anh phải tự bươn trải. Nhất là đối với nghệ thuật, đến một lúc nào đó, Nhà nước không thể tiếp tục lo cho mình được nữa. Hướng xã hội hóa là tất cả những người có tài thực sự có thể tự tin bước ra tự thành lập các nhóm nghệ thuật tư nhân. Hiện nay, lĩnh vực xiếc có NSƯT Hồng Lộc (nghệ sĩ biểu diễn xiếc thú) là thành viên của Liên chi hội Xiếc Việt Nam đang đi theo hướng này. Liên chi hội chỉ đứng ra lo về mặt chỉ đạo nghệ thuật, dàn dựng chương trình, còn bản thân Lộc tự bỏ tiền túi mua những con thú, tự huấn luyện và tổ chức đi diễn khắp nơi và rất hút khách. Đây cũng là một trong những nghệ sĩ xiếc hiếm hoi của nước ta hiện nay làm giàu được bằng chính chuyên môn nghệ thuật của mình.
Trong đào tạo nghệ thuật hiện nay mà xiếc không phải ngoại lệ, thực tế vấn đề tự học hay cha truyền con nối đôi khi còn thu lại kết quả nhiều hơn cả việc đào tạo cơ bản qua trường lớp. Vậy, chúng ta có nhất thiết phải duy trì những cơ sở đào tạo quy mô và tốn kém như hiện nay?
Đúng là tự học hay truyền nghề cũng rất quan trọng, tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rõ hơn về nghệ thuật xiếc. Việc cha truyền con nối chỉ mang tính chất như truyền nghề, nghiêng nhiều về thủ thuật và khả năng cá nhân. Còn đối với nghệ thuật xiếc chính quy thì bắt buộc phải qua đào tạo bài bản với trường lớp cụ thể. Đó là nơi đào tạo toàn diện, chẳng hạn khi một người nghệ sĩ ra biểu diễn phải biết múa như thế nào, âm nhạc ra sao, họa sĩ ở đâu... Nghĩa là phải đòi hỏi một sự toàn diện, điều này, nếu tự học hay truyền nghề thì không thể có được.
Với tuổi đời nghề ngắn ngủi, đào tạo từ rất sớm mà đãi ngộ chưa xứng với người nghệ sĩ, liệu có ảnh hưởng đến nguồn đào tạo của bộ môn xiếc hiện nay, thưa bà?
Một người vào học trường đặc thù như trường xiếc, nếu không vào được một đoàn nào đó thì coi như vô nghệ, không làm được việc gì khác. Trong khi cả nước hiện nay chỉ có 5 đoàn xiếc. Nếu không có đoàn nào nhận thì đi đâu, làm gì? Bởi vậy, nguồn tuyển là một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay. Chưa kể tuyển sinh đào tạo xiếc từ rất sớm, có khi đứa trẻ mới hơn 10 tuổi, luyện tập rất vất vả. Có bố mẹ nào muốn con mình như vậy không? Nhiều em vẫn theo học, nhưng không phải em nào cũng quyết theo nghề.
Hiện nay, có một thực tế đáng buồn là có khi trong trường đào tạo một tiết mục quy mô với 6 – 7 nghệ sĩ cùng thực hiện, nhưng khi đưa ra Liên đoàn hay triển khai về các đoàn, do kinh phí nên buộc phải xé lẻ tiết mục ra. Có những nghệ sĩ khi xé tiết mục ra tự mình vẫn có thể tiếp tục phát triển, xây dựng nên tiết mục riêng. Nhưng cũng có nghệ sĩ chỉ chuyên về biểu diễn mục đã được đào tạo, không thể phát triển được, vừa thiệt thòi cho nghệ sĩ mà vừa lãng phí đào tạo. Thế nên, có thể nói hầu hết các nghệ sĩ xiếc hiện nay, dù ra sân khấu tươi cười với khán giả, nhưng sau cánh gà đều đau đáu với nỗi lo về nghề của mình.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Có thể nói hầu hết các nghệ sĩ xiếc hiện nay, dù ra sân khấu tươi cười với khán giả, nhưng sau cánh gà đều đau đáu với nỗi lo về nghề của mình. |
Bắc Sơn