Nóng trong tuần: Đẩy mạnh công tác pháp chế GD; tập huấn dạy học tích hợp

GD&TĐ - Hội nghị tổng kết công tác pháp chế năm 2023; tập huấn 63 tỉnh thành về tổ chức dạy học tích hợp là những sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua.

Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt nhân dịp 20 năm thành lập.
Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt nhân dịp 20 năm thành lập.

Thể chế mở đường cho đổi mới

Tuần qua, Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt nhân dịp 20 năm thành lập. Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc mừng, sự ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của tập thể Vụ Pháp chế trong 20 năm qua.

Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của ngành, của lĩnh vực giáo dục - đạo tạo đã tương đối bài bản; có phần khung tương đối đầy đủ, toàn diện với một nền tảng khá vững chắc, căn bản. Điều đó có đóng góp rất quan trọng của Vụ Pháp chế.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đang trong lộ trình đổi mới và chính lĩnh vực pháp chế, thể chế là khâu mở đường cho đổi mới. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, pháp chế đặt trước yêu cầu, đòi hỏi rất cao; vừa căn bản, vừa liên tục theo sát diễn biến thực tế để có sự điều chỉnh. Do đó, thử thách lớn, rủi ro cũng rất nhiều.

Do đó, Bộ trưởng gửi gắm làm công tác pháp chế phải là người tiên phong, mang tinh thần đổi mới, mở đường cho đổi mới. Bộ trưởng đồng thời mong cán bộ công chức Vụ Pháp chế tiếp tục nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm để tiếp tục đảm đương, gánh vác được vài trò tham mưu và lực lượng chủ lực trong hoạt động pháp chế nói chung của Bộ và trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng trong tuần này, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác pháp chế năm 2023, chuyên đề xây dựng pháp luật. Tại Hội nghị, bên cạnh kiểm đếm công việc, các ý kiến cùng trao đổi, rút kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc, cách làm, cách tổ chức để đẩy mạnh công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới.

Nhận định, chặng đường 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chặng khai phá những nét lớn trong đổi mới, nhiều khung pháp lý lớn đã làm, Bộ trưởng cho rằng: Giai đoạn tới sẽ là đi vào những điểm chi tiết có tính chất chiều sâu, do đó công tác thể chế giai đoạn này sẽ khác trước, số lượng nhiều hơn, yêu cầu cao hơn, tiến độ đòi hỏi nghiêm ngặt, tính phức tạp của công việc cũng gia tăng.

Bộ trưởng đồng thời lưu ý về quy trình, vấn đề kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD&ĐT. Bộ trưởng cũng đề cập tới việc cần có phần mềm, cơ sở dữ liệu riêng của bộ phận pháp chế để rà soát, tra cứu, tránh xung đột, mâu thuẫn giữa các văn bản, chính sách; thống nhất tổ chức hội nghị chuyên đề pháp chế định kỳ hàng quý và việc phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác truyền thông chính sách.

Tập huấn dạy học tích hợp

Ngày 10/12, Bộ GD&ĐT tập huấn 63 tỉnh thành về tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị tập huấn về tổ chức dạy học môn tích hợp.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị tập huấn về tổ chức dạy học môn tích hợp.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học 2023-2024 là năm học thứ 3 triển khai thực hiện dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở cấp THCS. Thông qua báo cáo của các tỉnh, nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt tổ chức dạy nội dung rất tốt nhưng cũng không tránh khỏi có vướng mắc, khó khăn, lúng túng.

Do đó, hội nghị được tổ chức để tiếp tục xác định rõ cả thuận lợi và những khó khăn, vướng mắc; cùng trao đổi, thảo luận để thống nhất hình thức tổ chức thực hiện.

Để công tác dạy học các môn và hoạt động giáo dục tại các nhà trường được triển khai tốt hơn, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ cơ sở để tham mưu, chỉ đạo, thực hiện tốt hơn nữa Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, nắm bắt thông tin triển khai tại các địa phương; tăng cường chức năng, công tác quản lý hành chính của cơ quan Bộ và đẩy mạnh tổ chức tập huấn.

Đối với các địa phương, Thứ trưởng lưu ý cần tiếp tục nâng cao nhận thức về đổi mới giáo dục trong toàn ngành và xã hội, đặc biệt là phụ huynh và học sinh. Các địa phương tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng và bám sát văn bản chỉ đạo triển khai từ Bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Ngoài ra, địa phương cần tập trung đảm bảo nguồn lực, rà soát chế độ, chính sách, đãi ngộ cho giáo viên. Đặc biệt cần có những hình thức khen thưởng đối với các giáo viên có thành tích trong đổi mới giáo dục.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cán bộ quản lý, Thứ trưởng nhấn mạnh cán bộ quản lý cần tìm hiểu sâu sát văn bản, yêu cầu của chương trình, đồng thời chỉ đạo trên tinh thần quyết liệt, rõ thực trạng, giải pháp để tháo gỡ kịp thời, tránh tình trạng chậm trễ.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các vụ, cục; lãnh đạo các sở GD&ĐT đã trao đổi, thảo luận, nêu khó khăn, vướng mắc, chia sẻ giải pháp tháo gỡ trong quá trình thực hiện, triển khai môn học và hoạt động giáo dục tại các địa phương.

Xử lý hành vi xúc phạm nhà giáo

Tuần qua, sự việc một số học sinh Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, có hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với một nữ giáo viên, gây bức xúc dư luận.

Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Bộ GD&ĐT đã có công văn số 6803/BGD&ĐT-GDCTHSSV gửi UBND tỉnh Tuyên Quang về việc xử lý hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm Nhà giáo trong cơ sở giáo dục.

Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo, xác minh, làm rõ vụ việc. Trên cơ sở đó, có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể có liên quan: giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, lãnh đạo cơ sở giáo dục, đơn vị quản lý giáo dục huyện và các cá nhân, đơn vị liên quan khác.

Chỉ đạo Sở GD&ĐT rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc, đồng thời tập trung tăng cường công tác quản lý và đánh giá giáo viên; xây dựng đội ngũ nhà giáo; tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện ở các cơ sở giáo dục; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Cũng trong họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023 diễn ra ngày 6/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã có trao đổi xoay quanh sự việc này. Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua có những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường đã xảy ra. Dù hiện tượng khác nhau nhưng bản chất là như nhau. Vì vậy, cần có các giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này. Trong đó có các biện pháp về giáo dục, công tác quản lý.

Về giáo dục, cần rà soát lại đội ngũ giáo viên về quy trình đánh giá chuyên môn, phẩm chất, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, công tác giáo dục học sinh trong nhà trường. Bộ GD&ĐT có rất nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể, việc triển khai ở các nhà trường cần thực hiện nghiêm túc.

Ngoài ra, cần theo dõi đánh giá việc học sinh chấp hành các quy định một cách thường xuyên; ngăn chặn sớm các vụ việc tương tự bằng cách phát hiện các nguyên nhân ngay từ đầu trong quan hệ giữa thầy - trò, diễn biến tâm lý của học trò, thầy cô.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường việc hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy, tư tưởng đạo đức, kỷ luật trong học đường.

Tuần qua, Bộ GD&ĐT cũng có văn bản gửi các sở GD&ĐT về tăng cường quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá. Trong văn bản mới nhất, Bộ yêu cầu các sở GD&ĐT làm tốt công tác tham mưu, phối hợp; tăng cường công tác quản lý và đánh giá hiệu quả triển khai của mỗi hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khoá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.