Xem xét triển khai diện rộng thí điểm giáo dục STEM

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Có 7 tỉnh với 70 trường tiểu học đã tham gia thí điểm Chương trình giáo dục STEM cấp tiểu học do Bộ GD&ĐT triển khai.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc Hội nghị.

Sáng 17/2, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm triển khai giáo dục STEM cấp tiểu học theo Chương trình GDPT 2018.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

TS. Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT dự và chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì Hội nghị có TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk.

Tham dự có đại diện các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT tham gia thí điểm và tham gia Ngày hội STEM tại Đắk Lắk.

TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ GD tiểu học báo cáo kết quả thí điểm STEM.

TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ GD tiểu học báo cáo kết quả thí điểm STEM.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã triển khai thí điểm tại 7 địa phương, gồm: Lào Cai, Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Cần Thơ và Đồng Tháp.

Ngoài ra, có 5 địa phương hưởng ứng tham gia, gồm: Phú Thọ, Bắc Giang, TP HCM, Vĩnh Long và Nghệ An.

Có 70 trường tiểu học tham gia thí điểm với 52.864 học sinh và 2.191 giáo viên. Các trường đã triển khai dạy thí điểm được 3.106 giờ; 589 lần sinh hoạt chuyên môn và 3.550 giáo viên được tập huấn về giáo dục STEM.

Theo đánh giá, với sự chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất từ trung ương đến địa phương, các trường tiểu học tham gia thí điểm đã chủ động, tích cực triển khai giáo dục STEM một cách nghiêm túc. Bước đầu đã đạt được những kết quả tốt đẹp, có sức lan toả cao. Giáo dục STEM bước đầu hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết cho học sinh, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá, Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học trong bối cảnh có đầy đủ căn cứ pháp lý. Từ Trung ương đến địa phương đã triển khai hết sức bài bản, thống nhất, khoa học, dễ thực hiện, phù hợp. Các địa phương rất chủ động, tích cực thực hiện giáo dục STEM cấp tiểu học thể hiện thông qua việc xây dựng Chương trình, Đề án. Có các chính sách đặc thù riêng của từng địa phương để hỗ trợ, thúc đẩy triển khai đạt kết quả tốt.

“Tôi rất ấn tượng với các báo cáo của các đơn vị thí điểm. Rất đúng với STEM, các báo cáo đều có Clip minh hoạ kèm thuyết trình. Dạy học STEM tạo cho việc học nhẹ nhàng, kiến thức tự nhiên sẽ đến với các em chứ không phải gượng ép. Rất mong các thầy cô có những kiến nghị sát với thực tế địa phương, đơn vị để Bộ GD&ĐT có sự đánh giá sát hơn, thực tế hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Dương Văn Chính - Hiệu trưởng Trường tiểu học Sapa cho ý kiến thảo luận tại Hội nghị.

Ông Dương Văn Chính - Hiệu trưởng Trường tiểu học Sapa cho ý kiến thảo luận tại Hội nghị.

Theo ông Dương Văn Chính - Hiệu trưởng Trường tiểu học Sapa (tỉnh Lào Cai), được triển khai thí điểm giáo dục STEM tạo thuận lợi cho giáo viên tiếp cận với thiết bị, công nghệ dạy học mới. Tuy nhiên, hiện có nhiều tài liệu tham khảo, tài liệu dạy học STEM, gây khó khăn cho giáo viên trong việc lựa chọn. Rất mong Bộ thẩm định, thống nhất hoặc hướng dẫn thống nhất một bộ tài liệu bổ trợ để giáo viên thuận lợi trong việc triển khai dạy học.

Còn ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ thì khẳng định, việc triển khai dạy học STEM ở cấp tiểu học đã giúp nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên được nâng lên. Thầy cô có niềm tin, có đường nét để thực hiện thắng lợi Chương trình GDPT 2018.

Ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho ý kiến thảo luận tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho ý kiến thảo luận tại Hội nghị.

“Chúng tôi chú trọng công tác truyền thông, trong đó truyền thông nội bộ là trọng tâm. Tất cả các trường tiểu học thí điểm STEM ở Cần Thơ đều có góc trưng bày các sản phẩm của học sinh. Điều này giúp cho phụ huynh tin tưởng, bởi họ trực tiếp thấy được sản phẩm của con mình. Vì thế, họ sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để thầy cô và học thực hiện các hoạt động STEM”, ông Tăng chia sẻ.

Chung quan điểm với Sở GD&ĐT Cần Thơ, đại diện các Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế, Hà Nội, Vĩnh Long, Đắk Lắk đều đánh giá cao tính tính hiệu quả và những tín hiệu tích cực khi triển khai STEM ở cấp tiểu học.

“Những gì mà Kế hoạch của Bộ đưa ra thí điểm, nay đã được khẳng định bằng sản phẩm của chính các em học sinh. Tôi rất ấn tượng khi tham quan các gian hàng trưng bày tại ngày hội STEM. Các em rất tự tin, trả lời trôi chảy, nhanh nhẹn các câu về quy trình, kỹ thuật, phương pháp… để tạo ra sản phẩm. Điều đó chứng tỏ, các em đã thực sự tiếp cận với STEM rất hiệu quả. Chúng tôi tin tưởng STEM sẽ thành công, góp phần xây dựng một thế hệ công dân toàn cầu”, đại diện Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế nói.

Đại diện Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế tham gia ý kiến thảo luận tại Hội nghị.

Đại diện Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế tham gia ý kiến thảo luận tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho rằng, với những kết quả trong triển khai thí điểm giáo dục STEM đối với cấp tiểu học, cụ thể là các sản phẩm các em mang đến trưng bày tại đây, tôi cho rằng Bộ hãy để cho các trường học được tận hưởng mô hình giáo dục tiên tiến, thiết thực này trong việc phát triển, phẩm chất, năng lực học sinh.

Trả lời ý kiến của đại biểu, TS. Thái Văn Tài cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng bộ tài liệu khung do các chuyên gia hàng đầu về giáo dục STEM thiết kế. Các địa phương sẽ căn cứ vào khung để xây dựng bộ tài liệu cho địa phương theo quy định của Bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu kết luận Hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng giao 3 nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới: Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và tuyên truyền cho học sinh, gia đình về vai trò, ý nghĩa của giáo dục STEM.

Thứ hai, hoàn thành trang web chứa kho dữ liệu bài giảng chuẩn hoá để giáo viên tham khảo.

Thứ ba, tập huấn đầy đủ các nội dung về giáo dục STEM cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên.

Thứ trưởng cũng gợi ý, Vụ Giáo dục tiểu học cần nghiên cứu triển khai cho cả 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh chọn khoảng 5 phòng GD để làm thí điểm. Đối với các tỉnh đã thí điểm thì có thể triển khai diện rộng nhưng phải bảo đảm thực hiện là phải thành công.

“Một trường thí điểm mà không thành công sẽ làm mất đi 1 chủ trương, mất niềm tin của cả chương trình. Ví như trường chuẩn quốc gia, bên ngoài gắn biển chuẩn, thì bên trong phải chuẩn toàn diện, chứ nội bộ lục đục, công việc yếu, chất lượng thì thấp … là không được. Vì thế STEM cũng phải làm theo lộ trình, làm ít, thí điểm trước, làm chắc với quan điểm, chọn đúng người, giao đúng việc, có kiểm tra, giám sát, giao việc gắn với giao trách nhiệm”, Thứ trưởng trao đổi thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.