Tổng Bí thư gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo vắn tắt về ngành GD-ĐT, về việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; báo cáo về thực trạng đội ngũ nhà giáo, đồng thời chia sẻ, gửi gắm những lời tâm huyết đến đội ngũ và học sinh, sinh viên nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng bày tỏ trông mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội đã quan tâm lớn, thì cần quan tâm lớn hơn nữa, để quốc sách hàng đầu thực sự là hàng đầu trong các quốc sách. Cần quan tâm thiết thực hơn, kịp thời hơn nữa để đột phá chiến lược thực sự là đột phá, là phá tan đi những rào cản cho sự phát triển giáo dục, để nền giáo dục không còn là nền giáo dục lúc nào cũng bền vững trong sự vượt khó, vượt nghèo, lúc nào cũng dạy tốt học tốt trong mọi hoàn cảnh khó khăn.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một người đã từng là học trò, phụ huynh, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước, những người đã và đang gánh vác trọng trách “trồng người” cao cả nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Theo Tổng Bí thư, trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc; luôn luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, xác định là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác.
Chỉ ra những kết quả tích cực của GD-ĐT, cùng với hạn chế, khó khăn, Tổng Bí thư gợi mở 3 vấn đề:
Thứ nhất, phải tập trung thực hiện bằng được “hoàn thành sự nghiệp đổi mới GD-ĐT, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng”.
Tổng Bí thư nêu 4 nội dung cụ thể: Một là, hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách, song từ những bài học còn nguyên giá trị từ phong trào bình dân học vụ, củng cố niềm tin vững chắc chúng ta sẽ thành công khi có mục tiêu trong sáng, chính sách thông minh và cách làm sáng tạo.
Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ GD&ĐT sớm nghiên cứu thấu đáo phong trào bình dân học vụ, trên cơ sở những bài học còn nguyên giá trị và thực tiễn hiện nay, đề xuất Bộ Chính trị vấn đề này.
Hai là, ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu đó là tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.
Ba là, bám sát quan điểm, mục tiêu phát triển đất nước (chúng ta xác định phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh).
Bốn là, phấn đấu tăng hạng giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế, cụ thể đến năm 2030, Việt Nam trong 3 nước đứng đầu ASEAN về số lượng các công bố quốc tế và chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học; có trường đại học lọt top 100 trường hàng đầu trên thế giới.
Thứ hai, Tổng Bí thư gợi ý một số công việc cần làm ngay: Có giải pháp xoá hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”. Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, miền núi; kiên cố hóa trường, lớp học, gắn với bảo đảm nơi ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết mà Đảng đã đề ra. Có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo. Dựa vào dân, huy động sức dân, tổ chức nhân dân cùng làm giáo dục với chi phí thấp nhất và hiệu quả tối đa.
Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Quốc hội thảo luận về Luật Nhà giáo
Sáng 20/11, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.
Trong mối quan tâm chung nhằm thể chế hóa, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật. Tại phiên thảo luận tổ cũng đã có 90 lượt ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội.
Tại phiên họp, nhiều Đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã rất nghiêm túc, trách nhiệm, dành nhiều thời gian để tổ chức các hội nghị, hội thảo, cầu thị lắng nghe, tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần để hoàn thiện Luật Nhà giáo; khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo.
Bày tỏ cảm ơn với các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, với các quan điểm ủng hộ, tán thành cao, thống nhất rất cao đã được trao đổi, có thể cảm nhận sự đồng tình của các đại biểu; đó không chỉ là sự ủng hộ với dự thảo Luật Nhà giáo, mà còn là sự thể hiện trách nhiệm với ngành Giáo dục và với đất nước.
Với phần lớn các ý kiến của đại biểu góp ý vào các nội dung cụ thể, quy định chi tiết, Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu từng ý kiến để đưa vào Luật nhưng phần lớn sẽ đưa sang các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
Nhấn mạnh tiếp thu tối đa các ý kiến, bao gồm 90 ý kiến thảo luận tại tổ và 36 ý kiến thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng khẳng định, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng một phần vì khó khăn của nhà giáo nhưng lý do chính yếu cần xây dựng và ban hành Luật là để phát triển đội ngũ nhà giáo.
Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
Tuần qua, nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam tiếp tục được tổ chức, như: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam; gặp gỡ, chúc mừng các nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT…
Chiều 20/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc gặp. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, các Phó Chủ tịch Quốc hội và hơn 100 đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Thay mặt toàn ngành Giáo dục, các nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trân trọng gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi gặp mặt thân tình, ấm áp.
Dịp này, Bộ trưởng cũng chia sẻ một số kết quả đạt được của ngành GD-ĐT; những công việc ngành đang chú trọng triển khai thực hiện; một số khó khăn phải đối mặt…
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội gửi lời chúc mừng đến các thầy, cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc và khẳng định: Vị trí, vai trò của người thầy đã được khẳng định chắc chắn trong đời sống xã hội nói chung và trong chính cuộc đời mỗi người nói riêng.
Tự hào về những đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ trăn trở, suy tư về việc thể chế hoá một số chủ trương của Đảng về nhà giáo chậm được ban hành; hệ thống pháp luật có liên quan tới nhà giáo còn rườm rà, phức tạp.
Chính sách chăm lo, phát triển cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên công tác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn nhiều bất cập. Cơ cấu, số lượng đội ngũ nhà giáo chưa hợp lý, chất lượng chưa đồng đều. Tình trạng, thừa thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều nơi, chưa được giải quyết căn cơ. Tình trạng giáo viên xin nghỉ việc có xu hướng tăng.
Ngoài ra, các điều kiện bảo đảm cho nhà giáo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn hạn chế. Đến nay tỷ lệ phòng học chưa kiên cố hoá còn cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, nhất là ở khu vực miền núi, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Bộ GD&ĐT, các cơ quan có liên quan, các địa phương tập trung xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo với chất lượng cao nhất, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng; có chính sách đặc thù, vượt trội để tôn vinh, bảo vệ nhà giáo; tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc, khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp, phát triển chuyên môn nghiệp vụ; bảo đảm đời sống để nhà giáo yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghề.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nhà giáo; chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, công bằng.