Nóng trong tuần: Khai giảng năm học mới; thí sinh xác nhận nhập học đợt 1

GD&TĐ - Tuần qua ghi nhận nhiều sự kiện giáo dục nổi bật: cả nước khai giảng năm học mới 2023 - 2024; thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học đợt 1...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành nhiều thời gian thăm hỏi, nói chuyện với học sinh Trường Hữu nghị T78.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành nhiều thời gian thăm hỏi, nói chuyện với học sinh Trường Hữu nghị T78.

Khai giảng năm học mới 2023 – 2024

Một trong những sự kiện giáo dục nổi bật trong tuần qua là khai giảng năm học mới 2023 – 2024 trên cả nước vào ngày 5/9. Năm học 2023-2024 có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông với rất nhiều việc phải làm: vừa rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các lớp đã triển khai; triển khai mới với lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.

Nhân dịp này, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, tình cảm, đến thăm, động viên và dự lễ khai giảng trên khắp các vùng miền của Tổ quốc; từ đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến sự nghiệp giáo dục.

Thầy và trò Trường PTDTNT tỉnh Gia Lai chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GD&Đ

Thầy và trò Trường PTDTNT tỉnh Gia Lai chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GD&Đ

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự và đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về dự lễ khai giảng năm học 2023 – 2024 tại Trường Hữu nghị T78 (Hà Nội).

Nhân dịp khai giảng năm học 2023 – 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi thư đến các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục cùng các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên trên mọi miền Tổ quốc. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng gửi thông điệp tới toàn ngành trước thềm năm học mới 2023 – 2024.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM.

Hai Đại học Quốc gia tiên phong đi đầu hội nhập

Tuần qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đây là lúc cần tổng kết lại mô hình của hai ĐH Quốc gia để xem những điểm tốt, những điểm chưa làm được, điểm nào cần tư duy đổi mới để phát triển hơn nữa. Mục tiêu là để hai ĐH Quốc gia trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong đi đầu trong hội nhập và hoàn toàn có thể hội nhập bằng chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai ĐH Quốc gia, các giảng viên, nhà khoa học đã nêu một số kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành. Trước những kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những trao đổi để hai ĐH Quốc gia phát triển trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, bên cạnh huy động nguồn lực xã hội, cơ chế đặt hàng, kết nối doanh nghiệp, Nhà nước vẫn cần đầu tư để dẫn dắt hai ĐH Quốc gia phát triển. Riêng ĐH Quốc gia Hà Nội, cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Do đó, Bộ trưởng đề xuất Phó Thủ tướng báo cáo Chính phủ, Thường trực Chính phủ đầu tư tập trung, dứt điểm và phù hợp với các dự án “xây nhà”.

Về phía hai ĐH, cần tập trung đào tạo và nghiên cứu các ngành mũi nhọn, ngành công nghệ cao; xây dựng đội ngũ. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục xem xét giúp các đơn vị năng động hơn trong lĩnh vực đào tạo.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu để trả lời các đề xuất, kiến nghị của hai ĐH Quốc gia, các giảng viên và các nhà khoa học. Phó Thủ tướng cũng đưa ra một số đề nghị, yêu cầu để phát triển trong thời gian tới.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ chiều 9/9.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ chiều 9/9.

Giải pháp chống lạm thu đầu năm học

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều 9/9,. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã đề cập đến một số biện pháp chống lạm thu đầu năm học.

Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu đầu năm học nên các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức. Tiến tới, mọi khoản thu sẽ không dùng tiền mặt. Sau này cần có văn bản pháp lý để quy định bắt buộc về việc này.

Việc cơ sở giáo dục đại học thu các khoản dịch vụ khác phải được công bố công khai, minh bạch với người học. Các khoản thu này phải đúng với quy định của pháp luật. Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các trường trực thuộc.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT không quản lý trực tiếp về hoạt động tài chính của các trường. Bộ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí.

Tại họp báo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nêu ba nguồn thu chính để duy trì hoạt động và tái đầu tư các trường đại học.

Thứ nhất, nguồn thu học phí. Thứ hai, từ ngân sách nhà nước, có thể là cấp chi thường xuyên, chi đầu tư cho các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, bồi dưỡng cán bộ… Thứ ba, từ hợp tác với doanh nghiệp, các nguồn tài trợ từ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân…

Bộ GD&ĐT có 20 đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Bộ GD&ĐT có 20 đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2022 – 2026

Tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định phê duyệt Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2022 – 2026 của Bộ GD&ĐT.

Đến nay, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc chuyển 5 trường dự bị trực thuộc Bộ về trực thuộc Ủy ban Dân tộc; chuyển Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực về trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT có 20 đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm: Văn phòng, Thanh tra, 14 Vụ và 4 Cục.

Ngoài ra, Bộ còn 3 đơn vị được giao biên chế công chức hàng năm là: Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước; Văn phòng Đảng - Đoàn thể.

Về đội ngũ, hiện nay có 472 người là công chức thuộc các đơn vị trong cơ quan Bộ GD&ĐT, không bao gồm số sĩ quan biệt phái của Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Trong khi số công chức đến tuổi nghỉ hưu từ năm 2022-2026 khoảng 91 người.

Về đánh giá chung, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành tỉ lệ tinh giản biên chế giai đoạn đến 2021 là 10%, sử dụng đúng số chỉ tiêu trong phạm vi được giao sau khi cắt giảm tiếp 10% chỉ tiêu biên chế của Bộ so với năm 2021. Số lượng công chức hiện nay của Bộ cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu công chức của các đơn vị.

Gần 450.000 thí sinh xác nhận nhập học

Tính đến 17h ngày 8/9, hạn cuối để thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống của Bộ GD&ĐT, có 494.488 em đã xác nhận, chiếm 80,8% so với số trúng tuyển.

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, hơn một triệu thí sinh dự thi, trong đó, 660.258 em đăng ký xét tuyển đại học, chiếm 92,7%. Nếu tính trên tổng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, số thí sinh vào đại học năm nay sau đợt tuyển sinh đầu tiên chiếm tỷ lệ 49,3%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.