Nóng trong tuần: Công bố điểm chuẩn; khối Giáo dục đại học tổng kết năm học

GD&TĐ - Các trường đại học công bố điểm chuẩn, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết với khối giáo dục đại học là những vấn đề nóng tuần qua.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Các trường đại học công bố điểm chuẩn

Tuần qua, các cơ sở giáo dục đại học đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 năm 2023.

Đến thời điểm này, có 20 ngành học có điểm chuẩn cao nhất cả nước như: Khoa học máy tính (Đại học Bách khoa Hà Nội) – 29,42 điểm; Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (Đại học Bách khoa Hà Nội) – 28,8 điểm; Quan hệ công chúng (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội) – 28,78 điểm; Truyền thông đa phương tiện (Học viện Báo chí và Tuyên truyền); Sư phạm Lịch sử (Đại học Sư phạm Hà Nội 2)...

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, sau khi biết điểm chuẩn đại học, từ ngày 24/8 - 8/9, thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT các trường đại học có kế hoạch nhập học riêng và thông báo cho thí sinh qua email, số điện thoại hoặc giấy báo trúng tuyển. Thí sinh cần làm thủ tục nhập học theo hướng dẫn này của trường trúng tuyển.

Thí sinh không xác nhận nhập học trong thời gian quy định, nếu không có lý do chính đáng, coi như không trúng tuyển.

Bộ GD&ĐT yêu cầu, các cơ sở đào tạo hướng dẫn thí sinh xác nhận nhập học và tổ chức nhập học cho thí sinh trong thời gian quy định. Cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 24/8 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ 00 ngày 8/9 (kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài).

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu, cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định. Phối hợp với các cơ sở đào tạo có liên quan để giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan tới công tác xét tuyển của cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh “làm quản lý chất lượng phải công khai, công bằng, thực chất, chuẩn hóa”.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh “làm quản lý chất lượng phải công khai, công bằng, thực chất, chuẩn hóa”.

Kiểm tra, đánh giá để thúc đẩy chất lượng

Tuần qua, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị bàn về công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối Sở GD&ĐT.

Ghi nhận công tác quản lý chất lượng và công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh “làm quản lý chất lượng phải công khai, công bằng, thực chất, chuẩn hóa”.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, người được hưởng lợi khi các tiêu chuẩn, tiêu chí về diện tích, trường lớp… được đáp ứng là học sinh, giáo viên. Do đó, các Sở GD&ĐT cần kiên trì, chủ động và có phương pháp trong công tác tham mưu tại địa phương.

Về công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, Thứ trưởng lưu ý: Trong thực hiện, không lấy danh nghĩa khảo sát chất lượng mà kiểm tra quá nặng nề. Kiểm tra, đánh giá là để thúc đẩy chất lượng, với nguyên tắc là gọn nhẹ, không gây áp lực cho học sinh, lãng phí cho gia đình và xã hội.

Riêng về phương án về Kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025, ngay tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến của lãnh đạo, chuyên viên 63 Sở GD&ĐT.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT bám sát hướng dẫn thanh tra và kế hoạch thanh tra năm học 2023-2024 để xây dựng kế hoạch phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu nhiệm vụ chung.

Theo đó, cần phải đảm bảo việc thanh tra đúng quy trình, công tâm, khách quan, lấy phòng ngừa để thúc đẩy, lan toả; thanh tra có trọng tâm, trọng điểm và thực hiện nghiêm kết luận sau thanh tra, tạo nên tính nghiêm minh của quy chế, của công tác thanh tra.

Các Sở GD&ĐT cũng cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tham mưu lãnh đạo Sở tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại tố cáo đúng thời gian, thẩm quyền; phối hợp với các phòng, ban để tổ chức tuyên truyền pháp luật hiệu quả ngay trong ngành.

Hội nghị đã lắng nghe ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT báo cáo những nét chính tổng kết công tác quản lý chất lượng năm học 2022 – 2023 và ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, báo cáo tổng kết về công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2022 – 2023.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị.

4 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học

Ngày 26/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 – 2024 khối giáo dục đại học.

Đánh giá khối giáo dục đại học đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có khả năng thích ứng và đổi mới, hoạt động hiệu quả và đóng góp quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị - xã hội và an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, khối giáo dục đại học còn đối mặt với một số hạn chế, yếu kém. Ngoài 3 nguyên nhân gây ra những hạn chế nêu trên và 9 giải pháp cụ thể, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của khối giáo dục đại học trong năm học mới.

Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học.

Xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học, lấy chất lượng làm nền tảng, là yêu cầu xuyên suốt trong mọi hoạt động giáo dục đại học; triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài cho giáo dục đại học.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động giáo dục đại học, từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (GD&ĐT) đã báo cáo kết quả năm học 2022 – 2023. Hội nghị nghe 3 tham luận của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT và 11 ý kiến từ đại diện các trường đại học.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học mới

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 2457/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 của ngành Giáo dục.

Kế hoạch đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;

Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh;

Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh;

Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo;

Hội nhập quốc tế trong giáo dục; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT; Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Năm học 2023 - 2024, toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với chủ đề năm học là: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ