Nỗ lực triển khai Chương trình GDPT 2018 để đạt mục tiêu

GD&TĐ -  Ngày 13/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị đánh giá sơ lược việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị nhằm đánh giá sơ lược những kết quả đạt được sau nửa chặng đường triển khai và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018).

Thách thức rất nhiều, thành quả rất đáng ghi nhận

Báo cáo tình hình triển khai CT GDPT 2018 đến năm 2022- 2023, lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ GD&ĐT cho biết chương trình đã cụ thể hoá việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hoà giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp.

Nội dung chương trình đảm bảo chuẩn hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế; đảm bảo tính hoàn chỉnh, linh hoạt, liên thông thống nhất trong và giữa các cấp học; tích hợp và phân hoá hợp lý, có hiệu quả.

Việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh có nhiều thách thức... Sau quá trình triển khai, những đổi mới này đã góp phần lớn vào thay đổi căn bản vị trí, vai trò của giáo viên từ dạy học truyền thụ kiến thức sang tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học của học sinh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, trao đổi các vấn đề với các địa phương.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, trao đổi các vấn đề với các địa phương.

Số phòng học bộ môn (Tin học, Ngoại ngữ) tăng nhanh khi các địa phương đã dồn lực để xây dựng, bổ sung nhằm phục vụ chương trình. Thống kê cho thấy, cấp Tiểu học có 31.928 phòng học bộ môn, trong đó số phòng tin học là 11.859 phòng (đạt 75,5% số trường có phòng học bộ môn Tin học); số phòng học Ngoại ngữ là 8.915 (đạt 55,4% số trường có phòng học Ngoại ngữ).

Số liệu của các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy sự thay đổi lớn của ngành khi triển khai CT GDPT 2018. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Các địa phương đã quan tâm nhiều đến việc đầu tư cơ sở vật chất để tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày. Hiện nay ở cấp tiểu học, tỷ lệ này đạt 77,6% (tăng gần 3% so với năm học 2017-2018).

Sự chuẩn hóa đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình cũng ngày một tăng nhanh. Tính đến năm học 2021-2022, tỉ lệ đạt chuẩn của giáo viên theo Luật Giáo dục 2019 của cấp Mầm non là 82%, cấp Tiểu học là 75,3%, cấp THCS là 86,4, cấp THPT là 99,9%. Bộ GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng cho gần 30 nghìn giáo viên cốt cán (1 giáo viên cốt cán/trường) về các mô đun như: phương pháp dạy học, giáo dục; kiểm tra, đánh giá; xây dựng kế hoạch dạy học, giáo dục; tư vấn, hỗ trợ học sinh trong hoạt động dạy học…

Ngoài ra, hơn 4.000 hiệu trưởng cốt cán cũng đã hoàn thành tập huấn về các mô đun quản trị hoạt động dạy học, giáo dục; quản trị nhân sự; quản trị tài chính; quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục; quản trị chất lượng giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin.

Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận bước đầu nhưng việc triển khai CT GDPT 2018 tại nhiều địa phương với bối cảnh khác nhau cũng đã nảy sinh nhiều khó khăn nhất định.

Tại hội nghị các nhóm thảo luận cũng nêu ra hàng loạt khó khăn và vướng mắc khi triển khai CT GDPT 2018 như: Mạng lưới trường lớp chưa đồng bộ do nhiều địa phương khó khăn (khu vực miền núi, ĐBSCL). Vẫn còn nhiều điểm trường, lớp ghép ở các vùng đặc biệt khó khăn. Cơ sở trường lớp chưa đáp ứng biến động học sinh tại một số địa bàn ở khu công nghiệp, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi, đánh giá về những mặt tích cực mà CT GDPT 2018 mang lại.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi, đánh giá về những mặt tích cực mà CT GDPT 2018 mang lại.

Đặc biệt, nguồn kinh phí chi cho cơ sở vật chất nhiều địa phương còn quá thấp, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc chưa có hướng dẫn chi tiết cho đấu thầu thiết bị dạy học đã khiến phần lớn địa phương gặp khó trong việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học vì không ai dám tham gia đấu thầu. Các đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT cần thiết xây dựng bộ mẫu quy chuẩn về vấn đề này.

Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương nhìn nhận: áp lực của giáo viên ngày càng ghê gớm, càng cải cách càng áp lực. Việc tuyển mới giáo viên thì lại vô cùng khó khăn. “Địa phương có nhu cầu tuyển 1.735 giáo viên nhưng chỉ tuyển được trên 1.000 do không có nguồn tuyển, đặc biệt giáo viên mầm non, giáo viên môn tích hợp và giáo viên môn mới. Trong khi việc thực hiện Nghị định 116, hướng dẫn đi kèm không có, khiến việc đặt hàng khó khăn. Kinh phí cũng là vấn đề khi hiện nay ngân sách tỉnh chi 17 tỉ đồng cũng chỉ mới dừng lại ở việc trang bị thiết bị cho lớp 1”, ông Việt chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, TP cũng gặp nhiều khó khăn trong triển khai CT GDPT 2018. Vì là địa phương có tỷ lệ học sinh tăng hằng năm cao nên việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày đang gặp khó khăn lớn. Hiện tại, ở bậc tiểu học, có 74% học 2 buổi/ngày, có những quận huyện chỉ đạt trên 20% học 2 buổi/ngày.

Cần tránh tư tưởng cực đoan

Chia sẻ với những khó khăn mà các địa phương đang phải đối mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, lẽ ra sau mỗi học kỳ, mỗi năm chúng ta cần phải có những đánh giá, nhất là đánh giá sâu hơn về các hoạt động chuyên môn ở những nội dung cụ thể, để có cái nhìn tổng quan hơn về việc triển khai CT GDPT 2018.

“Công sức của 1,6 triệu nhà giáo và cán bộ quản lý đã quyết tâm thay đổi, vật lộn với dịch bệnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, triển khai CT GDPT 2018 đúng kế hoạch. Chúng ta đã đi được một phần đầu của chặng đường với nhiều gian nan. Trước mắt, còn nhiều việc phải làm, còn nhiều thách thức nhưng chúng ta đã đạt được những mục tiêu căn bản, bước đầu điều chỉnh đổi mới việc dạy học, kiểm tra, đánh giá…

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Những gì chưa làm được, chưa đạt được chỉ là một phần nhỏ so với những gì chúng ta đã làm được. Cái lo nhất chính là chúng ta không “vỡ trận” khi bắt đầu CT GDPT 2018 cũng là khi dịch bệnh bắt đầu. Đây chính là thành quả, sự cố gắng rất lớn của tập thể cán bộ, giáo viên toàn ngành”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, trong giai đoạn đầu triển khai CT GDPT 2018 những chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là tương đối kịp thời, tương đối bao quát, thậm chí nhiều vấn đề Bộ còn lường trước cả các tình huống phát sinh để triển khai CT GDPT 2018 tốt hơn.

"Chúng ta cũng cần phải động viên đội ngũ giáo viên, bởi những “chiến sĩ” trên mặt trận đổi mới của chúng ta không ai khác chính là họ. Vì vậy, đừng để giáo viên nào cảm thấy cô đơn trong việc “ra trận” này.

Mỗi địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, không để xảy ra và sẵn sàng xử lý khủng hoảng truyền thông. Chúng ta phải tiếp tục có thêm sự thuyết phục với chính quyền, địa phương, phụ huynh… Đặc biệt cần tạo sự đồng thuận của phụ huynh, phải xem đây là nhiệm vụ tối quan trọng trong tiến trình tiến tới thành công của CT GDPT 2018” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nói về chặng đường tiếp tục sắp tới (giai đoạn còn lại), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ 63 "tư lệnh địa phương" phải tiếp tục nêu cao ý chí, sự quyết tâm. Mỗi địa phương phải xác định rằng việc đổi mới toàn ngành và CT GDPT 2018 đang thực hiện là quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước… Đây là mục tiêu không thể thất bại, không thể rút lui giữa chừng. Bởi theo Bộ trưởng, sự thành bại của chúng ta trong đổi mới giáo dục là con người, thành bại của con người, của quốc gia. Vì vậy, chúng ta không thể cho phép mình thất bại.

Để thực hiện CT GDPT 2018 một cách hiệu quả, bền vững trong giai đoạn còn lại, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương phải hết sức thận trọng và tránh tư tưởng cực đoan trong thực hiện.

“CT GDPT 2018 chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh. Chúng ta phải hết sức thận trọng và tỉnh táo trong việc triển khai 2 nội dung trên sao cho hài hòa nhất, vì nếu không có kiến thức thì sẽ không thể hình thành nên năng lực phẩm chất… Chúng ta cần phải tránh cực đoan trong thực hiện và triển khai chương trình (bỏ hổng việc trang bị kiến thức mà chuyển sang phát triển năng lực theo tỉ trọng không cân đối), nếu không chúng ta sẽ phải trả giá cho sai lầm” – Bộ trưởng lưu ý.

Với những vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, Bộ trưởng cho rằng đây là nhóm việc cần phải tiếp tục rà soát, hỗ trợ và tháo gỡ cho địa phương, sẵn sàng và không ngần ngại điều chỉnh nếu có những điểm mâu thuẫn nảy sinh từ việc ban hành văn bản, hướng dẫn từ các bộ, ngành liên quan.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu kiến nghị tại thảo luận nhóm.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu kiến nghị tại thảo luận nhóm.

Việc triển khai các môn học mới (dù có thách thức) nhưng Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải cố gắng, vì nó mang tới luồng sinh khí mới cho ngành giáo dục. Dạy học tích hợp cũng vậy. Bộ trưởng lưu ý các địa phương phải xác định đây là việc không thể một sớm một chiều mà có ngay được, đừng quá hốt hoảng và căng thẳng mà cần sự bình tĩnh xử lý… Phân công từng học phần, modul theo thứ tự nếu chưa có điều kiện, nếu địa phương có điều kiện thì triển khai luôn việc dạy tích hợp (đi cùng với sự chuẩn bị là việc đào tạo từ các trường sư phạm).

Về cơ sở vật chất, Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm, tập trung chăm lo cho thư viện hơn. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu giáo dục. Hoạt động kiểm tra đánh giá theo các hướng dẫn mới cũng phải hết sức lưu ý. Bởi theo Bộ trưởng đây là vấn đề chuyên môn, là những đánh giá theo chiều sâu nhất cho việc triển khai CT GDPT 2018 hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ