Nóng trong tuần: Hội nghị giáo dục ĐH 2024; 50 năm Việt Nam tham gia Olympic Toán

GD&TĐ - Hội nghị giáo dục ĐH năm 2024, kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham gia Olympic Toán quốc tế... là những sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thuỷ chủ trì thảo luận tại Hội nghị giáo dục ĐH 2024.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thuỷ chủ trì thảo luận tại Hội nghị giáo dục ĐH 2024.

Hội nghị giáo dục đại học năm 2024

Ngày 9/8, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 đối với khối giáo dục đại học. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị.

Với chủ đề “Tăng cường nguồn lực đầu tư bứt phá, nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Hội nghị là dịp để nhìn nhận, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm; trên cơ sở đó thống nhất đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm học 2024- 2025.

Đánh giá kết quả năm học 2023-2024, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định một số kết quả tích cực. Theo đó, đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất.

Đã triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học; có nhiều giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài cho GDĐH.

Đã chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động GDĐH, từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy…

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhìn nhận, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023 - 2024 về giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; liên quan đến thực hiện tự chủ đại học; kiểm định chất lượng; nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; công tác tuyển sinh…

dsc9044-copy.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Nhấn mạnh đến từ khóa "chất lượng", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những thách thức với giáo dục đại học; để từ đó cùng nhận diện, vượt qua, vươn lên, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của xã hội, người học.

Trong đó có thách thức từ sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên phạm vi toàn cầu đối với hệ thống giáo dục; từ kỳ vọng lớn và sự giao phó, trông đợi của Đảng, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, xã hội… đặt ra với giáo dục đại học. Thách thức trong cung cấp nguồn nhân lực ngày càng nhiều, đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao cho một nền kinh tế tỷ trọng doanh nghiệp FDI chiếm một phần rất lớn.

Cùng với đó là thách thức của việc phải đáp ứng nhu cầu của người học ngày càng gia tăng số lượng và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng; thách thức giữa kỳ vọng và yêu cầu cao, nhưng đầu tư còn rất khiêm tốn; thách thức trực diện trong đẩy mạnh tự chủ thời gian tới; cụ thể, đẩy mạnh chất lượng, chiều sâu của tự chủ và điều chỉnh cả mục tiêu của tự chủ.

dsc8658.jpg
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận Hội nghị giáo dục đại học năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh một số nội dung triển khai trong năm học mới, bao gồm: Tập trung chuẩn bị quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn lãnh đạo chủ chốt; tiếp tục đổi mới quản trị đại học và thực hiện nghiêm quy định của Luật Giáo dục đại học; chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên; hoàn thiện chuẩn chương trình đào tạo; đổi mới phương thức đào tạo…

Về công tác tuyển sinh, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Giáo dục đại học khẩn trương phối hợp để có dự thảo sớm nhất, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, làm sao đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng, cũng như công bằng cho thí sinh. Các trường thực hiện tự chủ nhưng không tác động xấu mà cần phải có tác động tích cực hơn đối với giáo dục phổ thông…

Tại hội nghị, ý kiến thống nhất cao với báo cáo của Bộ GD&ĐT về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024, với các kết quả đạt được; một số tồn tại, hạn chế; nguyên nhân các tồn tại, hạn chế và đề xuất định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025.

Hội nghị cũng có những tham luận, trao đổi về công tác tuyển sinh; đảm bảo chất lượng đào tạo; chuyển đổi số; phát triển khoa học công nghệ; phát triển đội ngũ; thực hiện các đề án phát triển các cơ sở giáo dục đại học theo Nghị quyết phát triển các vùng kinh tế - xã hội…

toa dam.jpg
Các đại biểu toạ đàm tại hội thảo Hội thảo về đánh giá công tác bồi dưỡng và kết quả thi học sinh môn Toán quốc gia, quốc tế giai đoạn 2015-2024.

Chuỗi hoạt động Kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế

Tuần qua diễn ra chuỗi hoạt động Kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế.

Chương trình gồm các hoạt động chính, diễn ra trong ngày 10/8, gồm: Hội thảo về Đánh giá công tác bồi dưỡng và kết quả thi học sinh môn Toán quốc gia, quốc tế giai đoạn 2015-2024; tọa đàm “Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia trẻ trong nước và thu hút nguồn nhân lực tài năng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp cho sự phát triển đất nước”; Chương trình gala kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế.

Olympic Toán học quốc tế (IMO) là Kỳ thi Toán học thế giới dành cho học sinh trung học được tổ chức hàng năm.

Kỳ thi được tổ chức từ năm 1959 tại Romania, Việt Nam bắt đầu tham gia năm 1974 đến nay và đã có 48 lần cử đội tham gia các Kỳ thi Olympic Toán quốc tế với 288 thí sinh dự thi (trong đó có 18 thí sinh nữ), đạt thành tích 271 huy chương (trong đó: 69 vàng, 117 bạc, 85 đồng), tỷ lệ học sinh được huy chương là 94%.

Trong suốt lịch sử 50 năm, Việt Nam đã có 10 học sinh xuất sắc đạt số điểm tuyệt đối, 10 học sinh được 2 huy chương vàng. Xét theo thành tích đồng đội không chính thức, đội Việt Nam nằm trong top 10 thế giới trong phần lớn các năm dự thi.

Để đạt được thành tích xuất sắc đó, bên cạnh sự thông minh, chăm chỉ, nỗ lực của các học sinh, còn nhờ sự dạy bảo, chăm sóc của các thầy cô giáo, sự quan tâm, tạo điều kiện của các nhà quản lý và đặc biệt là chính sách của nhà nước và trực tiếp là của Bộ GD&ĐT.

TT hoang Minh Son.jpg
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo đánh giá công tác bồi dưỡng và kết quả thi học sinh môn Toán quốc gia, quốc tế giai đoạn 2015-2024, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ tự hào về thành tích Việt Nam đạt được trong 50 năm tham dự IMO, cũng như phong trào học tập Toán ở trong nước; tự hào về thành công của các nhà toán học, các nhà khoa học có sử dụng toán của đất nước…

Thứ trưởng khẳng định: Bộ GD&ĐT luôn đề cao vai trò môn Toán, từ phổ thông đến đào tạo đại học, sau đại học, trong nghiên cứu. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, toán học càng trở nên quan trọng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, còn đâu đó, lúc nào đó, trong trường đại học, ở một số ngành, lĩnh vực có sự coi nhẹ đối với môn Toán; có những chương trình, ngành học giảm thời lượng Toán. Việc giảng dạy Toán ngay trong nhiều trường kỹ thuật cũng giảm tính hấp dẫn; sinh viên học Toán không nhiều hứng thú, đạt hiệu quả không cao…

Để duy trì, nâng cao thành tích của đội tuyển Toán Việt Nam; thúc đẩy dạy học Toán, tăng hứng thú và học Toán hiệu quả, theo Thứ trưởng, phải bắt đầu từ phổ thông, làm tốt hơn việc dạy và học Toán ở phổ thông, nghiên cứu tốt hơn ở đại học. Làm sao để toán học không những chiếm nhiều hơn trong chương trình đào tạo mà dạy - học Toán phải tạo hứng thú, hiệu quả hơn cho người học.

“Với công nghệ hiện nay, một thầy giỏi Toán có thể dạy cho nhiều học sinh, không chỉ trường mình, địa phương mình mà trên toàn quốc. Đóng góp của thầy giỏi vì vậy sẽ rộng hơn. Học sinh không chỉ học từ một thầy giỏi mà có thể học nhiều thầy giỏi, từ đó có được nhiều học sinh giỏi hơn. Như vậy, nền toán học của chúng ta có sự phát triển bứt phá”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

GS Ngo Bao Chau.jpg
GS Ngô Bảo Châu phát biểu tại hội thảo.

Sau 50 năm nhìn lại, GS Ngô Bảo Châu khẳng định, kỳ thi toán quốc tế IMO vẫn là một sân chơi của môn thể thao trí tuệ là toán học, và phần nào là một thước đo để đánh giá năng lực phát triển giáo dục toán học của một quốc gia.

Tất nhiên, cũng như cuộc sống có những nốt thăng trầm, nhưng trong mỗi thời kỳ chúng ta đều có những cá nhân rất xuất sắc. Những cựu học sinh IMO đã và đang là những nhà khoa học chuyên nghiệp, có uy tín quốc tế, tích cực đóng góp vào sự phát triển của toán học Việt Nam.

hoi-nghi-hssv-2.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2024-2025.

Triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác HSSV năm học 2024-2025

Ngày 7/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2024-2025. Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt cho biết: Năm học 2023-2024, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng văn hóa cho học sinh, sinh viên tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng.

Các địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo đã triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh, sinh viên đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử. Toàn ngành Giáo dục tập trung triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường với các nội dung cụ thể, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế.

Việc giáo dục, định hướng, nắm bắt về tư tưởng chính trị của học sinh, sinh viên, đặc biệt trên môi trường mạng được các nhà trường quan tâm triển khai bằng nhiều giải pháp. Các cơ sở GDĐT chủ động tổ chức hiệu quả hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, cán bộ, nhà giáo với học sinh, sinh viên, phối hợp chặt chẽ với gia đình, xã hội để nắm bắt, xử lý kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc.

Trong năm học qua, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã thực hiện đổi mới nội dung chương trình, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá môn học, các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa theo hướng giảm áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh, cần phải tiếp tục nhận thức và có thay đổi nhận thức công tác này ở tất cả các cấp. Bởi theo Thứ trưởng, mục tiêu, nhiệm vụ, công tác tư tưởng, công tác chính trị, công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng, lối sống là gốc là nền tảng, là cơ sở để xây dựng nên “ngôi nhà” giáo dục với những chương trình, kế hoạch và những đổi mới.

Với đặc thù là lĩnh vực lớn, nhiệm vụ nhiều, Thứ trưởng lưu ý, các nhiệm vụ cần có trọng tâm, lộ trình và kế hoạch. Trong đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước các cấp về lĩnh vực này; rà soát lại các văn bản, quy định, quy chế; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, công tác xã hội, tăng cường hoạt động trải nghiệm trong các nhà trường; công tác phối hợp giữa các bên gia đình, nhà trường và xã hội…

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo góp ý, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên lấy ý kiến ở khối các cơ sở giáo dục đại học và khối các sở GD&ĐT.

bemachkpd202463.jpg
Ban Tổ chức trao cờ lưu niệm cho 10 đơn vị có thành tích xuất sắc nhất tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X.

Bế mạc Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024

Ngày 6/8, tại thành phố Hải Phòng, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ bế mạc Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024.

Sau gần 10 ngày thi đấu sôi nổi, Ban Tổ chức đã tiến hành trao tổng số 271 bộ huy chương cho các vận động viên thi đấu xuất sắc ở 15 môn thi. Xếp loại thành tích dựa trên bảng tổng sắp huy chương, có 10 đơn vị có thành tích xuất sắc nhất, 20 đơn vị có thành tích khá và 10 đơn vị, miền núi, Tây Nguyên xuất sắc. Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng lần lượt xếp hạng nhất, nhì, ba toàn đoàn.

Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhận định: Với sự tham gia của hơn 20.000 vận động viên học sinh, cán bộ của 63 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, tham gia thi đấu ở 15 môn thể thao ở hai giai đoạn, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương đối với ngành giáo dục và đó đồng thời là tín hiệu cho thấy sự trưởng thành nhanh chóng của thể thao học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ