Nóng trong tuần: Công bố Đại hội Thể thao HS Đông Nam Á; góp ý Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Công bố Đại hội Thể thao HS Đông Nam Á, góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, bắt đầu thi tuyển sinh lớp 10 là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu khai mạc tại chương trình. Ảnh: Đình Tuệ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu khai mạc tại chương trình. Ảnh: Đình Tuệ.

Công bố Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13

Ngày 22/5, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND Thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ công bố Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13.

Với thông điệp “Kết nối cùng tỏa sáng", Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 29/5 đến 9/6/2024 tại thành phố Đà Nẵng.

Đại hội có sự tham gia của hơn 1.300 vận động viên, huấn luyện viên từ đoàn thể thao của 10 quốc gia: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và chủ nhà Việt Nam.

Các vận động viên sẽ tham gia tranh tài ở 6 môn thể thao: Bơi, điền kinh, cầu lông, bóng rổ, pencak silat, vovinam với tổng cộng 107 nội dung thi đấu.

Linh vật của Đại hội là voọc chà vá chân nâu, loài động vật quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam, được tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới cũng như Việt Nam xếp ở mức “Nguy cấp”. Thông qua hình ảnh linh vật này, ASG lần thứ 13 cũng truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường tới mỗi em học sinh nói riêng và cả cộng đồng nói chung.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhận định: Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á là sự kiện thể thao học đường lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được Chính phủ và nhân dân các nước ASEAN rất quan tâm.

Đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Việt Nam không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển giáo dục, thể dục thể thao, mà còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại giao và du lịch. Hoạt động này góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước ASEAN, quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa của Việt Nam đến các quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai các chương trình, hoạt động thể thao, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học, nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên cho học sinh; gắn giáo dục thể chất, thể thao trường học với giáo dục ý chí, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống nhằm phát triển đội ngũ nhân lực có trí tuệ phát triển cao, thân thể cường tráng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội thể thao học sinh là cơ hội để các em vận động viên, học sinh được giao lưu, học hỏi, nâng cao thành tích chuyên môn trong thể thao học đường; là cơ hội để lan toả thông điệp đến nhà trường, gia đình, cộng đồng xã hội nhằm chung tay vì sứ mệnh nâng cao thể chất, tầm vóc người Việt Nam, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và một số chuyên gia, nhà khoa học dự hội thảo. Ảnh Moet.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và một số chuyên gia, nhà khoa học dự hội thảo. Ảnh Moet.

Hội thảo khoa học lý luận, thực tiễn về chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo

Góp ý xây dựng Luật Nhà giáo tiếp tục là vấn đề giáo dục thu hút nhiều sự quan tâm trong tuần qua. Hoạt động quan trọng về nội dung này là Hội thảo khoa học lý luận, thực tiễn về chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo tổ chức ngày 21/5, do Bộ GD&ĐT phối hợp với hai trường thuộc ĐHQG Hà Nội là Trường ĐH Luật và Trường ĐH Giáo dục tổ chức.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò, sự cần thiết của chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Theo PGS.TS Lê Thái Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là một yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo rằng các giáo viên, giảng viên đủ điều kiện và có đủ năng lực, phẩm chất để giảng dạy.

Các cơ quan cấp phép yêu cầu ứng viên phải hoàn thành một chương trình đào tạo giáo viên được công nhận, vượt qua các kỳ thi về kỹ năng cơ bản và chuyên môn, và thường xuyên cập nhật kiến thức để duy trì chứng chỉ qua các khoá đào tạo nâng cao.

Tại Việt Nam, việc đưa ra quy định bắt buộc về cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo sẽ là một thay đổi căn bản góp phần đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo viên, về cả kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến thì cho rằng, khi công bố dạy học là một nghề thì đương nhiên sẽ đẩy vị thế của việc dạy học đi lên và buộc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, muốn dạy học, nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề. Điều này khẳng định, nghề giáo không phải là một hoạt động nghiệp dư nữa mà là một hoạt động chuyên nghiệp và giáo viên trở thành một nhà giáo chuyên nghiệp.

Liên quan đến vấn đề đạo đức nhà giáo, GS.TS Phạm Hồng Thái, Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh cần có những điều chỉnh thống nhất về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, quy định đạo đức nghề nghiệp của mọi nhà giáo cả khu vực công, khu vực tư và được áp dụng đối với cả nhà giáo nước ngoài làm việc ở các cơ sở giáo dục của Việt Nam, cơ sở giáo dục của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Không phân biệt đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo ở các cấp học.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Luật Nhà giáo là vấn đề mới, khó, phức tạp nên cần phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học và mọi tầng lớp trong xã hội. Bộ GD&ĐT, Ban soạn thảo luôn lắng nghe, tổng hợp tất cả các ý kiến để cùng các chuyên gia, nhà khoa học phân tích, đánh giá, lựa chọn đưa vào Luật các nội dung, hàm lượng phù hợp.

Về chứng chỉ hành nghề, các chuyên gia tại hội thảo khẳng định phải có và cần chuyên nghiệp hóa chứng chỉ hành nghề nhà giáo. Ý kiến tại hội thảo đã nêu rõ, tất cả tựu chung lại để phát triển đội ngũ giáo viên và phát triển ở 5 yếu tố quan trọng nhất gồm: công tác quản lý phát triển, cơ sở đào tạo giáo viên phát triển, cơ sở giáo dục sử dụng giáo viên phát triển, bản thân nhà giáo phát triển và học sinh phát triển.

Đối với đạo đức nhà giáo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, ngoài đạo đức của một công dân, một viên chức bình thường thì cần có những đặc trưng riêng của ngành nghề. Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo vừa là tôn vinh, trách nhiệm và tạo nên vị thế của nhà giáo.

Thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi tại trường THPT huyện Mường Tè. Ảnh: Hà Thuận.

Thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi tại trường THPT huyện Mường Tè. Ảnh: Hà Thuận.

Bắt đầu Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT

Tuần qua, một số địa phương đã bắt đầu Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025.

Sáng 25/5, 3.853 học sinh lớp 9 bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đầu tiên do Trường phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh tổ chức tại 3 điểm thi. Kỳ thi diễn ra trong hai ngày 25 và 26/5.

Ngoài kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Trường phổ thông Năng khiếu, TP.Hồ Chí Minh còn một kỳ thi tuyển sinh lớp 10 diễn ra ngày 6 và 7/6, do Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh tổ chức.

Tại Lai Châu, chiều 25/5, trên 5.000 học sinh đã đến các điểm thi để làm thủ tục đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025.

Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh này, tổng số học sinh dự kiến tuyển là 6.056. Trong khi đó, toàn tỉnh có trên 5.500 thí sinh đăng ký dự thi, thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu sẽ diễn ra trong 2 ngày 26 27/5. Thí sinh thi bắt buộc 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Học sinh thi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thi thêm 1 bài thi môn chuyên.

Tại Hà Nội, trong tuần qua, các trường THCS khẩn trương bàn giao phiếu báo dự thi lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 cho học sinh. Cùng phiếu báo dự thi, các nhà trường cùng bàn giao cho phụ huynh, học sinh Giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời, học bạ THCS để học sinh và gia đình chủ động tính toán các phương án về trường lớp theo nguyện vọng.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 sẽ diễn ra vào ngày 8 - 9/6 với hơn 106.000 học sinh đăng ký dự thi.

Công bố Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023 cho khu vực Đông Nam Á

Ngày 24/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT dự lễ công bố Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023 cho khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo chỉ ra rằng, công nghệ đang thay đổi cách thức tổ chức giáo dục ở Đông Nam Á; ghi nhận việc tăng cường tiếp cận học tập của người học ở vùng sâu, vùng xa và trong các trường hợp khẩn cấp nhờ công nghệ; song đồng thời cảnh báo đó không phải là một giải pháp tổng thể để giải quyết những thách thức lớn trong giáo dục.

Ở cấp độ khu vực, Đông Nam Á đã đặt ưu tiên cao cho công cuộc cải cách công nghệ vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Song, có khoảng trống còn tồn tại để tất cả người học đều hưởng lợi từ toàn bộ tiềm năng của công nghệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.