Nóng trong tuần: Công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025

GD&TĐ - Công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025, tham vấn xây dựng Luật Nhà giáo... là những thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ảnh tư liệu.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ảnh tư liệu.

Xây dựng cấu trúc định dạng đề thi của 17 môn học

Bộ GD&ĐT công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là thông tin giáo dục được quan tâm tuần qua.

Theo đó, cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo. Người học sẽ được biết đề thi gồm mấy phần, có những dạng thức câu hỏi trắc nghiệm nào, những (thành phần) năng lực nào được đánh giá trong đề minh họa.

Các câu hỏi trong đề minh họa cố gắng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa (bối cảnh có tác dụng/có giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn, khoa học).

Tại thời điểm này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới thực hiện đến lớp 11, do vậy các nội dung kiến thức được sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và 11.

Theo phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, môn Ngữ Văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận trên giấy, các môn học khác được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên giấy.

Với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng đề thi:

Dạng thức 1: Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, (dạng thức này đã được áp dụng trong nhiều năm tại Việt Nam). Theo định dạng đề thi từ năm 2025, các môn Ngoại ngữ chỉ dùng một loại dạng thức này. Các môn trắc nghiệm còn lại có một phần dùng dạng thức này.

Dạng thức 2: Câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời Đúng/Sai đối với từng ý của câu hỏi. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng “mẹo mực” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.

Dạng thức 3: Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kĩ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng “mẹo mực” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Theo cấu trúc định dạng đề thi, thời gian thi của mỗi môn: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; các môn học khác 50 phút.

Để bảo đảm phù hợp với mục đích yêu cầu của kỳ thi, số lượng câu hỏi/lệnh hỏi cho mỗi đề thi cũng như một số vấn đề liên quan có thể được điều chỉnh khi xây dựng đề thi cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều giáo viên đã phân tích, nhận định về đề minh họa. Trong đó, nhiều ý kiến đánh giá đề đáp ứng được mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Cấu trúc định dạng đề thi của 17 môn học được Bộ GD&ĐT công bố gồm: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung), Hoá học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (Công nghệ Công nghiệp và Công nghệ Nông nghiệp).

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao giải cho hai tác giả có tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao giải cho hai tác giả có tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi.

Trao giải 2 cuộc thi lớn trong ngành Giáo dục

Tuần qua, Bộ GD&ĐT tổ chức tổng kết lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2023 và Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023.

Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức và phân công Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.

Thông tin tại buổi lễ, Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Triệu Ngọc Lâm cho biết: Năm 2023, cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” được phát động, nhận bài dự thi từ tháng 10/2023. Sau hai tháng phát động, Cuộc thi đã đón nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo tác giả trên cả nước và nhiều tác phẩm chất lượng.

Ban Tổ chức đã nhận được hơn 80.000 bài dự thi, được gửi qua email và đường bưu điện. Số lượng bài tham gia cho thấy cuộc thi đã có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của cuộc thi. Nhiều tác phẩm trình bày công phu, với nhiều ảnh và clip minh họa.

Từ hơn 80.000 bài dự thi, Ban Giám khảo sơ khảo đã lựa chọn được 44 tác phẩm vào vòng chung khảo. Ban giám khảo lựa chọn và trao 30 giải, gồm có 2 giải tập thể và 28 giải cá nhân..

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Cuộc thi không chỉ là cơ hội để các em học sinh thể hiện lòng biết ơn và tình cảm của mình đối với những người đã dìu dắt, dạy dỗ mà còn là dịp để những người làm công tác giáo dục nhìn nhận, đánh giá lại giá trị, tầm quan trọng của nghề giáo trong việc định hình tương lai của thế hệ trẻ.

Thứ trưởng mong muốn, với chủ đề “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”, cuộc thi sẽ ngày càng được lan toả, tiếp tục được tổ chức chất lượng hơn, để thầy cô và mái trường luôn là nỗi nhớ mong của mọi người.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các Sở GD&ĐT có nhiều thí sinh tham gia, đạt giải cao.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các Sở GD&ĐT có nhiều thí sinh tham gia, đạt giải cao.

Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là hoạt động được Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm. Đây là một trong nhiều hoạt động của ngành Giáo dục nhằm cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị 05-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách hiệu quả, sâu rộng và sáng tạo.

Sau hơn 3 tháng tổ chức Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023 đã lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia mà còn nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trường học trong cả nước và thanh niên, du học sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài với 2.133.658 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có hơn 900 thí sinh đang là du học sinh ở nước ngoài dự thi.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi cho các thí sinh đoạt giải.

Tham vấn xây dựng Luật Nhà giáo

Chiều 27/12, tại Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.

Dự hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và pháp luật; các thành viên Ban soạn thảo, tổ biên tập Luật nhà giáo và một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT.

Báo cáo về tiến độ triển khai xây dựng Luật Nhà giáo và các chính sách đề xuất trong Luật Nhà giáo, Tiến sĩ Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Khung cấu trúc dự kiến luật Nhà giáo với 8 chương, 67 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng… Các chính sách đề xuất bao gồm định danh Nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh Nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của Nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh Nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đề xuất 2 phương án. Phương án 1, Luật chỉ quy định về nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Phương án 2, Luật quy định về nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; nhà giáo nhà giáo trong các cơ sở giáo dục trực thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đồng thuận, nhất trí cao với phương án 2 đã được Bộ GDĐT đề xuất. Bên cạnh đó, hội thảo tập trung thảo luận về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo; đặc biệt là những đặc thù và bất cập còn tồn tại của đối tượng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục trực thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, để xây dựng Luật Nhà giáo, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phải rà soát, đánh giá một cách tổng thể những cơ chế, chính sách đã được ban hành. Cần tham vấn ý kiến nhiều chủ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đào tạo, các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là đội ngũ nhà giáo…để tìm ra những điểm nghẽn và biện pháp tháo gỡ.

Tối 26/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X, năm 2023.

Buổi lễ ghi nhận và tuyên dương 143 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu. Trong 143 em được tuyên dương có 51 thành phần dân tộc đến từ 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kỳ vọng các em phấn đấu hơn nữa, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, để trở thành những cán bộ giỏi, những người có tri thức, kĩ năng, với ý chí và khát vọng, trở về xây dựng làng bản, quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ