Nóng trong tuần: Chuỗi hoạt động tri ân nhà giáo

GD&TĐ - Chuỗi hoạt động tri ân nhà giáo dịp 20/11; kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD-ĐT Thủ đô... là thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các nhà giáo tiêu biểu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các nhà giáo tiêu biểu.

Chuỗi các hoạt động nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Tuần qua, chuỗi các hoạt động ý nghĩa nhằm hướng đến kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức ở cả Trung ương và địa phương.

Trong đó nổi bật là cuộc gặp mặt, động viên các nhà giáo tiêu biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 15/11 tại trụ sở Chính phủ. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Thị Kim Chi; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

60 nhà giáo được tiếp kiến Thủ tướng thuộc 251 cô giáo, thầy giáo tiêu biểu được vinh danh năm 2024. Đây là các cô giáo, thầy giáo đại diện cho hơn 1,6 triệu nhà giáo thuộc các cấp học khác nhau, đến từ nhiều vùng, miền của đất nước.

nha-giao-1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng quà chúc mừng thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, giáo dục luôn là trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp nền văn hiến, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong công cuộc đổi mới, ngành Giáo dục đã không ngừng phát triển, đổi mới về tư duy, nhận thức và phương thức; cả quy mô và chất lượng dạy-học, đóng góp to lớn cho tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước.

Đặc biệt, triển khai các nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 29-NQ/TW, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

“Những trang vàng của giáo dục, đào tạo là của biết bao thế hệ nhà giáo viết nên” - Thủ tướng nhìn nhận và biểu dương những nỗ lực vươn lên, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để tự khẳng định mình của ngành Giáo dục.

nha-giao-3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt.

Thủ tướng nhấn mạnh, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng; giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu; sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà phải quyết liệt đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa, phải được xây dựng thực sự chất lượng và sáng tạo, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, để giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang nêu trên, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng".

Trong đó, tiếp tục quan tâm, chăm lo, hỗ trợ để ngành Giáo dục thực hiện có chất lượng ngày càng tốt tất cả các nhiệm vụ chiến lược đã được tổng kết, đúc rút từ thực tiễn và được đưa ra trong Kết luận số 91-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

nha-giao-2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng hoa chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan của Quốc hội; cầu thị, lắng nghe ý kiến của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Luật Nhà giáo, tạo sự đột phá về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật Giáo dục ra đời phải khiến cho giáo viên thật sự phấn khởi, được tôn vinh và tạo điều kiện để cống hiến.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại... Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thực hiện đúng tinh thần: "Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên" và hợp lý.

nha-giao-4.jpg
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo.

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2024.

Gửi lời chào mừng, chúc mừng 21 Nhà giáo nhân dân, 65 Nhà giáo ưu tú và 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 1,6 triệu nhà giáo có mặt tại buổi lễ, Bộ trưởng khẳng định: Qua bề dày lịch sử lâu dài, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu quan trọng, ý nghĩa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Có được những kết quả lớn và quý báu như trên, phải kể tới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan, sự vào cuộc tích cực của địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội, người dân, các vị phụ huynh,…; nhưng trong đó nhất định phải kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của các nhà giáo. Những nhà giáo giỏi, tâm huyết, tiêu biểu, và đặc biệt là những nhà giáo ưu tú có vai trò hạt nhân, đầu tầu và sức lan tỏa lớn.

nha-giao-5.jpg
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.

Có mặt tại sự kiện hôm nay gồm những Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, những nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu của ngành, cũng tức là những người đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong đổi mới và phát triển giáo dục.

Bộ trưởng bày tỏ sự ghi nhận, sự đánh giá rất cao đối với sự đóng góp của các cô các thầy cho ngành Giáo dục, cho sự nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo của đất nước trong suốt thời gian qua. Đồng thời mong mỏi các thầy các cô tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng của mình, lan tỏa tới đồng nghiệp, tới học trò, tới xã hội; tinh thần làm thế nào mà mình đã trở nên ưu tú, góp phần ngày càng tăng thêm những người ưu tú trong ngành và sự ưu tú gia tăng thêm, đặc biệt hơn, sẽ lan tỏa mãi mãi.

nha-giao-6.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.

Trong thời gian tới, sẽ còn nhiều thách thức mà ngành Giáo dục sẽ phải đối mặt để vượt qua và thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn. Sau một quá trình thực hiện đổi mới thành công bước đầu với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, đã tới lúc phải tập trung đổi mới, nâng chất lượng giáo dục mầm non.

Để thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn đó, toàn ngành Giáo dục phải rất quyết tâm và cần hội đủ nhiều điều kiện cần thiết. Trong đó, yếu tố con người, mà tiêu biểu là các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng.

Các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu sẽ là những hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo của bản thân, đồng thời chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng những điều tốt đẹp tới cộng đồng các nhà giáo.

Các danh hiệu là sự ghi nhận, sự tôn vinh cho cái đã qua, bề dày sự thể hiện và đóng góp của các cô, các thầy, đồng thời cũng là những kỳ vọng, trông đợi các cô, các thầy tiếp tục tỏa sáng, tham gia góp sức vào sự nghiệp phát triển giáo dục.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đã phát động Đợt thi đua đặc biệt đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VIII.

nha-giao-7.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho các nhà giáo tiêu biểu.

Trước đó, ngày 14/11, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long tổ chức gặp mặt các nhà giáo tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và nhà giáo tiêu biểu cấp trung ương lần thứ IV, năm 2024.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 60 thầy, cô giáo tiêu biểu trên toàn quốc.

Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD-ĐT Thủ đô

Sáng 12/11, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD-ĐT Thủ đô, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt Lãnh đạo ngành GD-ĐT gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới giáo dục Thủ đô Hà Nội bởi những kết quả và thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển thành công của đất nước, của Thủ đô và của ngành Giáo dục nói chung.

thu-do.jpg
Ngành Giáo dục Thủ đô đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước.

Bộ trưởng nhận định, trải qua 70 năm phát triển, ngành GD-ĐT Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh của mình với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước. Ngành GD-ĐT Thủ đô luôn là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của toàn ngành.

Đặc biệt, từ năm 2008, TP Hà Nội có những mở rộng địa giới, tuy gặp nhiều thách thức của quá trình điều chỉnh, song chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì và nâng cao, kỷ cương nền nếp được tăng cường. Giáo dục Hà Nội đã kết hợp tinh hoa của Thủ đô với giáo dục Xứ Đoài giàu truyền thống.

Với vai trò của nền giáo dục Thủ đô, ngành GD-ĐT Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, phát huy năng lực chủ động tích cực, đổi mới sáng tạo của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, hoàn thành xuất sắc những yêu cầu phát triển của Thủ đô.

thu-do-1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ.

Bên cạnh kết quả đạt được, những thuận lợi, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số thách thức giáo dục Thủ đô phải đối mặt; từ đó đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục tham mưu lãnh đạo Thành phố tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức để tiếp tục phát triển bền vững.

Một trong những mong muốn của Bộ trưởng với giáo dục Thủ đô được gửi gắm là: nền giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch. Trong đó, trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch. Ở đó, trường học phải là nơi người học được đảm bảo an toàn, không có bạo lực học đường, không có nói tục chửi bậy, không có ép buộc học thêm. Ở đó, tệ nạn bị tránh xa và ở đó hiện hữu một môi trường học đường văn hóa tiêu biểu. Quan trọng nhất, ở đó, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm.

Muốn có hệ thống giáo dục thanh lịch, cần triển khai tốt văn hóa giáo dục và giáo dục văn hóa. Sự thanh lịch của giáo dục hoàn toàn có thể dựng xây trên nền những thành quả tốt đẹp mà chúng ta đã và đang có.

thu-do-3.jpg
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cho các nhà giáo Thủ đô.

Bộ trưởng đồng thời lưu ý, giáo dục Thủ đô cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết như: Giảm khoảng cách chênh lệch trong chất lượng giáo dục giữa các khu vực, các trường; giảm khoảng cách giữa kết quả giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà để học sinh ở khu vực nào, trường nào, lớp nào cũng được tiếp cận môi trường giáo dục và chất lượng giáo dục tốt nhất.

Giáo dục Thủ đô cũng cần giải quyết tốt hơn các mối quan hệ nhà trường và xã hội, nhà trường và địa phương, thầy cô và phụ huynh,... để tạo lập một môi trường giáo dục có lề lối ngay ngắn; ở đó chất lượng giáo dục được đảm bảo, sự tôn nghiêm của nghề giáo được xem trọng, thầy tiêu biểu, trò tiêu biểu. Chỉ có bằng một nền giáo dục thanh lịch, hướng tới chuẩn quốc tế, chúng ta mới có thể tạo dựng được những con người Thủ đô văn minh thanh lịch trong thời đại mới.

Đứng trước giai đoạn phát triển mới, ngành Giáo dục Hà Nội cần phát huy tốt nhất những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa phương pháp giảng dạy và công tác quản lý để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện.

ggiai-dac-biet.jpg
Ông Lê Hải Bình - Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản và ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao giải Đặc biệt

Trao giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024

Sáng 16/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024. Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.

Báo cáo tổng kết Giải tại buổi lễ, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết, năm 2024 - năm thứ 7 tổ chức, Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi ở 4 loại hình: báo giấy, báo điện tử, phát thanh và truyền hình.

Sau thời gian làm việc nghiêm túc, công tâm, Ban Giám khảo đã lựa chọn từ hơn 800 tác phẩm dự thi 81 tác phẩm vào chung khảo. Từ đó tiếp tục lựa chọn ra 59 tác phẩm xuất sắc nhất của 4 loại hình để trao giải; bao gồm 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 32 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu.

sep-lam.jpg
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại phát biểu tại lễ trao giải.

Chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay được nhận định khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo viên và bám sát vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành; ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành Giáo dục; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học. Nhiều tác phẩm lan tỏa câu chuyện đẹp của ngành Giáo dục; trong đó có các thầy, cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện “gieo chữ” ở những nơi xa xôi của Tổ quốc.

Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam là dịp ghi nhận những đóng góp to lớn của báo chí trong việc lan tỏa giá trị tốt đẹp của giáo dục, phản ánh chân thực những thách thức và thành tựu của ngành; đồng thời cũng là lời tri ân sâu sắc gửi tới các nhà báo, phóng viên - những người đã luôn đồng hành, chia sẻ và góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển.

giai-nhat.jpg
Ông Nguyễn Lam - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương và ông Mark Wheaton - Đại diện Ban Giám hiệu Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam trao giải Nhất.

Giải báo chí năm nay ghi nhận nhiều dấu ấn mới. Số lượng và chất lượng các tác phẩm thuộc mọi loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình đều tăng. Đặc biệt, sự xuất hiện của các hình thức như Mega Story, Emagazine, Podcast mang đến sự mới mẻ và hiện đại trong cách truyền tải nội dung.

Những vấn đề thời sự như chính sách nhà giáo, chuyển đổi số trong giáo dục, văn hóa học đường, hay an toàn trường học… đã được các tác giả phản ánh một cách toàn diện và sâu sắc. Điều này cho thấy báo chí không chỉ đóng vai trò là người đồng hành, mà còn là cầu nối quan trọng giúp ngành Giáo dục nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ xã hội; đồng thời là kênh phản biện quan trọng để xây dựng chính sách phù hợp hơn với thực tiễn.

“Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi xin trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên đã dành tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện qua những tác phẩm báo chí giá trị. Sự đồng hành và cống hiến của quý vị và các bạn là nguồn động lực lớn lao giúp ngành giáo dục không ngừng tiến bước. Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục không chỉ là dịp vinh danh mà còn là lời kêu gọi tiếp tục chung tay xây dựng một nền giáo dục đổi mới và phát triển”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ.

Nhân dịp này, Thứ trưởng chính thức phát động Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2025, và mong rằng Giải sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự tham gia của các cơ quan thông tấn báo chí, các phóng viên, nhà báo; từ đó có thêm nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về giáo dục. Thứ trưởng đồng thời đề nghị Ban Tổ chức giải tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới để việc tổ chức giải thưởng ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng, uy tín.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.