Mỗi dịp đón năm mới ông luôn giữ lệ, gửi “quà thơ” đến bạn đọc bằng nhịp cầu báo chí. Vậy mà, nay Thu vừa chớm, người nghệ sĩ tài hoa này đã vội “căng buồm nghe gió Xuân”…
“Một con đò xa lắm
Căng buồm nghe gió Xuân”.
Đó là hai câu thơ khép lại thi phẩm “Gió Xuân” được NSND Lê Huy Quang viết đón năm mới 2023. So với những “quà thơ” trước thường có tứ khác lạ, đôi khi trúc trắc, gai góc, bài thơ này của ông thật nhẹ tênh, giản dị.
Người đọc không khó để rung cảm cùng thi nhân trong xúc cảm thư thái có phần hân hoan của niềm tin yêu vào ngày mới, trang mới từ những sự vật rất đỗi thân quen: “Bình minh”, “trời xanh”, “búp bàng”, “đèn khuya”, “áo mỏng”, “hòn cuội”… và cả mắt em, gương mặt trẻ nhỏ để rồi phiêu du cùng con đò căng buồm “nghe gió Xuân...” - là “nghe” chứ không phải “đón”.
Phải chăng, người nghệ sĩ mang đôi guốc mộc đến khắp các sàn diễn để sáng tạo và hiến dâng ấy đã nghe được gió Xuân mời gọi cùng dự cảm bước chân sau cuối trên cuộc đời này của mình để đến hôm nay ở tuổi 77 ông thanh thản nhẹ bước về cõi vĩnh hằng! Không hẳn thế đâu.
Bên nàng thơ không ngừng “khác lạ”, bên những nét cọ chưa khi nào phai nhạt thì trong Lê Huy Quang còn có thế giới sân khấu biến ảo diệu kỳ gắn bền chặt cả cuộc đời. Bởi thế, sau những phút giây bồng bềnh, lãng mạn, phiêu du cùng thi họa ông lại trở về với sân khấu.
Lúc trẻ, ông đắm mình trong không gian của từng vở diễn với vai trò là họa sĩ thiết kế mỹ thuật. Khi đã xế chiều thì đau đáu trước điều thiếu khuyết sau cánh màn nhung qua những trang viết đầy trách nhiệm.
Họa sĩ của hơn 300 vở diễn
NSND Lê Huy Quang dành nhiều tâm huyết cho cuốn 'Sân khấu - nghệ sĩ và một góc nhìn cuộc sống' được Nhà nước đặt hàng. Ảnh: Bình Thanh. |
NSND Lê Huy Quang là người con xứ Nghệ (quê cha ở Thạch Hà, Hà Tĩnh; quê mẹ ở Đô Lương, Nghệ An) đã lập nghiệp và thành danh ở đất Hà thành.
Niềm đam mê sân khấu không phải ngẫu nhiên tìm đến Lê Huy Quang mà bởi lúc thiếu thời ông đã si mê – niềm si mê được ngấm từ cha – một nghệ nhân tuồng cổ.
19 tuổi, chàng trai Lê Huy Quang ra Hà Nội học lớp trung cấp và cao đẳng mỹ thuật, Trường Nghệ thuật Hà Nội, khóa 1966-1973. Chọn Hà thành là nơi khởi nghiệp, từ năm 1976, Lê Huy Quang về công tác tại Tạp chí Sân khấu đồng thời trở thành họa sĩ thiết kế của Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Từ đây, ông thăng hoa cùng các nghệ sĩ biểu diễn với những sáng tạo của riêng mình trong hơn 300 vở diễn, không chỉ với nghệ thuật tuồng mà cả với cải lương, kịch nói, chèo, múa rối, xiếc, dân ca… Nổi bật như các vở: “Nghêu - Sò - Ốc - Hến”, “Lý Chiêu Hoàng”, “Thánh Gióng”, “Hoàng hôn đen”, “Ô-ten-lô”, “Chu Văn An”, “Ơ-đíp làm vua”…
Cũng bởi làm việc tại Tạp chí Sân khấu mà NSND Lê Huy Quang có mối thân tình đặc biệt với Lưu Quang Vũ.
Lần kỷ niệm 30 năm ngày nhà viết kịch này đi xa, ông không thôi nhớ lại những tháng ngày cùng làm việc, chia ngọt sẻ bùi với người bạn mà ông yêu quý cùng những câu thơ: …“Thời chúng mình là hai bàn tay trắng/ trăng trắng suông và mây trắng bay về/ đêm diễn tan rồi em rầu rầu xóm trắng/ sương trắng bay nhòe lá trắng ao quê...” (Bài thơ “Cảm tác nỗi niềm sân khấu” viết tặng Lưu Quang Vũ).
Đó là ký ức xót xa lúc Lưu Quang Vũ còn “lang thang”, nhưng nhận thấy bạn làm pa nô quảng cáo, mảng màu khá nhanh, thi thoảng Lê Huy Quang lại kéo cùng tham gia công việc liên quan đến vẽ.
Khi Lưu Quang Vũ được phát hiện và trở thành kịch gia tài năng, Lê Huy Quang là họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho một số kịch bản của tác giả này. Điển hình như năm 1982, kịch bản “Thủ phạm là ai?” được tác giả Ngọc Thụ chuyển thể sang cải lương cho Đoàn Cải lương Thanh Hóa và đạo diễn Phạm Thị Thành dàn dựng đã mời Lê Huy Quang thiết kế mỹ thuật.
Năm 1985, Lê Huy Quang xuất sắc giành Huy chương Vàng thiết kế mỹ thuật cho vở “Vách đá nóng bỏng” do Đoàn Dân ca Thuận Hải (nay là Ninh Thuận và Bình Thuận) biểu diễn. Vở diễn cũng giành Huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm đó.
NSND Lê Huy Quang (thứ 2 từ phải sang) nhận giải thưởng 'Nghệ thuật minh họa báo chí và xuất bản Việt Nam năm 2023'. Ảnh: Bình Thanh. |
Đau đáu với nghề
Gắn bó và là nhà báo viết về sân khấu nên NSND Lê Huy Quang luôn có những bài viết sắc sảo về ngành của mình, không phải để tô hồng mà là những góc nhìn vừa khẳng định giá trị trường tồn của nghệ thuật dân tộc vừa chia sẻ với những khó khăn mà sân khấu nước nhà đang phải trải qua, từ đó đưa ra ý kiến góp ý xây dựng.
Nhân kỷ niệm 100 năm kịch nói (1921 - 2021), ông mừng vui khẳng định, dù không ít khó khăn, thách thức, song với sự góp sức của các thế hệ, từ tác giả kịch bản, đạo diễn đến nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên… nghệ thuật kịch nói Việt Nam đã tạo nên “một phong cách độc đáo, có diện mạo, bản sắc, phong cách riêng: Đậm đà cốt cách dân tộc, trữ tình, đằm thắm, nhưng lại bắt kịp những nét tiên tiến, hiện đại của các nền sân khấu tiên tiến trên thế giới”.
Tuy nhiên, ông đau đáu trước thực trạng sân khấu kịch nói có phần thưa vắng khán giả để rồi thẳng thắn chỉ rõ nguyên do không phải công chúng thờ ơ, quay lưng mà mấu chốt vẫn là vấn đề kịch bản.
Ông nhắc nhớ đến những tác giả tài năng, xông xáo trong sáng tạo để có những kịch bản văn học vừa bám sát đời sống xã hội vừa mang tính dự báo cao như Lưu Quang Vũ, Xuân Trình… Trong khi, nhiều năm qua, đội ngũ tác giả dường như chững lại, kịch bản thường rơi vào lối mòn, đơn giản, tô hồng mà chưa đa chiều nên không đặt ra được những vấn đề bức xúc của cuộc sống đương đại đầy biến động và phức tạp.
“Những gì cao thượng hay thấp hèn của các tính cách nhân vật đều mờ nhạt, đơn điệu. Hình ảnh con người bằng xương, bằng thịt với những dằn vặt, đớn đau hay hân hoan, hạnh phúc trong danh vọng, tình yêu, ước mơ, khát vọng... không chạm được đến trái tim khán giả.
Có nhiều tác giả “xoay” sang đề tài dã sử, dân gian, huyền thoại, lịch sử, mượn chuyện xưa để nói nay song chỉ là minh họa lại mà ít đầu tư tâm sức để có những góc nhìn tươi mới, hấp dẫn. Ở đây còn có mối nguy khi cách khắc họa những nhân vật anh hùng dân tộc theo mô tuýp cũ kỹ hoặc hư cấu quá đà, không trung thực với sự thực lịch sử…”, NSND Lê Huy Quang từng chia sẻ.
Cùng với đó, ông còn quan tâm đến đội ngũ đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn. Bên cạnh niềm vui khi lực lượng này ngày càng đông đảo và được đào tạo bài bản song ông băn khoăn khi nhân tố mới thực sự có tài còn ít ỏi. Nhất là nghệ sĩ biểu diễn tay nghề vẫn non nớt, chông chênh mà lại muốn nhanh thành sao mà lười trau dồi nghề nghiệp, đạo đức.
Nhất là với mỹ thuật thiết kế, ông trăn trở khi các đồng nghiệp vẫn phải sáng tạo trong sự thiếu thốn, lạc hậu về cơ sở vật chất. Việc tắt đèn chuyển cảnh hay kéo phông, hạ màn… vẫn theo cách của mấy mươi năm trước. Sân khấu vẫn là những bục gỗ hộp cứng nhắc, khó thay đổi theo những yêu cầu, mong muốn của mỗi loại hình nghệ thuật.
Cùng với đó, vì lực lượng họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho sân khấu hiện nay quá mỏng nên không gian sân khấu hay bị lặp lại, vở diễn nào cũng nhang nhác nhau. Hiện tượng thiết kế mỹ thuật chỉ dừng lại ở dạng minh họa cho kịch bản, ý đồ đạo diễn mà không có sự sáng tạo riêng của họa sĩ cũng không hiếm.
NSND Lê Huy Quang. |
Nhân đây, NSND Lê Huy Quang nhắc đến các nước có nền sân khấu tiên tiến, đã từ lâu, sàn diễn được hiện đại hóa một cách khá hoàn chỉnh. Đó là hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại để có thể tham gia vào quá trình sáng tạo của nghệ sĩ.
Khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả được xóa nhòa bằng những cầu diễn tự động. Không gian sân khấu luôn biến ảo bằng một trục quay nhiều chiều; linh hoạt mở rộng, thu hẹp hay lên cao, xuống thấp… hoặc áp dụng nhiều chất liệu như thủy tinh, kính màu, chất dẻo, gương, tấm nhựa, các loại sợi, thảm trải sàn…
Theo NSND Lê Huy Quang, chính việc vận dụng tiến bộ của khoa học công nghệ và hiện đại hóa các trang thiết bị đã tạo điều kiện tối đa cho ê kíp sáng tạo cùng tìm tòi, đưa ra ý tưởng mới lạ đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả hôm nay.
“Thiết nghĩ, sân khấu Việt Nam sẽ lạc hậu và còn tiếp tục tụt hậu so với sân khấu thế giới nếu không được “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa” một cách đồng bộ, triệt để từ các cơ sở vật chất, kỹ thuật của các nhà hát”, NSND Lê Huy Quang luôn trăn trở như thế.
Hai năm trước, cuốn sách được Nhà nước đặt hàng “Sân khấu - nghệ sĩ và một góc nhìn cuộc sống” của ông được Nxb Sân khấu ấn hành. NSND Lê Huy Quang bảo, đó là tác phẩm tâm huyết được viết từ những tháng năm “bếp núc” cho sân khấu.
Cũng nhờ đó mà ông có cơ hội gặp gỡ các văn nghệ sĩ từ đó phác thảo đôi nét chân dung các tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ biểu diễn… đã và đang hoạt động tại Thủ đô Hà Nội cũng như phản ánh đời sống sân khấu trong nửa thế kỷ qua.
“Đây là tấm lòng của tôi với nghệ thuật sân khấu, với các nghệ sĩ sân khấu, với cuộc sống mà ta luôn yêu mến... Từ cuốn sách này, tôi muốn mang đến một niềm vui nhỏ nhoi, bình dị, cho những người vẫn đang bị hấp dẫn bởi ánh đèn sân khấu hôm nay, cũng như những ai đã và đang yêu quí các nghệ sĩ” – nay NSND Lê Huy Quang đã rời xa cõi tạm mà những tâm huyết với sân khấu nước nhà của ông vẫn vọng lại như thế để hậu thế nghiêng mình cảm phục, noi theo!