Nóng trong tuần: Đánh giá XHH biên soạn SGK; thúc đẩy hợp tác GD Việt - Trung

GD&TĐ - Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn SGK; nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt Nam - Trung Quốc là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại toạ đàm Việt Nam - Trung Quốc về hợp tác giáo dục ĐH.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại toạ đàm Việt Nam - Trung Quốc về hợp tác giáo dục ĐH.

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam – Trung Quốc

Tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT Việt Nam có chuyến công tác tại Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Hoài Tiến Bằng; dự tọa đàm Việt Nam - Trung Quốc về hợp tác giáo dục ĐH; làm việc với lãnh đạo ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa và Trường ĐH Giao thông Thượng Hải; thăm và làm việc với Trung tâm đào tạo giáo viên UNESCO tại Thượng Hải.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Hoài Tiến Bằng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định Bộ GD&ĐT Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Trên cơ sở Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác giáo dục do chính hai Bộ trưởng ký năm 2022, nhiều hoạt động hợp tác giáo dục giữa hai nước đã được thực hiện.

Để tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác GD-ĐT giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn Bộ Giáo dục Trung Quốc quan tâm hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Trung và cung cấp tình nguyện viên sang hỗ trợ công tác giảng dạy tiếng Trung; hỗ trợ đào tạo chuyên gia, đào tạo các kỹ sư xuất sắc cho Việt Nam.

z61124677613469af404aed0f10155ec6b8a932771659d.jpg
Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Đồng thời, mở rộng ngành nghề và cơ sở đào tạo tiếp nhận du học sinh Việt Nam sang đào tạo để có thêm nhiều cơ hội cho du học sinh Việt Nam tham gia học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo trọng điểm của Trung Quốc. Tăng cường học bổng bậc ĐH, đặc biệt là học bổng học các ngành khoa học kỹ thuật, đào tạo cấp chuyên gia ở các trường hàng đầu Trung Quốc. Hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực mà Trung Quốc có thế mạnh…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, cần có cơ chế giao lưu giáo dục giữa 2 nước có tính thường niên, luân phiên theo từng chủ đề. Các diễn đàn giao lưu giáo dục có thể được các trường ĐH 2 bên đăng cai tổ chức luân phiên.

bo-gddt-vn-lam-viec-voi-dai-hoc-thanh-hoa-111.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại buổi thăm, làm việc với ĐH Thanh Hoa

Dự tọa đàm Việt Nam - Trung Quốc về hợp tác giáo dục ĐH, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có bài phát biểu, tiếp tục khẳng định quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung, trong lĩnh vực GD-ĐT nói riêng. Tại Tọa đàm, đại diện các cơ sở giáo dục ĐH hai bên đã tham luận, trao đổi về 3 chủ để: Công nghệ số thúc đẩy phát triển giáo dục ĐH; đào tạo nhân tài và đổi mới khoa học góp phần phát triển kinh tế xã hội và trao đổi ngôn ngữ thắt chặt mối quan hệ giao lưu văn hóa. Trong khuôn khổ toạ đàm cũng diễn ra lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa các trường ĐH Trung Quốc và Việt Nam.

Trong chuyến thăm, làm việc với các trường ĐH, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra những đề nghị mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các nhà trường.

Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn SGK

Ngày 12/12, tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn SGK giai đoạn 2018-2024.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, lần đầu tiên SGK được biên soạn theo hình thức xã hội hóa; việc biên soạn, thẩm định SGK được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bài bản. Tính đến nay có 7 nhà xuất bản và 12 công ty cổ phần tham gia biên soạn và liên kết biên soạn SGK.

Công tác xã hội hóa biên soạn SGK thu hút được số lượng tổng chủ biên, chủ biên và tác giả đông đảo, tổng số 2656 tác giả. Cơ cấu đội ngũ tác giả đa dạng gồm chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, của các viện nghiên cứu và lần đầu có đội ngũ giáo viên phổ thông tham gia biên soạn SGK góp phần phát huy được trí tuệ của thầy cô giáo.

Tác giả biên soạn SGK công tác ở các vùng miền khác nhau, các bộ SGK được biên soạn với cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với đặc điểm giáo dục của từng vùng miền, sát với thực tế giảng dạy của các địa phương trong điều kiện cùng một chương trình giáo dục phổ thông.

sgk2.jpg
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.

Công tác xã hội hóa trong khâu tổ chức dạy thực nghiệm của các tổ chức biên soạn SGK được đánh giá thành công, việc phối hợp giữa các Sở GD&ĐT và các tổ chức biên soạn SGK tốt, diện thực nghiệm bảo đảm độ phủ kín các vùng miền khác nhau trên cả nước. Những thông tin phản hồi từ quá trình dạy thực nghiệm và góp ý của giáo viên đã góp phần quan trọng giúp cho các bộ sách chuẩn xác hơn về ngữ liệu, phù hợp hơn đối với điều kiện dạy học thực tế của các địa phương.

Việc biên soạn SGK xã hội hóa đã bảo đảm các môn học, hoạt động giáo dục đều có SGK được biên soạn theo hình thức xã hội hóa, môn học có ít nhất là 1 SGK, môn học có nhiều nhất là 10 SGK, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy khác nhau giữa các vùng miền trên phạm vi cả nước.

Thẩm định SGK được tổ chức theo quy trình chặt chẽ được quy định tại các thông tư. Lần đầu tiên huy động số lượng các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đông đảo, khoảng 1.404 thành viên, đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, học viện và các trường phổ thông từ các vùng miền khác nhau và tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Việc lựa chọn SGK được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, tôn trọng và phát huy trí tuệ giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên chủ động lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy tại địa phương.

Đã huy động thêm nhiều cá nhân, tổ chức tham gia phát hành SGK. Sự cạnh tranh góp phần thúc đẩy các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, qua đó làm cho chất lượng SGK ngày càng tốt hơn, giúp hạ giá thành SGK. Các nhà xuất bản cũng có các chương trình tặng SGK, tặng tủ sách dùng chung giúp giảm bớt khó khăn đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

sgk3.jpg
Hội nghị đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn SGK giai đoạn 2018-2024.

Từ thực tiễn triển khai công tác xã hội hóa biên soạn SGK trong thời gian qua, đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các nhà xuất bản đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức triển khai, những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ và đề xuất các giải pháp để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Một trong những đánh giá được nhiều các Sở GD&ĐT, nhà xuất bản nhấn mạnh, đó là công tác chỉ đạo sâu sát, kịp thời, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT với một công việc “mới, khó, phức tạp” trong giai đoạn vừa qua. “Xã hội hóa SGK là chủ trương đúng đắn, cần tiếp tục thực hiện” cũng được khẳng định trong nhiều ý kiến.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn SGK đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Toàn ngành đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; từ đó khẳng định chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK là hết sức đúng đắn. Thứ trưởng đồng thời lưu ý những công việc để tiếp tục làm tốt hơn việc xã hội hóa biên soạn SGK thời gian tiếp theo.

Tuần qua, thông tin nghỉ Tết của học sinh, sinh viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục ĐH được cập nhật. Trong đó, việc UBND TP. Hồ Chí Minh văn bản tăng ngày nghỉ Tết Ất Tỵ cho học sinh thêm 2 ngày, nâng số ngày nghỉ Tết từ 9 lên 11 ngày được nhiều ý kiến quan tâm. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng các tỉnh thành khác nên có lịch nghỉ Tết cố định cho học sinh để phụ huynh chủ động hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ