Nóng trong tuần: Sơ kết soạn thảo Luật Nhà giáo; tăng tốc chuyển đổi số trong GD

GD&TĐ - Sơ kết soạn thảo Luật Nhà giáo, các hội thảo về chuyển đổi số trong GD-ĐT là thông tin giáo dục đáng chú ý.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì sơ kết soạn thảo Luật Nhà giáo giai đoạn 1.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì sơ kết soạn thảo Luật Nhà giáo giai đoạn 1.

Sơ kết soạn thảo Luật Nhà giáo giai đoạn 1

Chiều 2/12, tại Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì sơ kết soạn thảo Luật Nhà giáo giai đoạn 1.

Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - cơ quan thường trực soạn thảo Luật Nhà giáo, việc lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo được thực hiện từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2024 và được Bộ GD&ĐT triển khai khẩn trương, nghiêm túc, tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Trong thời gian từ tháng 5/2024 đến tháng 10/2024, Bộ GD&ĐT đã tập trung tối đa lực lượng, khẩn trương, nghiêm túc triển khai các bước trong quy trình soạn thảo Luật Nhà giáo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Với thời gian triển khai thực hiện rất ngắn, quy trình trình Luật phức tạp, tiến độ soạn thảo rất gấp, là Luật mới, khó… - nhưng bằng sự nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo, sự phối hợp giữa Ban soạn thảo với các đơn vị trong Bộ GD&ĐT, với các chuyên gia… dự án Luật đã hoàn thành đề trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8. Hồ sơ dự án Luật Nhà giáo sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Đánh giá về một số bài học kinh nghiệm sau giai đoạn 1 soạn thảo Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề cập tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GD&ĐT với quá trình nghiên cứu, biên soạn dự án Luật; năng lực, trách nhiệm của đơn vị chủ trì soạn thảo với sự đồng hành của các chuyên gia; cách làm, sự vào cuộc của tất cả các Vụ, Cục, đơn vị; công tác phối hợp tạo sự đồng thuận trong và ngoài ngành…

z609146325056397ad521fc60b44fd707f252b5f454444.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại sơ kết.

Nhấn mạnh nguyên tắc xuyên suốt, thống nhất là vì lợi ích cho nhà giáo, vì sự phát triển của nhà giáo, Thứ trưởng nêu một số nhiệm vụ, công việc cần làm trong thời gian tới. Trong đó, chủ động phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội để hoàn thiện, tinh chỉnh tốt nhất dự thảo Luật; tiếp tục đánh giá tác động nguồn lực thực hiện; cập nhật nội dung quản lý nhà nước về nhà giáo…

Nhìn lại giai đoạn 1 soạn thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tới sự quyết tâm, tính hướng đích, tính mục tiêu rất cao và quyết tâm đó đã thuyết phục được người khác. Ngoài ra, theo Bộ trưởng, sự đồng lòng, đồng thuận từ bên trong là rất quan trọng và những điều này cần tiếp tục phát huy trong giai đoạn tiếp theo.

Nhắc tới “sức ép” thời gian, Bộ trưởng đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục chủ động, bám sát kế hoạch để hoàn thành các công việc, nhiệm vụ đúng tiến độ, không chủ quan. Trong đó, ưu tiên số 1 là tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8. Đồng thời, lưu ý về công tác phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan và tiếp tục truyền thông lan toả về dự án Luật Nhà giáo.

z61062795115057dca3365eef19fbfe8148042327d8afc.jpg
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo chủ đề “Giáo dục đại học với công nghệ số”.

Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là nội dung giáo dục đáng chú ý tuần qua với 3 sự kiện: Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo chủ đề “Giáo dục đại học với công nghệ số” do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 7/12; hội nghị tập huấn nâng cao năng lực khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng AI phục vụ công việc cho các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT sáng 3/12; hội thảo khoa học thường niên 2024 - Giáo dục trong thế giới số tổ chức trong 2 ngày (6-7/12).

Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo chủ đề “Giáo dục đại học với công nghệ số” được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai chuyển đổi số giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ số, cũng như định hướng và thảo luận các giải pháp cho giai đoạn 2025-2030.

Hội thảo tập trung vào 4 nội dung chính gồm: Quản lý, quản trị cơ sở giáo dục đại học dựa trên dữ liệu và công nghệ số; triển khai mô hình giáo dục đại học số; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ số; phát triển năng lực số cho người học (bao gồm năng lực trí tuệ nhân tạo).

Tại hội thảo, đại diện các cơ sở giáo dục đã có các tham luận, báo cáo về các mô hình giáo dục đại học số, mô hình quản trị, ứng dụng và phát triển nhân lực AI, phát triển năng lực số và triển khai bình dân học vụ số; trao đổi, thảo luận về các kinh nghiệm, giải pháp, kiến nghị thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo ở lĩnh vực giáo dục đại học.

Đánh giá cao các tham luận, trao đổi được trình bày tại hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh tới việc phải quyết liệt hơn nữa trong cả chỉ đạo, ban hành chính sách và triển khai chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo với giáo dục và đào tạo trong thời gian tới; để chuyển đổi số, không gian số, ứng dụng công nghệ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ thực sự tác động, tạo ra thay đổi về năng suất dạy, năng suất học; xoá bỏ được các khâu, cấp trung gian trong hoạt động giáo dục và đào tạo...

z6092806298882fabb49e72bc29dab931b1ef540768423.jpg
Quang cảnh hội nghị tập huấn nâng cao năng lực khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng AI phục vụ công việc cho các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT.

Tại hội nghị tập huấn nâng cao năng lực khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng AI phục vụ công việc cho các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, các chuyên gia về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo của Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT và ĐH Bách khoa Hà Nội đã tập huấn khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học; tập huấn khai thác, sử dụng chức năng ký số di động trên App mobile của Hệ thống Eoffice; hiểu biết về AI và tác động của AI trong giáo dục; tập huấn sử dụng công cụ AI trong công vụ.

Các chuyên gia đồng thời giải đáp những vướng mắc về các phần mềm, công cụ, giúp mỗi cán bộ Bộ GD&ĐT hiểu rõ và ứng dụng tốt hơn công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT là một trong những đơn vị có hệ thống cơ sở dữ liệu ngành rộng lớn và hiệu quả, Thứ trưởng kỳ vọng, với lợi thế đó, mỗi cán bộ quản lý, chuyên viên của Bộ GD&ĐT sẽ vận dụng, khai thác dữ liệu hiện có, cải thiện hiệu năng quản lý nhà nước.

Ngoài ra, cùng với hệ thống cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo nổi lên như một công cụ hữu ích, tăng năng suất lên vài chục lần, Thứ trưởng yêu cầu mỗi cán bộ cần biết cách sử dụng hợp lý, khai thác tối đa tiềm năng của trí tuệ nhân tạo AI và cần hành động ngay, thúc đẩy hiệu quả công việc trong thời gian tới.

hoi-thao-thuong-nien-vkhgd-3.jpg
Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam trao đổi tại hội thảo khoa học thường niên 2024 - Giáo dục trong thế giới số.

Hội thảo khoa học thường niên 2024 - Giáo dục trong thế giới số được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, theo các phiên với các chủ đề khác nhau.

Tại phiên toàn thể của diễn đàn, các bài trình bày tập trung các khía cạnh chuyển đổi số trong giáo dục, góc nhìn từ bình diện khu vực đến quốc gia, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục lấy con người làm trung tâm từ góc nhìn chính sách và năng lực đến vấn đề về cơ sở pháp lý trong ứng dụng công nghệ vào giáo dục nói chung và giáo dục đặc biệt.

Trong hai phiên song song, các nội dung được đề cập liên quan đến các chủ đề chính bao gồm: AI trong Giáo dục, Phát triển năng lực số cho người học, Công nghệ số trong dạy và học, Ứng dụng công nghệ trong Giáo dục đặc biệt, Giải pháp số trong Giáo dục đặc biệt, Giáo dục đặc biệt trong thế giới số.

Các diễn giả cũng trình bày các nghiên cứu liên quan đến phần mềm, công nghệ số, ứng dụng trong dạy và học ở các cấp bậc học từ phổ thông đến học, trong giáo dục nói chung trong mảng giáo dục đặc biệt nói riêng.

Báo Giáo dục và Thời đại kỷ niệm 65 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Sáng 2/12, tại Hà Nội, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (5/12/1959-5/12/2024). Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự buổi lễ.

Nhìn lại hành trình 65 năm qua - từ năm 1959, Báo Người giáo viên nhân dân ra mắt bạn đọc số báo đầu tiên - và đây là tiền thân của Báo Giáo dục và Thời đại ngày nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Từ khi ra đời đến nay, Báo Giáo dục và Thời đại là cơ quan ngôn luận của ngành Giáo dục và là diễn đàn cho toàn xã hội về các vấn đề giáo dục và đào tạo.

Báo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền nhiều nhiệm vụ và hoạt động lớn của ngành, kết nối thông suốt giữa ngành Giáo dục với dư luận, xã hội, góp phần quan trọng vào nhiều kết quả và thành tựu mà ngành đã đạt được, đồng thời góp phần tạo dựng niềm tin của xã hội đối với ngành, động viên khích lệ các nhà giáo, cơ sở giáo dục và học sinh sinh viên.

bao-gdtd.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Cờ thi đua của Chính phủ cho lãnh đạo Báo Giáo dục và Thời đại.

Đặc biệt, trong giai đoạn ngành Giáo dục tập trung triển khai và thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Báo đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành Giáo dục trong thông tin, tuyên truyền, thúc đẩy hoạt động đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Cho đến nay, Giáo dục và Thời đại là tờ báo có sự đa dạng về số lượng ấn phẩm. Những năm 90 của thế kỷ XX, ngoài ấn phẩm chính, các phụ san của Báo đã trở nên quen thuộc với đông đảo các nhà giáo, học sinh, sinh viên cả nước trong nhiều năm liền.

Nhiều sự kiện, chương trình thường niên đã gắn với tên tuổi và uy tín của Báo như: Chương trình Thay lời tri ân đều đặn lên sóng truyền hình trực tiếp mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”; Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”; Chương trình gặp mặt, tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và KHKT quốc tế hàng năm,…

Quy mô của Báo cũng ngày càng phát triển với cơ quan thường trú, văn phòng liên lạc, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú có mặt tại nhiều địa phương trên cả nước. Điều này đảm bảo khả năng ghi nhận, bao quát các vấn đề giáo dục khắp các tỉnh, thành. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Báo còn là một kênh kết nối các nguồn lực xã hội để triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, từ thiện và phát triển cộng đồng có ý nghĩa giáo dục.

bao-gdtd1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Bằng khen cho Báo Giáo dục và Thời đại.

Bộ trưởng chỉ ra những thuận lợi, thách thức của Báo Giáo dục và Thời đại trong bối cảnh hiện nay và cho rằng, Báo cần phải thực hiện thật tốt sứ mệnh truyền đạt thông tin, minh bạch hóa và đại chúng hóa các thông tin chính sách, định hướng và dẫn dắt thông tin của ngành Giáo dục với nguồn thông tin tin cậy, đa dạng, đầy đủ, dễ tiếp cận và dễ hiểu đối với những người trong hệ thống giáo dục, những người quan tâm đến giáo dục và những người có liên quan.

Là tờ báo ngành, Báo Giáo dục và Thời đại phải là người trong cuộc, người kể câu chuyện giáo dục từ bên trong bằng sự thấu hiểu chính sách giáo dục, nắm bắt, thậm chí định hướng chính sách từ mong muốn của người dạy, người học, phụ huynh, xã hội. Báo là một phần của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của ngành. Ngành Giáo dục đang đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, Báo cũng phải càng đi đầu trong sự sáng tạo; ngành Giáo dục, nhà giáo tiêu biểu cho sự mẫu mực, khuôn mẫu thì Báo cũng tiêu biểu cho sự mô phạm, mẫu mực và chính thống.

Xu thế phát triển của báo chí, truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay cũng đòi hỏi Báo Giáo dục và Thời đại nhiều hơn sự tìm tòi, sáng tạo, đổi mới từ tư duy làm báo, sản phẩm báo chí, công nghệ truyền thông để không đi vào lối mòn, không trở thành kênh thông tin đơn giản, thiếu tính hấp dẫn, thiếu sức cạnh tranh.

tang-1.jpg
Tập thể Công đoàn Báo được tặng Cờ thi đua của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Trong giai đoạn trước mắt, Báo Giáo dục và Thời đại phải cùng toàn ngành tiếp tục triển khai, thực hiện các chủ trương và nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, tiêu biểu là triển khai các nội dung Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ngoài ra, bên cạnh tính báo chí, tính thông tin, truyền thông cho lĩnh vực giáo dục, Báo cần đặc biệt lưu ý đến hoạt động thông tin, tuyên truyền hỗ trợ nhà giáo trong chuyên môn, nghiệp vụ thông qua việc tăng cường các chuyên mục mang tính hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cho giáo viên.

Nhân dịp này, Báo Giáo dục và Thời đại vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; tập thể Công đoàn Báo được tặng Cờ thi đua của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Hai cá nhân của Báo được nhận Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam gồm: Ông Triệu Ngọc Lâm, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập; ông Nguyễn Anh Tú - Phó trưởng đại diện CQ thường trú Báo Giáo dục và Thời đại tại TP. Hồ Chí Minh.

z60892649515185c8876793562d1716f9a87c128ac7e79.jpg
Lãnh đạo Báo Giáo dục và Thời đại tặng hoa tri ân nguyên lãnh đạo Báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ