Nóng trong tuần: Ngành Giáo dục nỗ lực, khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão lũ

GD&TĐ - Nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão lũ để nhanh chóng ổn định hoạt động dạy học là hoạt động giáo dục nổi bật nhất trong tuần qua.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi thăm học sinh thôn Làng Nủ bị thương đang điều trị tại Bệnh viện huyện Bảo Yên.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi thăm học sinh thôn Làng Nủ bị thương đang điều trị tại Bệnh viện huyện Bảo Yên.

Điều chỉnh kế hoạch dạy học và khắc phục hậu quả sau bão lũ

Cơn bão Yagi và hoàn lưu sau bão đã để lại thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh/thành phố phía Bắc, trong đó có ngành Giáo dục. Hàng vạn trường học bị hư hại, hàng triệu học sinh chưa thể đến trường vì bão lũ.

Tuần qua, ngành Giáo dục, các thầy cô giáo dồn sức khắc phục hậu quả với tinh thần lũ rút đến đâu dọn dẹp đến đó… Kế hoạch dạy học được điều chỉnh; nhiều trường phổ thông, đại học cho học sinh nghỉ hoặc học trực tuyến để bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên giảng viên, sinh viên, học sinh.

Trong tuần, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã đến thăm hỏi, động viên ngành Giáo dục một số địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ.

a4-thu-truong-nguyen-thi-kim-chi-chia-se-mat-mat-voi-co-giao-truong-mam-non-so-1-phuc-khanh-thon-lang-nu.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chia sẻ mất mát với cô giáo Trường Mầm non Phúc Khánh - nơi có hàng chục trẻ mầm non thôn Làng Nủ thiệt mạng.

Sáng 14/9, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã thăm hỏi, động viên ngành Giáo dục tỉnh Lào Cai - địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3.

Bà Dương Bích Nguyệt - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Lào Cai cho biết: Tính đến ngày 13/9, có 35 em học sinh của tỉnh thiệt mạng và mất tích, 15 em học sinh bị thương do bão lũ.

Số nhân viên, giáo viên toàn ngành giáo dục Lào Cai bị ảnh hưởng do bão số 3 cần được hỗ trợ là trên 600 hộ gia đình. Riêng huyện Bảo Yên có 410 gia đình, có 3 giáo viên thuộc Phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa bị thương tích phải nhập viện.

Các lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai, huyện Bảo Yên và lực lượng sinh viên tình nguyện đang tích cực cùng các trường học dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão số 3 để sớm ổn định việc học tập.

Tuy nhiên, do học sinh, giáo viên chịu ảnh hưởng nặng nề, trường học khó khăn, giao thông chia cắt giữa các khu vực nên dự kiến mới có 30 trường học của huyện Bảo Yên cho học sinh đi học trở lại từ đầu tuần sau (ngày 16/9), 43 đơn vị trường học còn lại dự kiến sẽ tổ chức học tập cho học sinh từ ngày 23/9.

Tại tỉnh Lào Cai, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã trao hỗ trợ cho ngành Giáo dục tỉnh Lào Cai số tiền 1 tỷ đồng. Hỗ trợ cho gia đình học sinh thiệt mạng và mất tích mỗi trường hợp 10 triệu đồng, học sinh bị thương mỗi em 2 triệu đồng, học sinh bị thương và mất người thân hỗ trợ 5 triệu đồng, giáo viên bị thương hỗ trợ 5 triệu đồng.

Dịp này, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà và một số tổ chức cũng đã có những hỗ trợ cho ngành Giáo dục Lào Cai và một số trường học trên địa bàn tỉnh.

TT nguyen thi kim chi.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi thăm và chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Yên Bái.

Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cùng đoàn công tác đã tới thăm hỏi, động viên ngành Giáo dục Yên Bái.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết: Đến thời điểm này, tỉnh Yên Bái đã huy động 104 nghìn người để khắc phục hậu quả bão lũ; các địa phương không bị ảnh hưởng lớn huy động lực lượng tới hỗ trợ các địa phương bị hậu quả nặng nề.

Đối với ngành GD&ĐT, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 56,5 tỷ đồng. Có 343 gia đình cán bộ, giáo viên và nhân viên bị sạt lở, gần 1.400 hộ bị ngập úng, 49 nhà bị sập hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng. Có 2 giáo viên thuộc thành phố Yên Bái thiệt mạng do sạt lở đất; 8 học sinh thiệt mạng do sạt lở, ngập lụt; gần 23 nghìn học sinh bị mất/hỏng sách giáo khoa, đồ dùng học tập khoảng 11,5 tỷ đồng.

Đến ngày 13/9, toàn tỉnh có 152 cơ sở giáo dục đã tổ chức cho học sinh trở lại trường; riêng thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên, Trấn Yên chưa cho học sinh quay lại.

Tỉnh đã chỉ đạo thành phố tập trung lực lượng giúp các trường khắc phục hậu quả bão lũ để sớm đưa học sinh trở lại trường; chậm nhất đến 18/9 các cơ sở giáo dục sẽ đưa học sinh trở lại trường.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đã gửi lời chia sẻ, chia buồn sâu sắc với các nạn nhân Yên Bái trong cơn lũ vừa qua, đặc biệt là với những gia đình giáo viên và học sinh có những tổn thất nặng nề.

Nhân dịp này, Bộ GD&ĐT hỗ trợ trực tiếp cho ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái 1 tỷ đồng để hỗ trợ cho giáo viên và học sinh bị thiệt hại do bão lũ. Công ty cổ phần văn phòng phẩm Hồng Hà hỗ trợ 15 nghìn bộ đồ dùng học tập (trị giá 450 triệu đồng); Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hỗ trợ 300 bộ sách giáo khoa cho học sinh vùng lũ Yên Bái.

thu-truong-6508.jpg
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao quà của Bộ GD&ĐT, Công đoàn GD Việt Nam cho ngành GD&ĐT tỉnh Cao Bằng khắc phục thiệt hại.

Chiều 14/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Ông Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: Cơn bão số 3 và mưa lũ đã khiến ngành giáo dục Cao Bằng thiệt hại nặng nề. Có 9 giáo viên và học sinh trên địa bàn thiệt mạng; 1 học sinh bị thương. Về cơ sở vật chất, đến nay có 40 cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng, chủ yếu là do sạt lở, nứt đổ, ngập nước và tốc mái.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của ngành Giáo dục để kịp thời khắc phục khó khăn do cơn bão số 3 gây ra.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị: Ngành GD&ĐT tỉnh Cao Bằng tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình của giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, kịp thời hỗ trợ để giáo viên, học sinh sớm trở lại trường học; có những giải pháp hỗ trợ, động viên, tư vấn tâm lý, tinh thần cho giáo viên, học sinh…

Nhân dịp này, Bộ GD&ĐT tặng 1 tỷ đồng hỗ trợ ngành Giáo dục Cao Bằng khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Công ty Cổ phần văn phòng phẩm Hồng Hà tặng 15.000 bộ đồ dùng học tập với trị giá 450 triệu đồng, đồng thời tài trợ trợ toàn bộ đồ dùng học tập cho các em học sinh bị mất cả cha, mẹ do cơn bão số 3 đến năm lớp 12.

Sáng 15/9, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cùng đoàn công tác đã làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Lạng Sơn.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Lạng Sơn, hiện toàn tỉnh có 78 trường học các cấp bị ngập úng, đến thời điểm này nước đã rút; 118/650 trường học bị ảnh hưởng, thiệt hại về cơ sở vật chất ước tính 3,2 tỷ đồng; 158 học sinh và 38 giáo viên bị ảnh hưởng sau bão lũ. Tính đến ngày 14/9, 650/650 trường trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng để quay trở lại học bình thường.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương; sự nỗ lực, huy động nguồn lực khắc phục của ngành Giáo dục, và đặc biệt là các trường học với tinh thần không chủ quan, linh hoạt trong tổ chức hoạt động dạy và học, theo đúng tinh thần “nước rút đến đâu, vệ sinh kịp thời, đưa học sinh trở lại trường lúc đấy”.

Thay mặt Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã trao hỗ trợ cho ngành Giáo dục Lạng Sơn số tiền 1 tỷ đồng.

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trao tặng cho ngành Giáo dục tỉnh Lạng Sơn 300 bộ sách giáo khoa. Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà trao tặng 15.000 bộ đồ dùng học tập; hỗ trợ khắc phục thiệt hại của 23 thư viện trường học bị ảnh hưởng sau bão.

thu-truong-hoang-minh-son-tai-tuyen-quang-4.jpg
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao hỗ trợ cho Sở GD&ĐT Tuyên Quang.

Chiều 14/9, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cùng đoàn công tác Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đến thăm và làm việc với ngành Giáo dục Tuyên Quang.

Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang Vũ Đình Hưng cho biết: Toàn tỉnh có 456/456 trường học với 223.136 học sinh phải nghỉ học từ ngày 07-11/9 để phòng, chống ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3.

Do có sự chủ động trong công tác chỉ đạo và xây dựng các phương án phòng, chống bão, lũ nên thiệt hại đối với các nhà trường là không lớn. Đặc biệt là không có thiệt hại về người.

Từ ngày 13/9/2024, tỉnh có 292/456 trường cho học sinh đi học trở lại. Dự kiến từ ngày 16/9/2024, 455/456 trường cho học sinh đi học trở lại. Riêng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS, THPT Chiêm Hóa dự kiến cho học sinh đi học trở lại từ 23/9/2024 để sửa chữa, khắc phục hệ thống điện, nước, nhà bếp và kí túc xá của học sinh do bị ngập sâu dài ngày.

Tại tỉnh Tuyên Quang, đoàn công tác Bộ GDĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đến thăm, trao hỗ trợ cho Sở GD&ĐT cùng Trường Mầm non Phan Thiết, Trường THCS Phan Thiết, Trường THPT Ỷ La, thành phố Tuyên Quang chịu ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3.

4fsfad.jpg
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao hỗ trợ cho ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên.

Ngày 14/9, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đến thăm và làm việc với tỉnh Thái Nguyên về khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên Phạm Việt Đức thông tin: Tính đến 13/9, toàn tỉnh có 2 học sinh thiệt mạng, 93 trường bị thiệt hại do bão số 3 gây ra với ước tính thiệt hại khoảng hơn 23 tỷ đồng. Trong đó có 116 phòng học, 14 phòng chức năng, 2 nhà ở nội trú, 6 nhà ăn, 6 nhà bếp ăn và 79 công trình phụ trợ khác.

Ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng liên quan chủ động kiểm tra tình hình thiệt hại, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ để khắc phục hậu quả, đồng thời tuyên truyền tiếp tục thực hiện các biện pháp gia cố, chằng chống các tài sản, cơ sở vật chất khác… để ứng phó với mưa, lũ sau bão và đảm bảo an toàn khi thiên tai tiếp tục xảy ra.

Chia sẻ với những khó khăn, tổn thất, đồng thời đánh giá cao công tác khắc phục khẩn trương, kịp thời thiệt hại do cơn bão số 3, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục rà soát, phối hợp, hỗ trợ, khắc phục những thiệt hại do cơn bão, mưa lũ gây ra. Đặc biệt phải rà soát về cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn, đầy đủ trang thiết bị trước khi đón học sinh trở lại trường.

Tại Thái Nguyên, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã trao hỗ trợ cho ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên, các nhà trường chịu thiệt hại và gia đình có học sinh thiệt mạng do bão số 3.

khai-giang-hv-quoc-phong-8404.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ khai giảng tại Học viện Quốc phòng. Ảnh: Tuấn Huy.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ khai giảng tại Học viện Quốc phòng

Sáng 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Học viện Quốc phòng.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang; Phó chánh văn phòng Thường trực, Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương…

Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng Quân đội tinh, gọn, mạnh, đến năm 2030 chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Học viện quán triệt, thực hiện có hiệu quả chủ trương, quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo gắn với bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang thời kỳ mới.

Trong đó, Học viện phải thể hiện rõ nét là đơn vị đi đầu thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về đổi mới giáo dục, đào tạo và quân sự, quốc phòng, an ninh; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện - đào tạo, quản trị nhà trường theo hướng khoa học, hiện đại.

Nội dung huấn luyện - đào tạo phải sát với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước, sự phát triển của Quân đội; sâu sắc về lý luận, phong phú về thực tiễn, cập nhật, bổ sung kiến thức lý luận, thông tin mới về khoa học quân sự hiện đại, nhất là lý luận và thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phù hợp với đối tượng tác chiến và thực tiễn các phương thức tiến hành chiến tranh trên thế giới hiện nay.

Đồng thời chú trọng chuyển đổi số, quản lý, khai thác dữ liệu lớn, phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, sáng tạo, thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, xây dựng học viện số, học viện thông minh. Phấn đấu xây dựng Học viện trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự hàng đầu khu vực...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Học viện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ cao cấp; đầu tư xây dựng Học viện Quốc phòng trở thành trung tâm huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học quốc phòng, quân sự hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.

dsc9430.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Sớm hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm

Ngày 13/9, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Thời gian qua, Ban soạn thảo đã thực hiện công phu, nghiêm túc, khoa học, thực tiễn, thận trọng và đã trình qua các bước.

Việc xây dựng quy hoạch dựa trên sắp xếp không gian và chỉ số phát triển. Tuy nhiên, do đặc thù của giáo dục nên việc sắp xếp không gian chỉ là một trong những yếu tố, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số có nhiều thay đổi, do đó cần có góc nhìn ở thời kỳ chuyển đổi số để không cứng nhắc, dung hoà được các yếu tố.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng theo quan điểm quy hoạch, sắp xếp, nhấn mạnh gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu của người học - ở đâu có việc làm và sẽ có nhiều việc làm, về lĩnh vực nào thì quy hoạch phát triển đại học, lĩnh vực đào tạo ở đó. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, quan điểm là "mở rộng, di dời" chứ không chỉ "di dời".

Tại phiên họp, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, cho ý kiến một số vấn đề như: Quy mô, cơ cấu trình độ và lĩnh vực đào tạo, công tư; về định hướng phát triển đào tạo tiến sĩ gắn với các trường đại học định hướng nghiên cứu và tại các trung tâm về giáo dục đại học...

Ghi nhận các ý kiến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện quy hoạch. Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là quy hoạch khó, có tác động rộng. Do đó, nhiệm vụ xây dựng quy hoạch là đáp ứng yêu cầu quy định của luật, nghị định và yêu cầu thực tiễn.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin: Ban soạn thảo nhận được đa chiều ý kiến góp ý; tuy nhiên các ý kiến đều thống nhất đánh giá quy hoạch được thực hiện công phu, khoa học, xuất phát từ các phân tích thực tiễn, có tính bao quát. Về một số nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau, Bộ trưởng lưu ý, Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu và giải trình.

bo-truong-nguyen-kim-son-ung-ho-dong-bao-thiet-hai-bao-so-3.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Chiều 11/9, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kêu gọi toàn ngành Giáo dục, các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, học sinh, sinh viên, cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành hãy chung tay, góp sức bằng vật chất, tinh thần, bằng sự hỗ trợ, động viên, kết nối để cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ nói chung và với ngành Giáo dục các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nói riêng.

Tại lễ phát động, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành Giáo dục đã ủng hộ tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng. Hoạt động ủng hộ sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới thông qua kênh tiếp nhận là Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ