Nóng trong tuần: Tổng kết 10 năm Nghị quyết 29; vinh danh HS đoạt giải quốc tế

GD&TĐ - Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29; vinh danh học sinh đoạt giải Olympic, thi khoa học kỹ thuật quốc tế... là tin giáo dục nổi bật tuần qua.

Nhận diện khách quan, sâu sắc bức tranh giáo dục 10 năm qua

Ngày 14/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Hội nghị nhằm nhận diện một cách khách quan, đầy đủ, sâu sắc bức tranh giáo dục cả nước trong 10 năm qua, những kết quả đạt được, chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; trên cơ sở đó, đề xuất với Bộ Chính trị các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã trình bày dự thảo báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29.

Trong đó khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, ông Lại Xuân Môn - Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc điều hành Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, ông Lại Xuân Môn - Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc điều hành Hội nghị.

Bên cạnh những kết quả chủ yếu đạt được, dự thảo báo cáo sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để sớm khắc phục.

“Qua tổng kết, đánh giá từ thực tiễn cho thấy, những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 29 mang tầm chiến lược, cơ bản vẫn còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Vì vậy, Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT đề xuất Bộ Chính trị ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện quyết liệt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29”, dự thảo báo cáo nêu.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong phát biểu kết thúc hội nghị nhìn nhận việc tổng kết Nghị quyết 29 trong bối cảnh rất nhiều nội dung trong Nghị quyết vẫn còn đang làm, vẫn đang triển khai, vẫn chưa hoàn tất và ngay cả những việc vừa hoàn thành thì phải nhiều năm sau mới có thể nhìn thấy hết đầy đủ được giá trị, ảnh hưởng của kết quả.

Bộ trưởng đồng thời cho biết: Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị với Bộ Chính trị để đưa vào kết luận một trong những nội dung rất nhấn mạnh là yêu cầu về việc kiên trì định hướng đổi mới, còn rất nhiều việc phải làm tiếp; kiên trì thì những việc làm đã qua mới có thể có tác dụng trong thời gian sắp tới.

“Chúng tôi sẽ kiến nghị về sự kiên định, nhất quán, thống nhất trong chỉ đạo của sự đổi mới có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng” - Bộ trưởng chia sẻ và thông tin 3 vấn đề chính sẽ được đề cập trong kết luận tiếp tục triển khai Nghị quyết 29 trong thời gian tới là: nhận thức, thể chế và nguồn lực.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh.

Vinh danh học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế 2023

Tuần qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức chuỗi hoạt động vinh danh các học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế 2023.

Trọng tâm trong chuỗi chương trình là buổi gặp mặt giữa đoàn học sinh với Phó Chủ tịch Võ Thị Ánh Xuân chiều 15/12 tại Phủ Chủ tịch.

Báo cáo kết quả của các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế, khu vực và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết: Năm 2023, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 36 lượt học sinh tham gia.

Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về cho nước nhà thành tích xuất sắc. Tất cả thí sinh đều đoạt giải, với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen - tiếp tục giữ thành tích trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất, nhiều học sinh đạt số điểm cao nhất.

Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế - ISEF 2023 đoàn Việt Nam có 7 dự án tham dự. Kết quả, có 1 dự án đoạt giải chính thức của Hội thi và 1 dự án đoạt giải đặc biệt do tổ chức US Agency for International Development trao tặng.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động cho các em học sinh.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động cho các em học sinh.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ về truyền thống hiếu học của dân tộc; đến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến giáo dục - đào tạo và ghi nhận những kết quả của ngành Giáo dục trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch nước đặc biệt biểu dương ngành Giáo dục đã bền bỉ tạo điều kiện để học sinh được thể hiện tài năng; biểu dương các thầy cô giáo dày công giúp học trò có được niềm đam mê với học tập, nghiên cứu; cảm ơn các bậc phụ huynh luôn hun đúc, tạo động lực, điều kiện tốt nhất cho con em học tập, phấn đấu; biểu dương nghị lực, tâm huyết, bản lĩnh khổ luyện của các em học sinh trong thời gian qua mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Chia sẻ với ngành Giáo dục, Phó Chủ tịch nước mong muốn việc triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có lộ trình rõ ràng hơn, cách đổi mới nền nếp để tạo sự yên tâm, đồng thuận cho phụ huynh, học sinh, toàn xã hội.

Mục tiêu cuối cùng là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Ngành Giáo dục đồng thời cần tiếp tục đề xuất chính sách nhằm nuôi dưỡng, phát huy trí tuệ Việt Nam, giúp học sinh ưu tú hôm nay có điều kiện trở thành những trí thức, công dân ưu tú trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các học sinh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các học sinh.

Với các thầy cô giáo, Phó Chủ tịch nước mong thầy cô tiếp tục giữ lửa, truyền lửa cho các thế hệ học sinh tiếp theo; nuôi dưỡng ở các em niềm đam mê học tập, nghiên cứu khoa học, chinh phục đỉnh cao; đồng thời tiếp tục cập nhật, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học để không chỉ đào tạo ra các học sinh thi đạt giải cao mà còn trở thành người có đủ năng lực, phẩm chất của một công dân ưu tú.

Với học sinh, Phó Chủ tịch nước mong các em tự tin với khởi đầu này và tiếp tục nỗ lực, phấn đấu chinh phục đỉnh cao tri thức, rèn luyện thể lực, kỹ năng để trở thành người có phẩm chất, năng lực toàn diện.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Bộ GDĐT tiếp thu đầy đủ những chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước và sẽ tiếp tục có những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong phát hiện, bồi dưỡng nhân tài để ngày càng có nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua đó, giúp cho ngày càng nhiều học sinh được thể hiện, phát huy năng lực của mình, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba cho 16 em học sinh; Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 9 em học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, sáng 16/12, đoàn đại biểu học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 đến dâng hương, báo công tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chiều 16/12, Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt, tuyên dương học sinh đoạt giải các kỳ thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong buổi tiếp 10 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản về vi mạch, bán dẫn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong buổi tiếp 10 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản về vi mạch, bán dẫn.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản, ngày 16/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã tham dự nhiều hoạt động của đoàn.

Bộ trưởng đã tham dự sự kiện Thủ tướng Chính phủ tiếp 10 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản về vi mạch, bán dẫn.

Cùng với đó, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Công hàm trao đổi về dự án phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản.

Theo nội dung của Công hàm trao đổi, Chính phủ Nhật Bản sẽ cấp cho Chính phủ Việt Nam khoản viện trợ không hoàn lại 685 triệu Yên Nhật (khoảng 4,8 triệu USD) để dành học bổng toàn phần đào tạo công dân Việt Nam đang công tác tại các cơ quan nhà nước sang học tập tại Nhật Bản. Dự kiến năm 2024 sẽ có tối đa 45 ứng viên nhận học bổng đi học thạc sĩ và 5 ứng viên đi học tiến sĩ.

Trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Công hàm trao đổi về dự án phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản.
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Công hàm trao đổi về dự án phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản.

Theo kế hoạch, ngày 18/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ có các cuộc làm việc với một số cơ quan giáo dục của tỉnh Saitama, Nhật Bản để trao đổi về hợp tác trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về giáo dục phổ thông. Thông qua các cuộc làm việc này, hai bên cùng nhau hướng đến hợp tác đào tạo các nhà quản lý và giáo viên phổ thông trong tương lai như đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với phía Nhật Bản trong chuyến thăm vào tháng 10/2023.

Trong tuần, tại Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc có buổi tiếp Thứ trưởng Bộ Giáo dục đại học, Khoa học và Đổi mới Nam Phi Buti Kgwaridi Manamela cùng đoàn công tác đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, hai bên đã cùng chia sẻ về tiềm năng hợp tác giáo dục. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc hy vọng thời gian tới mối quan hệ hợp tác trong giáo dục và đào tạo giữa hai nước sẽ ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, nhất là trong các lĩnh vực là thế mạnh của mỗi nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.