Nóng trong tuần: Tổng kết công tác thanh tra; công nhận hiệu trưởng 2 trường ĐH

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT tổng kết công tác thanh tra, công nhận hiệu trưởng 2 trường đại học... là hai trong số những thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 về công tác thanh tra.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 về công tác thanh tra.

Tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 về công tác thanh tra

Ngày 10/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 về công tác thanh tra. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị.

Năm 2023, Thanh tra Bộ cũng đã rà soát cơ sở giáo dục đại học có dấu hiệu vi phạm kết quả tuyển sinh trình độ đại học năm 2022, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, đã tổ chức tiếp công dân, thực hiện tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và phương hướng năm 2024, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết: Năm 2023, Thanh tra Bộ đã đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra trong đó có việc bảo đảm trọng tâm, trọng điểm về nội dung, đối tượng thanh tra, nhất là các vấn đề nóng, gây bức xúc dư luận xã hội. Mặc dù khó khăn về biên chế, số lượng công chức nhưng các cuộc thanh tra đều được giám sát hoạt động và thực hiện thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo đúng quy định.

Năm 2023, Thanh tra đã thực hiện và cơ bản hoàn thành 16 cuộc thanh tra theo kế hoạch đối với 38 cơ quan, đơn vị; 4 cuộc thanh tra đột xuất đối với 7 đơn vị. Đã thực hiện và hoàn thành 14 cuộc kiểm tra theo kế hoạch và 3 cuộc kiểm tra đột xuất; cử công chức phối hợp tham gia 5 cuộc kiểm tra do đơn vị thuộc Bộ chủ trì thực hiện.

Trong năm, Thanh tra đã tập trung lực lượng tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, đã huy động và tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi cho gần 7000 người tham gia công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi. Thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 tỉnh, thành phố, 63 đoàn kiểm tra chấm thi tại 63 tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận “thanh tra là một công cụ quản lý nhà nước rất quan trọng, cũng là công cụ để tiếp tục mở đường cho đổi mới, là “bà đỡ” cho sự đổi mới, làm cho đổi mới đúng hướng hơn, tốt hơn”.

Bộ trưởng yêu cầu cán bộ thanh tra không chỉ cần tinh thông nghiệp vụ, kỷ cương, còn cần tinh thần thấu hiểu, tinh thần hành động. Thanh tra Bộ GD&ĐT phải thực sự đem tinh thần, yêu cầu, mục tiêu đổi mới để lan tỏa xuống cơ sở và thu nhận tinh thần của cơ sở đến Bộ. Với 63 tỉnh thành, hàng trăm trường đại học, trong khi lực lượng thanh tra còn mỏng, công tác thanh tra phải thông qua “điểm” để giải quyết “diện”…

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh các phương châm đối với công tác thanh tra gồm: Phòng ngừa, ngăn chặn là thường xuyên; phát hiện - xử lý phải cấp bách, không để lan rộng; mang tính tư vấn và khắc phục; kiểm tra diện rộng, thanh tra trọng tâm trọng điểm vào địa bàn, lĩnh vực; thượng tôn pháp luật, xem xét kỹ lưỡng nguyên nhân khách quan, chủ quan, bối cảnh của từng đối tượng thanh tra…

Thứ trưởng cũng đề nghị Thanh tra Bộ tiếp tục làm tốt công tác nắm bắt thông tin, nắm bắt tình hình để lựa chọn được trọng tâm, trọng điểm cho công tác thanh tra. Việc nắm bắt thực hiện qua dư luận, báo chí, đơn thư, tiếp dân, dự báo… Cùng với đó là làm tốt công tác phối hợp trong, ngoài; lan toả kết quả thanh tra để từ đó cảnh báo, ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bí thư Thành ủy Cần thơ Nguyễn Văn Hiếu trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng PGS.TS Trần Trung Tính.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bí thư Thành ủy Cần thơ Nguyễn Văn Hiếu trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng PGS.TS Trần Trung Tính.

Công nhận hiệu trưởng 2 trường đại học

Sáng 12/1, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025 cho PGS.TS Trần Trung Tính.

Dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, lãnh đạo một số tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trao Quyết định và chúc mừng PGS.TS Trần Trung Tính, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn tân Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ sẽ phát huy tốt nhất sở trường và năng lực, quy tụ sức mạnh tập thể, thực hiện thật tốt nhiệm vụ và quyền hạn, cùng với tập thể Đảng uỷ và Hội đồng trường phát triển Trường Đại học Cần Thơ đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng khẳng định Trường Đại học Cần Thơ có vị trí quan trọng hàng đầu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cả ở giai đoạn quá khứ, hiện tại và trong tương lai. Trong tầm nhìn phát triển của toàn ngành, Bộ GD&ĐT đặt nhiều kỳ vọng vào Trường Đại học Cần Thơ, mong trường tiếp tục phát huy, nỗ lực, phấn đấu để tiếp tục đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Trường Đại học Cần Thơ, PGS.TS. Trần Trung Tính tham gia công tác giảng dạy tại Khoa Công nghệ (từ 1998 đến 2007), giữ chức vụ Trưởng bộ môn thuộc Khoa Công nghệ (từ 2007 đến 2009), giữ chức vụ Phó Trưởng khoa Công nghệ (từ 2010 đến 2012), giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ từ 2012 đến 2023. Từ tháng 11/2015, PGS.TS. Trần Trung Tính kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA của trường.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho PGS.TS Võ Văn Minh (trái ảnh).
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho PGS.TS Võ Văn Minh (trái ảnh).

Trước đó, ngày 9/1, ĐH Đà Nẵng tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm. Theo đó, PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2020 - 2025.

PGS.TS Võ Văn Minh tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sinh học tại Trường ĐH Khoa học Huế. Ông là giảng viên tại khoa Sinh - Môi trường, Trường đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) từ năm 1999.

Từ năm 2006 – 2017, ông Võ Văn Minh đảm nhận qua nhiều vị trí từ Trưởng bộ môn Môi trường, Trưởng khoa Sinh - Môi trường, Phó Trưởng phòng Đào tạo và Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng.

Từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2020, PGS.TS Võ Văn Minh là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng.

PGS.TS Võ Văn Minh vừa miễn nhiệm chức chủ tịch hội đồng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường theo nhiệm kỳ hội đồng trường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Công nhận hoạt động của 4 tổ chức kiểm định quốc tế tại Việt Nam

Tuần qua, Bộ GD&ĐT ban hành các quyết định, công nhận hoạt động 4 tổ chức kiểm định quốc tế tại Việt Nam gồm: tổ chức ACQUIN; tổ chức International Centre of Excellence in Tourism and Hospitality Education (THE-ICE); The Accreditation Council for Business Schools and Programs tại Việt Nam (ACBSP); tổ chức ABET.

Tổ chức ACQUIN được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận theo quy trình và các tiêu chuẩn ghi trong hồ sơ đề nghị đối với các chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo quy định của pháp luật Việt Nam.

THE-ICE được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận theo quy trình và các tiêu chuẩn ghi trong hồ sơ đề nghị đối với các cơ sở giáo dục có chương trình đào tạo trình độ của giáo dục đại học có các nhóm ngành: Du lịch; Khách sạn, nhà hàng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

ACBSP được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận theo quy trình và các tiêu chuẩn ghi trong hồ sơ đề nghị đối với các chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học thuộc các lĩnh vực đào tạo theo quy định của pháp luật Việt Nam: Khoa học xã hội và hành vi (nhóm ngành: Kinh tế học); Kinh doanh và quản lý; Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân (nhóm ngành: Du lịch; Khách sạn, nhà hàng).

ABET được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận theo quy trình và các tiêu chuẩn ghi trong hồ sơ đề nghị đối với các chương trình giáo dục đại học theo quy định của pháp luật Việt Nam, như sau:

Các lĩnh vực đào tạo trình độ đại học: Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; các lĩnh vực đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ: Khoa học sự sống; Khoa học tự nhiên; Toán và thống kê; Kỹ thuật; Sản xuất và chế biến; Kiến trúc và xây dựng; Môi trường và bảo vệ môi trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.