Nóng trong tuần: Ngày hội khởi nghiệp cho HSSV; bàn thảo xây dựng Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Ngày hội khởi nghiệp cho HSSV; họp Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo; sai phạm cấp chứng chỉ ngoại ngữ… là thông tin giáo dục được chú ý tuần qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tham quan các gian trưng bày dự án khởi nghiệp của HSSV.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tham quan các gian trưng bày dự án khởi nghiệp của HSSV.

Ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho HSSV

Sáng 12/5, tại Trường ĐH Cần Thơ, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI (SV_STARTUP 2024).

Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn - Bùi Quang Huy.

Báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục đại học.

Đến nay, hơn 60% các địa phương triển khai xây dựng kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức hoạt động dưới các hình thức phong phú, đa dạng nhằm tuyên truyền, phổ biến cho học sinh các nội dung, hoạt động về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

100% cơ sở giáo dục đại học ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên và người học. Gần 30% cơ sở giáo dục đại học hình thành và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của đơn vị...

Đến nay, ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV đã thu hút hơn 3.000 dự án khởi nghiệp, hơn 4.000 ý tưởng khởi nghiệp với hơn 20.000 học sinh, sinh viên tham gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia HSSV.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia HSSV.

Phát biểu tại buổi lễ, Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả tích cực về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh sinh viên, thanh niên Việt Nam thời gian qua, đóng góp vào thành công chung của cả nước. Thủ tướng hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã tập trung chỉ đạo tổ chức tốt Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên hằng năm, từ năm 2018 đến nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập của hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp học sinh, sinh viên nói riêng. Từ đó, chỉ đạo một số định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã luôn dành sự quan tâm, ưu tiên cho ngành Giáo dục và “đã truyền cảm hứng cho những người đi truyền cảm hứng cho hoạt động khởi nghiệp của đất nước”, thay mặt ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Sẽ tiếp thu đầy đủ, triệt để, sâu sắc và sẽ thực hiện đầy đủ nội dung, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng với định hướng “Nuôi dưỡng ý tưởng, thổi bùng đam mê, quyết tâm kiên trì, không ngại thách thức để lập nghiệp thành công”.

15 nội dung chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng cũng được Bộ trưởng cam kết sẽ triển khai đầy đủ trong thực tế để Ngày hội khởi nghiệp của học sinh, sinh viên sẽ ngày càng tốt hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày hội.

Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ VI có các hoạt động chính: Tham quan các gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của HSSV; Chương trình khai mạc, bế mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV; Diễn đàn kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường ĐH, cĐ; Diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho HSSV; Chung kết Cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI (SV-STARTUP-lần thứ VI); Hoạt động giao lưu, trình diễn công nghệ cao giữa các đoàn tham dự Ngày hội.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các ý tưởng khởi nghiệp năm nay có chất lượng, đa dạng, nội dung ý tưởng tập trung vào giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội. Số lượng học sinh THCS tham gia năm nay tăng so với các cuộc thi trước. Dự án của khối sinh viên các cơ sở đào tạo tại Cuộc thi lần này mang tính ứng dụng công nghệ mới như IOT, Big Data và AI. Nhiều dự án đã được HSSV triển khai và bước đầu thành công.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận phiên họp toàn thể Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận phiên họp toàn thể Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo.

Phiên họp toàn thể Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo

Sáng 7/5, Bộ GD&ĐT tổ chức phiên họp toàn thể Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo và Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Phó trưởng ban thường trực Ban soạn thảo chủ trì phiên họp. Cùng dự có thành viên Ban soạn thảo, thành viên Tổ biên tập, các chuyên gia.

Tại Phiên họp, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã báo cáo tiến độ triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo; chia sẻ định hướng của Bộ GD&ĐT trong đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo.

Theo đó, tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục"; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục (trong đó có nhà giáo).

Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo. Điều chỉnh các vấn đề về nhà giáo nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của nhà giáo.

Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển của giáo dục, khoa học, công nghệ trên thế giới (nhất là trí tuệ nhân tạo) để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập. Xây dựng chính sách bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, an sinh và môi trường làm việc.

Phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, xã hội hóa; đồng thời đảm bảo xây dựng theo hướng cụ thể, chi tiết, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn để Luật có thể nhanh chóng, dễ dàng đi vào cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại phiên họp toàn thể Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại phiên họp toàn thể Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, mục đích, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng Luật đã rất rõ; vấn đề là cần trả lời được câu hỏi mà 1,6 triệu nhà giáo quan tâm, đó là: Nhà giáo sẽ được gì khi ban hành Luật? Lực lượng nhà giáo nói chung sẽ được phát triển gì thêm từ Luật này?

Để tạo sự đồng thuận, việc truyền thông chỉ là ngọn, nội dung các điều khoản của Luật mới là gốc. Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ quan điểm: Nội dung Luật Nhà giáo không thể quá ôm đồm, nhưng những nội dung quan trọng mà chúng ta mong muốn, kỳ vọng phải được đề cập, thông qua. Một số nội dung nếu có va chạm, mâu thuẫn, trùng lặp với các văn bản quy phạm pháp luật khác, nhưng tốt cho nhà giáo thì kiên quyết đưa vào…

Ngoài các quan điểm chung nói trên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh một số vấn đề lớn như: Vị thế của nhà giáo, phát triển, tôn vinh và bảo vệ nhà giáo; đời sống, lương, thu nhập, điều kiện làm việc của nhà giáo; chứng chỉ hành nghề; quản lý nhà nước đối với nhà giáo…

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Kết luận thanh tra một số đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ

Tuần qua, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có kết luận thanh tra đối với một số đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.

Theo kết quả thanh tra, trước thời điểm được Bộ GD&ĐT cấp phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, có đơn vị này đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép, vi phạm quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Đơn cử, tại Kết luận số 18/KL-TTr ngày 24/4/2024 nêu rõ: Từ ngày 1/1/2022 đến ngày 9/9/2022, chưa được phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định, Công ty TNHH Giáo dục IDP đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số 46.643 chứng chỉ.

Từ ngày 10/9/2022 đến ngày 16/11/2022, chưa được phép tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, Công ty TNHH Giáo dục IDP đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số 9.587 chứng chỉ.

Dư luận băn khoăn về số phận của hàng chục nghìn chứng chỉ nói trên và Bộ GD&ĐT đã có phản hồi về vấn đề này. Theo đó, trong thông tin phát đi vào ngày 9/5 vừa qua, Bộ GD&ĐT khẳng định: Các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.

Thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có), bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học và người dự thi, đúng quy định của pháp luật.

Ngoài, ra trong tuần qua cũng có một số thông tin, hoạt động giáo dục đáng chú ý như: Kết thúc thời gian đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đã có 1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi trên hệ thống đăng ký thi của Bộ GD&ĐT; Lễ ký Chương trình phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Hội Khuyến học Việt Nam về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024-2030; Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã gặp mặt, động viên đoàn cán bộ, học sinh tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024; Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao quyết định công nhận Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhiệm kỳ 2020-2025 cho PGS.TS Phạm Văn Thuần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ