Tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học
Ngày 16/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.
Chỉ thị nêu rõ: Những năm qua, Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp được tổ chức ngày càng nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn, cơ bản đáp ứng được mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, năng lực học sinh và yêu cầu tuyển sinh.
Tuy nhiên, công tác tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: một số địa phương, đơn vị chưa thật chủ động, quyết liệt trong công tác tổ chức, thực hiện; công tác phối hợp còn thiếu nhịp nhàng, chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; công tác truyền thông chưa đầy đủ, kịp thời; tình trạng sử dụng công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi ngày càng tinh vi, phức tạp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện; phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả, thông suốt; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện; thực hiện đúng quy định, quy chế tổ chức thi; thông tin, truyền thông phải chủ động, kịp thời, đầy đủ; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, xử lý linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia Kỳ thi.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ GD&ĐT, UBND cấp tỉnh và các bộ, ban hành, cơ quan liên quan trong phối hợp tổ chức Kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì phiên đầu tiên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. |
Liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cùng ngày 6/5, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 họp phiên đầu tiên. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Nhấn mạnh tầm quan trọng, tính chất nhạy cảm, tác động xã hội lớn, quy mô trên toàn quốc của Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Thứ trưởng yêu cầu cần chuẩn bị từ sớm, từ xa, phối hợp nhịp nhàng, thông suốt; cách làm việc khoa học, chặt chẽ; tuyệt đối không lơ là, chủ quan ở bất cứ khâu nào.
5 nhóm vấn đề được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý cụ thể. Đó là, công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, Ban Chỉ đạo các cấp sâu sát, toàn diện; công tác phối hợp nhịp nhàng, thông suốt, chặt chẽ; công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn, an ninh; công tác tổ chức thực hiện đúng quy trình, đúng quy chế; công tác truyền thông chủ động, kịp thời, đầy đủ và toàn diện.
Yêu cầu “4 đúng”, “3 không” trong tổ chức Kỳ thi; mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi, không gây áp lực, căng thẳng được Thứ trưởng nhấn mạnh lại trong phiên họp đầu tiên.
Học sinh Việt Nam nhận giải Nhì tại lễ trao giải. |
Học sinh Việt Nam giành giải cao Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2024
Đoàn học sinh Việt Nam tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2024 (Regeneron ISEF 2024) đã giành được 1 giải Nhì.
Đây là giải cao nhất học sinh Việt Nam giành được sau 12 năm kể từ khi Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được tổ chức trên phạm vi cả nước và tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế từ năm 2013 đến nay.
Cụ thể, giải Nhì của đoàn Việt Nam thuộc lĩnh vực Phần mềm hệ thống. Đó là dự án của em Nguyễn Lê Quốc Bảo và em Lê Tuấn Hy, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh.
Dự án của 2 học sinh này đồng thời cũng nhận được Giải Tư (Special Awards) do Hiệp hội Tin học Hoa Kỳ trao tặng.
Trước đó, vào năm 2012 - trước thời điểm Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT, học sinh Việt Nam từng giành 1 giải Nhất lĩnh vực của học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Regeneron ISEF 2024 được tổ chức từ ngày 11-17/5/2024 tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Hội thi năm nay có 67 quốc gia tham dự với 1699 học sinh trung học và 1353 dự án dự thi. Trong đó có 1082 dự án cá nhân, 271 dự án tập thể thuộc 21 lĩnh vực.
Đoàn Việt Nam tham dự Cuộc thi năm nay có 9 dự án, 1 dự án cá nhân và 8 dự án tập thể thuộc 9 lĩnh vực.
Tổng số giải của Regeneron ISEF 2024 (bao gồm giải Nhất, Nhì, Ba, Tư) chiếm khoảng 25% tổng số dự án dự thi. Trong đó, mỗi lĩnh vực có 1 giải Nhất, một số ít lĩnh vực có nhiều dự án dự thi được trao 2 giải Nhất; từ 2-3 giải Nhì; còn lại là giải Ba và giải Tư.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi và Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết trao giải Nhất cho khối học sinh. |
Bế mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2024
Chiều 13/5, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức lễ trao giải các dự án và bế mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI.
Ngày hội có sự tham gia của 200 cơ sở giáo dục đại học và các Sở GDĐT trên cả nước, hơn 300 đại biểu khách mời, 500 cán bộ giảng viên, 5.000 lượt học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục đại học, các trường THPT, THCS tham gia các hoạt động.
Kết quả chung cuộc Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI, Ban Tổ chức đã công bố và trao giải 10 giải Nhất, 20 giải Nhì, 30 giải Ba, 20 Khuyến khích.
Đối với khối sinh viên 5 dự án đạt giải Nhất đến từ các trường Trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Thủy Lợi và Đại học Bách khoa Hà Nội. Đối với khối học sinh 5 giải Nhất thuộc về dự án học sinh Sở GDĐT Lạng Sơn, Sở GD&ĐT TPHCM (2 giải), Sở GD&ĐT Hà Nội (2 giải).
Phát biểu bế mạc Ngày hội, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đánh giá: Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI tại Cần Thơ có ý nghĩa đặc biệt, kết thúc một hành trình 5 năm và đến năm 2025 là giai đoạn kết thúc Đề án 1665. Từ đó, sơ kết đánh giá những kết quả đã đạt được và hướng tới xây dựng đề án mới, những nhiệm vụ mới, chặng đường mới ý nghĩa hơn.
Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI, đã thu hút được đông đảo các cơ sở giáo dục, các bạn học sinh, sinh viên và cộng đồng các doanh nghiệp tham gia.
Tất cả học sinh, sinh viên đã tập trung thể hiện bản lĩnh, thể hiện sức trẻ, nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo, tinh thần vì cộng đồng, vận dụng các kiến thức, kỹ năng để đưa ra các sáng kiến, các giải pháp giải quyết các vấn đề của cộng đồng, của xã hội và hình thành nên những ý tưởng sáng tạo.
Những dự án khởi nghiệp mang tính đột phá không chỉ để tham dự Cuộc thi này mà còn nhằm mục mang lại những giá trị hữu ích cho bản thân, cộng đồng và xã hội.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư tham dự Ngày hội sẽ quan tâm và tiếp tục hỗ trợ các dự án. Để các em học sinh, sinh viên có thể nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp của mình, có thể sớm thành lập được doanh nghiệp khởi nghiệp và góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. |
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Sáng 15/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Bộ GD&ĐT. Buổi làm việc được tiến hành ngay sau lễ công bố Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 cho PGS.TS Nguyễn Đức Sơn.
Tại buổi làm việc, vấn đề trọng tâm được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh liên quan đến vai trò, vị trí và những việc cần làm của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong đổi mới phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của ngành.
Theo Bộ trưởng, đặt trong toàn bộ hệ thống, xu thế vận hành của ngành, đất nước, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đang có nhiều lợi thế, thuận lợi cho sự phát triển; với trị trí là trường sư phạm trọng điểm của cả nước, là đơn vị then chốt, quan trọng trong hệ thống giáo dục - đào tạo. Trong khi đó, chính sách của Đảng, Chính phủ đều đặt giáo dục - đào tạo ở vị trí rất quan trọng.
Trong bối cảnh đổi mới, là “máy cái”, Bộ trưởng cho rằng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cần đổi mới triệt để, từ mô hình, cách thức dạy và học; đặc biệt là đổi mới mô hình đào tạo giáo viên.
Bộ trưởng chia sẻ: Mô hình đào tạo giáo viên phổ biến nhất hiện nay trên thế giới là từ các ngành cử nhân cộng với nghiệp vụ sư phạm được huấn luyện đầy đủ và trước khi hành nghề có sát hạch chứng chỉ hành nghề. So sánh với mô hình đào tạo theo hướng truyền thống chuyên sâu sư phạm, Bộ trưởng gợi mở việc cần xem xét mô hình đào tạo năng động, giàu sức sống, phù hợp với việc thiết kế mô đun hoá hiện nay.
“Nếu đổi mới mô hình đào tạo giáo viên, chúng ta sẽ đào tạo được hệ thống rất nhiều ngành nghề, cộng với nghiệp vụ sư phạm. Theo mô hình này, toàn bộ hệ thống của trường sẽ năng động, giàu sức sống, phù hợp với cách tổ chức đào tạo mới, với mô hình các trường đại học trong thời kỳ hiện đại” - Bộ trưởng nói và lưu ý, trong mô hình đó, vẫn ưu tiên các ngành khoa học cơ bản, lấy trọng tâm là khoa học cơ bản để làm nền tảng đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, có thể mở rộng thêm một số lĩnh vực đào tạo khác theo đúng đa ngành.
Khi đào tạo như vậy, việc tuyển sinh sẽ rộng mở hơn, có nguồn lực lớn hơn để phát triển nhà trường; việc xây dựng đội ngũ cũng sẽ khác; tư duy trong nghiên cứu, đào tạo của các thầy cô cũng sẽ có điều chỉnh.
Chia sẻ thêm về mô hình của một số trường sư phạm của Trung Quốc khi chuyển động theo hướng trở thành các tập đoàn giáo dục, qua đó đáp ứng nhu cầu giáo dục đa dạng, phong phú của xã hội, Bộ trưởng nhắn gửi “với tất cả sự kỳ vọng, phó thác, với nhiệm kỳ mới, việc lớn nhất của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là điều chỉnh đường hướng, đường đi nước bước”.
Chiều 13/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã tham dự và có bài phát biểu tại tại Hội thảo quốc gia "Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập" do Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Tại đây, Bộ trưởng cho rằng, các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí thế nào thì được công nhận là đại học thông minh, đại học số; cơ chế phối hợp xây dựng, tích hợp, đảm bảo chất lượng, chia sẻ, khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở, các khoá học trực tuyến đại chúng mở của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; chính sách ghi nhận, công nhận kết quả tự học từ các nền tảng số và truyền thông... cần được làm sáng tỏ trong thời gian sắp tới.