Nóng trong tuần: Khai giảng năm học mới; trường học căng mình chống bão

GD&TĐ - Ngay sau khai giảng năm học mới 2024-2025, các trường học đã phải căng mình phòng chống mưa bão, đặc biệt cơn bão số 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đến dự lễ khai giảng tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đến dự lễ khai giảng tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.

Cả nước khai giảng năm học mới

Sáng 5/9, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên cả nước đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học 2024-2025. Lễ khai giảng nhận được sự quan tâm, chung vui của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo địa phương. Dịp này, nhiều hoạt động ý nghĩa cũng được tổ chức, nổi bật là những hoạt động hướng đến học sinh, vì học sinh.

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có thư gửi ngành Giáo dục.

Sáng 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 tại Trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Cùng dự có Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng nhà trường, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, đặc biệt là học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Đồng thời, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng toàn ngành Giáo dục về sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm học vừa qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Năm học mới 2024 - 2025, Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức, ngành Giáo dục nói riêng và cả nước nói chung cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng".

Việc gì làm chưa tốt thì phải khẩn trương khắc phục để làm cho tốt; việc gì làm tốt rồi thì phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để làm tốt hơn nữa, đạt kết quả cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để năm học sau đạt kết quả tốt hơn năm học trước.

CT Quoc Hoi.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ khai giảng năm học 2024-2025 tại Trường THPT Phạm Hùng, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lâm Hiển

Trong không khí đón chào năm học mới 2024-2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ khai giảng với các thầy giáo, cô giáo và hơn 1.570 học sinh của Trường THPT Phạm Hùng (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Cùng dự có Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc.

Sáng 5/9, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác dự Lễ khai giảng năm học mới và khánh thành Trường Mầm non Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Cùng dự lễ có bà Phan Thị Kim Oanh - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Trung tướng Phạm Thế Tùng - Thứ trưởng Bộ Công an; bà Nguyễn Thị Kim Chi - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT…

Dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học và THCS Tuân Đạo (xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng đoàn công tác tặng máy tính và xe đạp cho học sinh.

Sáng 5/9, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự Lễ khai giảng tại Trường THCS Trừ Văn Thố, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cùng dự lễ khai giảng.

Ngày 4/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường THCS Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Thị Kim Chi.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh trống khai giảng năm học mới.

Không chỉ là hoạt động của ngành Giáo dục, lễ khai giảng còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo chính quyền địa phương. Nhiều tỉnh/thành, người đứng đầu địa phương đã đến dự khai giảng và có những chỉ đạo nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục, giúp các nhà trường, ngành Giáo dục địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới.

Đơn cử, tại Hà Nội Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đã dự và đánh trống khai giảng chung vui với thầy trò Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình).

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng dự khai giảng tại Trường THPT Chuyên Thái Nguyên.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An đã đến dự, tặng hoa chúc mừng và động viên một số nhà trường trên địa bàn TP Vĩnh Yên.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình dự khai giảng tại Trường THCS&THPT Võ Văn Kiệt (TP.Rạch Giá).

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu dự khai giảng tại trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (quận Cái Răng).

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng dự khai giảng tại Trường Phổ thông DTNT tỉnh Quảng Trị.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được dự khai giảng tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc dự và đánh trống khai giảng tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh dự khai giảng tại Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (TP Gia Nghĩa).

Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Lê Hồng Quang dự khai giảng tại Trường Phổ thông DTNT THCS Tri Tôn (huyện Tri Tôn).

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đánh trống khai giảng tại ngôi trường mang tên vị lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo (TP Bắc Ninh)…

Tại lễ khai giảng, nhiều nhà trường, tổ chức, cá nhân đã có những suất học bổng, phần quà ý nghĩa dành tặng học sinh nghèo, cũng như động viên khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc.

Nhiều hoạt động ý nghĩa, mang tính nhân văn cũng được các nhà trường tổ chức trong lễ khai giảng năm học mới.

linh-nam-1-3430.jpg
Giáo viên, nhân viên Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dọn dẹp cây gãy đổ, vệ sinh môi trường. Ảnh: Vân Anh.

Căng mình phòng chống bão số 3

Ngay sau khai giảng năm học 2024-2025, cùng với cả nước, ngành Giáo dục căng mình chống chọi với mưa bão, đặc biệt là cơn bão số 3.

Bộ trưởng GD&ĐT liên tiếp có 2 công điện về việc phòng chống cơn bão này. Trong đó yêu cầu căn cứ tình hình thực tế ở địa phương cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn; tuyệt đối không chủ quan với hoàn lưu sau bão.

Cơ sở giáo dục tổ chức học nội trú, bán trú cần có biện pháp bảo đảm an toàn và chuẩn bị lương thực, nước uống cho học sinh tại ký túc xá; không để các em về nhà trong khi mưa bão, mất an toàn,

Tiếp tục chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập, lên phương án bảo đảm an toàn các công trình trường học; di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại.

Lên phương án dọn vệ sinh trường lớp, có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đảm bảo sạch sẽ, an toàn khi học sinh trở lại trường học và có kế hoạch dạy bù trong thời gian học sinh nghỉ học. Sẵn sàng cho người dân vào tránh trú trong các cơ sở giáo dục có điều kiện cơ sở vật chất an toàn.

bao3-4365.jpg
Cổng trường THCS Nguyễn Bá Ngọc, quận Lê Chân chiều 8/9, sau bão số 3. Ảnh: Nguyễn Dịu.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Yagi), các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… có văn bản gửi cơ sở giáo dục về việc cho học sinh nghỉ học ngày 6-7/9 và không tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài trường trong ngày 8/9.

Các hoạt động phòng chống bão được ngành Giáo dục, cơ sở giáo dục triển khai nhanh chóng, nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại xảy ra. Nhiều thầy cô giáo đến trường phối hợp cùng các lực lượng tổ chức rà soát, chằng chống, gia cố lại hệ thống cửa sổ, tường bao của trường; di dời các vật dụng, trang thiết bị dạy học tại nơi có nguy cơ úng ngập lên khu vực cao hơn...

Các đơn vị trường học được trưng dụng làm điểm di dời người dân tránh trú bão an toàn sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, như chỗ ăn nghỉ; hỗ trợ, phục vụ người dân tận tình chu đáo.

Địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão tiếp tục cho học sinh nghỉ học trong ngày 9/9. Đơn cử, tại Hải Phòng, Sở GD&ĐT thông báo học sinh toàn thành phố tiếp tục nghỉ học ngày 9/9 cho đến khi có thông báo mới. Thời gian học sinh nghỉ học, các nhà trường tập trung khắc phục hậu quả sau bão; điều kiện an toàn giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường... chưa đảm bảo tại các đơn vị.

Sau bão, các nhà trường, địa phương ngay lập tức bắt tay khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn trường học, cố gắng tối đa để đưa học sinh trở lại trường học tập sớm nhất.

anh-3-65.jpg
Đội tuyển Olympic Tin học Quốc tế năm 2024: Em Hoàng Xuân Bách, Phạm Công Minh, Phạm Ngọc Trung, Nguyễn Hữu Tuấn.

Việt Nam trong nhóm 4 nước có kết quả cao nhất Olympic Tin học quốc tế 2024

Đêm 5/9 (giờ Việt Nam), Bộ GD&ĐT nhận được thông tin về kết quả chính thức của Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Tin học quốc tế (IOI) năm 2024. Theo đó, đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 4 học sinh dự thi, kết quả 4/4 học sinh đoạt Huy chương, gồm: 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng.

Tất cả huy chương đều thuộc về học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo đó, em Phạm Công Minh, học sinh lớp 12 và em Hoàng Xuân Bách, học sinh lớp 11 giành Huy chương Vàng.

Em Nguyễn Hữu Tuấn, học sinh lớp 10 giành Huy chương Bạc; em Phạm Ngọc Trung, học sinh lớp 12 giành Huy chương Đồng.

Kỳ thi IOI lần thứ 36 được tổ chức trực tiếp từ ngày 1/9 đến ngày 6/9/2024 tại thành phố Alexandria, Ai Cập. Kỳ thi IOI 2024 với sự tham gia trực tiếp của 353 thí sinh đến từ 91 quốc gia và vùng lãnh thổ thổ (ngoài ra Nga, Belarus và Úc thi dưới lá cờ Olympic) và 9 thí sinh thi online thuộc đoàn Isarael, Iran và Đức.

Với kết quả 100% thí sinh đoạt Huy chương, Đội tuyển IOI quốc gia Việt Nam đứng trong nhóm 4 nước và vùng lãnh thổ đạt kết quả cao nhất theo bảng tổng sắp Huy chương, sau các nước Mỹ, Nhật Bản và Ba Lan (theo kết quả công bố trên website của Ban Tổ chức IOI 2024, không xếp hạng đội tuyển IOI Nga, Isarel).

Năm 2023, Đội tuyển IOI Việt Nam nằm trong nhóm 9 nước có kết quả cao nhất theo bảng tổng sắp Huy chương với 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.

Ban Tổ chức IOI 2024 tổ chức lễ bế mạc và trao giải vào thứ Sáu, ngày 6/9/2024 (bắt đầu từ 19h - giờ Ai Cập).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Diễn sâu kịch bản vụng

GD&TĐ - Ukraine càng thêm khó khăn trong cuộc chiến với Nga thì quyết định cho phép của Mỹ và Anh sẽ càng đến nhanh.

Sách giáo khoa Ngữ văn từ năm 1995 - 2024. Ảnh: Văn Lự

Lại bàn thêm về môn Ngữ văn

GD&TĐ - Đề kiểm tra Ngữ văn không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa báo hiệu quan niệm học để thi, học thuộc nhớ nhiều đã kết thúc.