Nóng trong tuần: Khảo sát kết quả 10 năm thực hiện NQ 29; chấn chỉnh lạm thu

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29; phản ánh về giáo dục ngoài giờ chính khóa... là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Đoàn công tác Bộ GDĐT khảo sát và làm việc tại Trường THCS Định Thành, huyện Thoại Sơn, An Giang.
Đoàn công tác Bộ GDĐT khảo sát và làm việc tại Trường THCS Định Thành, huyện Thoại Sơn, An Giang.

Chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 29

Tuần qua, các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại nhiều địa phương.

Theo đó, đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đã làm việc tại tỉnh An Giang (ngày 25/9), Kiên Giang (ngày 26/9). Cùng tham gia đoàn có Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa.

Ngoài làm việc với lãnh đạo địa phương, đoàn công tác tới khảo sát tại Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, Trường THCS Định Thành, huyện Thoại Sơn (An Giang); Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Kiên Giang và Trường THCS Minh Lương, huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Bộ trưởng trao tặng 50 máy tính xách tay cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Kiên Giang.
Bộ trưởng trao tặng 50 máy tính xách tay cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Kiên Giang.

Đánh giá cao báo cáo tổng kết cũng như quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Khâu tổ chức triển khai của tỉnh kịp thời, đầy đủ, nhận thức được tầm quan trọng của Nghị quyết với đổi mới và phát triển giáo dục. Qua khảo sát thực tế tại một số trường học, nhận thức, tư tưởng, khí thế của đổi mới đi vào các nhà trường khá sâu. Quá trình triển khai Nghị quyết bước đầu mang lại chuyển biến tích cực, mang lại đổi mới trên địa bàn.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả, song với nhấn mạnh “Kiên Giang còn nhiều việc phải làm”, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Kiên Giang quan tâm tới một số việc cụ thể. Trong đó, cần tập trung chỉ đạo, tập trung đầu tư cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bởi đây là giai đoạn cần tập trung cao độ nhất

Đối với giáo dục dân tộc, Bộ trưởng lưu ý tỉnh đã quan tâm cần tiếp tục quan tâm hơn nữa. Trong đó, quan tâm rà soát các chế độ, chính sách cho người dạy, người học để làm tốt hơn. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho trường phổ thông dân tộc nội trú. Trong phát triển đội ngũ nhà giáo, quan tâm tới phát triển giáo viên là người dân tộc thiểu số.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT khảo sát tại Trường Đại học Y Dược Hải Phòng
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT khảo sát tại Trường Đại học Y Dược Hải Phòng

Với báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của tỉnh An Giang, Bộ trưởng đề nghị cần bổ sung, phân tích làm rõ góc độ tài chính, đầu tư cho giáo dục; nhấn mạnh thêm nội dung về giáo dục dân tộc; giáo dục mầm non, đặc biệt là tỷ lệ huy động trẻ, nhà trẻ đến trường; bổ sung phù hợp các kết quả về chuyên môn giáo dục vì đây là hồn cốt đổi mới.

“Trong thời gian sắp tới, mong lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo hệ thống chính trị đã quan tâm, sẽ tiếp tục quan tâm tới giáo dục. Phát triển con người là quá trình liên tục và 10 năm qua là một chặng trong quá trình liên tục đó”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng mong muốn tỉnh An Giang tiếp tục có thêm các nghị quyết chuyên đề như: về đẩy mạnh xã hội hoá, đầu tư về phát triển đội ngũ, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục…

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh An Giang tập trung thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tâm điểm là đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; quan tâm tới an toàn trường học… Đồng thời tăng cường các kiến nghị, trong đó có việc tinh giản biên chế 10% với ngành Giáo dục và kiến nghị “không cào bằng” chính sách giữa các địa phương, vùng miền, đối tượng.

Liên quan đến hoạt động này, ngày 26/9, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã làm việc khảo sát kết quả triển khai Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam và Trường Đại học Y Dược Hải Phòng. Cùng dự có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại phiên họp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại phiên họp.

Chiều 28/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì phiên họp của Tiểu ban Giáo dục mầm non, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực để đánh giá 10 năm giáo dục mầm non thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tăng cường quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa

Một trong những vấn đề giáo dục thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận trong tuần qua là việc tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trong các nhà trường.

Theo đó, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh về tình trạng môn ngoại khóa được "chèn" trong thời gian chính khóa mà không tổ chức sau khi đã kết thúc hết các môn học bắt buộc.

Giờ học Tiếng Anh với người nước ngoài của học sinh Hà Nội. Ảnh: INT

Giờ học Tiếng Anh với người nước ngoài của học sinh Hà Nội. Ảnh: INT

Về vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cũng đã có trao đổi. Trong đó, ông Thái Văn Tài lưu ý: Khi đã thực hiện đủ định mức tiết dạy của giáo viên, nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức hoạt động giáo dục dựa trên quy định do địa phương quản lý theo thẩm quyền như học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm STEM...

Thời khóa biểu cho các hoạt động này cần được sắp xếp khoa học, phù hợp với nhu cầu của từng học sinh: Hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học lẫn tâm sinh lý lứa tuổi. Nhà trường không được gây quá tải, không ép học sinh tham gia, không được chèn lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp học có học sinh không có nhu cầu đăng ký tham gia.

Trường cần sắp xếp theo nhóm, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tiễn, số lượng đăng ký của từng lớp để tạo điều kiện thuận lợi cho người học, nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến học sinh khác.

Sau đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản về vấn đề rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên gửi tới các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước.

Để tăng cường hiệu quả quản lý, đảm bảo quyền lợi của giáo viên, học sinh và học viên khi tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại cơ sở giáo dục, trong công văn này, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.

Báo cáo tình hình triển khai các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại địa phương về Bộ GD&ĐT trước ngày 15/10/2023.

Bảng dự toán thu-chi quỹ lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà. Ảnh: PHCC.
Bảng dự toán thu-chi quỹ lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà. Ảnh: PHCC.

Tiếp tục chấn chỉnh thu chi trong trường học

Câu chuyện lạm thu, đặc biệt là thu sai quỹ phụ huynh tiếp tục là vấn đề giáo dục được quan tâm trong tuần vừa qua.

Hàng loạt thông tin được phản ánh, như những khoản thu lạ của Ban đại diện cha mẹ học sinh tại Trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì); thu quỹ học kỳ 1 tại Trường THPT Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội), mỗi phụ huynh là 4,5 triệu đồng; thu quỹ lớp hơn 300 triệu đồng ở lớp 1/2, Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh…

Sau khi được phản ánh, cơ quan quản lý giáo dục nhanh chóng vào cuộc, làm rõ và có văn bản chấn chỉnh, biện pháp xử lý.

Tại Thanh Trì, UBND huyện Thanh Trì đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành do thanh tra huyện chủ trì, tiến hành kiểm tra xác minh thông tin và đã có kết luận bước đầu.

Căn cứ kết quả xác minh, UBND huyện Thanh Trì đã ban hành văn bản số 682/UBND-VP với nội dung phê bình Hiệu trưởng Trường THCS Tứ Hiệp; chấn chỉnh, nhắc nhở Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc tổ chức vận động quỹ hội phụ huynh học sinh.

UBND huyện cũng yêu cầu chấn chỉnh toàn bộ các trường trên địa bàn nghiêm túc chấp hành chỉ đạo, hướng dẫn của UBND huyện, phối hợp với cha mẹ học sinh thực hiện đúng các nội dung quy định tại Thông tư 55 và Quyết định 51; sẽ có hình thức xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị nếu để xảy ra vi phạm.

Trước đó, Sở GD&ĐT có văn bản yêu cầu các nhà trường thực hiện theo quy định tại điều 10, Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định và không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Năm học 2022-2023 các trường ở TP Thủ Đức (TPHCM) sẽ không thu thu “3 quỹ”: quỹ lớp, quỹ khuyến học và quỹ cha mẹ học sinh.
Năm học 2022-2023 các trường ở TP Thủ Đức (TPHCM) sẽ không thu thu “3 quỹ”: quỹ lớp, quỹ khuyến học và quỹ cha mẹ học sinh.

Liên quan đến vụ việc thu quỹ lớp hơn 300 triệu đồng, Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh yêu cầu trường Tiểu học Hồng Hà nghiêm túc rút kinh nghiệm, phê bình hiệu trưởng vì chưa thực hiện tốt vai trò quản lý. Trường cần phê bình giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 và theo dõi, giám sát việc hoàn trả tiền của ban đại diện cha mẹ học sinh. Phòng đồng thời có văn bản chấn chỉnh hoạt động thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác tại các trường công lập. Tất cả khoản thu phải được thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh.

Liên quan đến nội dung này, ngày 29/9, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã có Công văn 5577 nhằm chấn chỉnh công tác thu, chi đầu năm học; vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2023-2024 đến tất cả các trường học.

Trong công văn này, Sở GD&ĐT nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh do Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ các hoạt động trực tiếp của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.