Bộ GD&ĐT và Tổng LĐLĐ Việt Nam làm việc với Trường ĐH Tôn Đức Thắng

GD&TĐ - Ngày 12/12, tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam và nhà trường.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tham dự buổi làm việc với Bộ GD&ĐT có ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; ông Tống Văn Băng, Trưởng ban tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng đại diện Ban giám hiệu Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Hiểu đầy đủ trách nhiệm và sứ mệnh của một đại học công

Tại buổi làm việc, TS Vũ Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã khái quát tổng quan quá trình phát triển của nhà trường trong suốt chặng đường 25 năm qua, đồng thời thông tin về tình hình tuyển sinh của nhà trường trong năm 2022-2023.

TS Vũ Anh Đức cũng gửi đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT các kiến nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho nhà trường trong việc thực hiện cơ chế tự chủ một cách toàn diện hơn, cho phép trường có cơ chế đặc thù trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm người nước ngoài vào các vị trí của trường.

Chủ tịch Hội đồng trường cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm có kết luận chính thức về các sai phạm, đặc biệt là về cơ chế tài chính của nhà trường giai đoạn trước để ổn định tâm lý của thầy cô, tránh xảy ra những luồng ý kiến không hay.

Đặc biệt, nhà trường kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép trường chủ động tháo gỡ những vướng mắc, đưa vào sử dụng các công trình để tránh xảy ra tình trạng lãng phí khi một số hạng mục xây dựng đã có kết luận không sai phạm…

Chia sẻ và ghi nhận những đóng góp lớn của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong chặng đường dựng xây và phát triển giai đoạn vừa qua, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Kể từ năm 1997 khi thành lập trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn tạo cơ chế cho nhà trường phát triển dựa trên cơ chế tự chủ.

Tuy vậy, sau một thời gian phát triển rực rỡ và đi vào ổn định, trường đã để nảy sinh những sai sót. Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đây là điều rất đáng tiếc, nhưng đó cũng là bài học để nhà trường, Tổng LĐLĐ thẳng thắn nhìn vào hạn chế để có những thích ứng, thay đổi và định hướng chiến lược mới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tham quan cơ sở vật chất Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tham quan cơ sở vật chất Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Nhìn nhận các vấn đề đã xảy ra tại trường cần phải được thay đổi ở tư duy quản trị và định hướng phát triển trong lộ trình tới của nhà trường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT và Tổng LĐLĐ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến sự phát triển và các vấn đề của trường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết quan điểm của Bộ GD&ĐT là bất kỳ cơ sở giáo dục nào (công hay tư) phát triển, đạt kết quả tốt, Bộ rất mừng, rất trân quý. Bất kỳ cơ sở giáo dục nào khó khăn, Bộ GD&ĐT cũng đều ghi nhận, tìm cách tháo gỡ cho đơn vị.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, câu chuyện của chúng ta là cần hướng đến sự phát triển bền vững; cần định vị một cách rõ ràng, thực tế, xác thực nhất chúng ta đang ở đâu? Tự tin vào chính mình, vào sự lớn mạnh của nhà trường là đúng đắn, nhưng cũng cần tránh những ảo tưởng về mình. Cần phải xác định là một trường đại học công thì phải tư duy công, thực hiện sứ mệnh công, hành động công (thuộc về xã hội).

Trường phải xác định rõ, lựa chọn đại học nghiên cứu hay lựa chọn định hướng đại học đa ngành. Chúng ta đã thể hiện rõ định hướng là đại học nghiên cứu thông qua các chỉ số công bố quốc tế của nhà trường. Nhưng câu chuyện khoa học không chỉ đơn thuần chỉ thế. Nhà trường cần phải đặt các vấn đề khoa học lớn hơn chứ không chỉ xoay quanh các chỉ số về bài báo quốc tế đã đăng. Thay vì chỉ đếm số lượng bài báo quốc tế đã đăng, nhà trường cần có chiến lược khoa học lớn, đặt ra cho mình nhiệm vụ khổng lồ trong 5-10 năm tới.

Nhà trường cần phải định hướng lại một cách cơ bản, có chiến lược. Bởi chúng ta muốn trở thành đại học lớn thì cần phải xác định “lớn lên” bằng các chương trình khoa học lớn, các đóng góp của nhà trường cho xã hội hiện nay phải lớn hơn.

Chúng ta đã xác định mình là trường đại học lớn, hàng đầu thì cần phải xác định rõ trách nhiệm khoa học với xã hội, thể hiện tầm vóc của một trường đại học lớn. Một đại học lớn không thể thiếu các chuyên gia đầu ngành, nếu không làm được điều đó thì xã hội cũng không công nhận.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tham quan thư viện hiện đại của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tham quan thư viện hiện đại của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Một đại học mạnh phải “lớn lên” bằng các chương trình khoa học lớn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận thành tựu mà Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã đạt được trong 10 năm trở lại đây khi có đóng góp lớn vào sự phát triển chung của hệ thống GDĐH nước nhà.

Tuy vậy, Bộ trưởng cho rằng Ban giám hiệu Nhà trường phải xác định chặng đường vừa qua là chặng đường khai phá, chặng đường làm nền để từ trên cái nền sẵn có, tập thể, đội ngũ nhà trường xác định rõ ràng mục tiêu và chiến lược sắc bén theo đầy đủ nghĩa của đại học lớn.

Đặc biệt cần phải xem tỉ lệ đào tạo sau đại học của mình hiện nay ra sao. Nhà trường cần nhìn vào vấn đề này, quy mô, tầm vóc của một trường đại học không nằm ở quy mô sinh viên, cái quan trọng là nằm ở quy mô đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ…

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cần phải có chiến lược mạnh mẽ, đột phá ở vấn đề này bởi thực tế, chất lượng đào tạo của sinh viên đang dần có uy tín, công tác kiểm định, thực hành kỹ năng nghề nghiệp đã ít nhiều tạo tiếng vang cho trường. Tuy vậy, trong chiến lược đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của trường vẫn thiếu một số nhóm ngành mũi nhọn về công nghệ - nhu cầu mà xã hội tương lai đang rất cần.

Vì vậy, nhà trường cần phải xác định đâu là đặc sắc, ngành nghề đào tạo tạo nên thương hiệu của nhà trường với thế giới. Để thoát khỏi sự loay hoay này, nhà trường cần phải rà soát thật kỹ công tác cán bộ và phải có định hướng rõ ràng trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thăm trường Quốc tế VFIS thuộc ĐH Tôn Đức Thắng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thăm trường Quốc tế VFIS thuộc ĐH Tôn Đức Thắng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Luật số 34 và Nghị định 99 đi vào cuộc sống là bước tiến cực lớn cho tự chủ giáo dục đại học, không chỉ giúp các trường chủ động trong mọi hoạt động quản trị, đào tạo, học thuật của mình mà còn khơi thông rất nhiều điểm nghẽn trong quản lý cho các trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, tự chủ không có nghĩa thích làm gì thì làm, mà vẫn phải chịu sự giám sát của các quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng nhìn nhận những gì Trường ĐH Tôn Đức Thắng đạt được là viên gạch quan trọng, nhưng quan trọng hơn là làm sao để đứng vững trên viên gạch đó và tạo ra được hệ thống để phát triển bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với Ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TPHCM.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với Ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TPHCM.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng đã có buổi kiểm tra công tác triển khai xây dựng cơ sở mới của Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TPHCM và làm việc với Ban giám hiệu nhà trường. Nhiều vấn đề về công tác giải ngân, sớm đưa dự án vào phục vụ sinh viên, cũng như định hướng phát triển Nhà trường trong thời gian tới sao cho phù hợp xu thế - đã được Bộ trưởng và Đoàn công tác của Bộ tháo gỡ và định hướng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.