Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những vấn đề giáo dục phải quyết tâm làm

GD&TĐ - Những việc phải quyết tâm làm được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Nhiều kết quả đạt được trong thách thức

Tại hội nghị, ý kiến của các đơn vị vụ, cục, các trường đều thống nhất: Năm 2022, trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức, ngành Giáo dục đã đứng vững và thực hiện được tốt các nhiệm vụ của mình. Các mục tiêu, yêu cầu, chỉ số, các công việc lớn, quan trọng, chủ yếu và hầu hết được hoàn tất. Trong đó, có những nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, có những việc kết quả nổi trội.

Cũng đánh giá kết quả một cách khái quát như trên, theo Bộ trưởng, kết quả này là nỗ lực chung của cả nước, cả hệ thống, sự ủng hộ hậu thuẫn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là sự cố gắng lớn của toàn ngành Giáo dục, sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng đồng sức của toàn ngành.

Trong phát biểu, Bộ trưởng nhấn mạnh nhiều đến những thách thức của ngành trong năm vừa qua. Từ đó cho thấy kết quả đạt được là vô cùng đáng ghi nhận.

Theo Bộ trưởng, năm 2022 là năm công việc nhiều, khó khăn lớn, thách thức cao. Chúng ta có khoảng 25 triệu học sinh; 50 nghìn cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học; 1,6 triệu nhà giáo với lượng công việc khổng lồ. Số nhân lực, cơ sở như vậy lại trong giai đoạn chuyển đổi căn bản, toàn diện trong điều kiện vừa đi ra từ chống dịch.

Ngành Giáo dục triển khai chương trình mới, vừa thay sách giáo khoa cho các lớp 3, 7, 10; vừa tổ chức biên soạn thẩm định sách giáo khoa lớp 4, 8, 11, cùng rất nhiều các công việc khác cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bản thân việc đó cũng đầy thách thức vì trong cùng một năm phải triển khai nhiều lớp hơn hẳn những năm trước, lại trong điều kiện sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, về giáo viên, các điều kiện khác đầy khó khăn. Đặc biệt hơn nữa là triển khai những việc lớn trong bối cảnh vừa chống dịch, vừa ứng phó với dịch bệnh. Vì vậy, có thể nói khó khăn chồng chất khó khăn.

Theo Bộ trưởng, hệ lụy dịch bệnh để lại, nếu khủng hoảng kinh tế có thể nhìn thấy ngay, nhưng khó khăn trong giáo dục là rất khó đo đếm. Trong khi đó, giáo dục không chỉ đổi mới mà đang vượt qua thách thức của phát triển; thách thức của sự kỳ vọng và yêu cầu.

Nhưng chúng ta đã vượt qua được thách thức lớn đó, vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa khắc phục khó khăn, vừa chống dịch, vừa đổi mới, thực hiện yếu tố chất lượng, cạnh tranh với thế giới, vừa đưa giáo dục đi lên...

Liên hợp quốc trong Hội nghị thượng đỉnh giáo dục tổ chức tại New York, Hoa Kỳ tháng 9/2022 đã xác định năm 2022 là năm tái thiết giáo dục. Thống kê của Liên hợp quốc, sau đại dịch, nhóm 20 quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới hầu như đứng vững. Nhưng các quốc gia nghèo, không có hạ tầng tốt để chuyển sang dạy học trực tuyến gần như đóng cửa, sau mở cửa không biết bắt đầu từ đâu vì học sinh phải bỏ học, kinh tế thì bị ảnh hưởng… Nhìn trên bình diện toàn cầu như vậy, mới thấy những việc mà chúng ta đã làm được, đã đưa mọi việc trở lại bình thường là đáng quý.

Bên cạnh các kết quả, Bộ trưởng cũng chia sẻ một số việc chưa được như mong muốn, một số vấn đề còn hạn chế, tồn tại khi nhìn lại năm cũ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thể hiện niềm tin sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ trong năm mới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thể hiện niềm tin sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ trong năm mới.

Những việc trọng tâm và phải quyết tâm làm

Chia sẻ về những nội dung quan trọng cần thực hiện trong năm mới, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh một số vấn đề cần quyết tâm làm.

Một là phải cố gắng hết sức để thực hiện được yêu cầu các đoàn thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra. Việc này phải xử lý dứt điểm, không né tránh, không làm cho xong, không làm đối phó.

Hai là thực hiện các tiến độ liên quan đến triển khai Chương trình GDPT 2018. Năm 2023 là năm tập trung một khối lượng công việc khổng lồ. Theo đó, tiếp tục triển khai chương trình mới đến các lớp 4, lớp 8, lớp 11; thẩm định, ban hành SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12. Lượng công việc rất lớn và thách thức sẽ nhân lên. Nhưng đây là nhiệm vụ chính trị, không có cách gì khác là phải làm đúng tiến độ và làm với chất lượng tốt nhất.

Thứ 3 là làm tốt các công việc giải trình xã hội, tổng kết Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

“Nếu tổng kết Nghị quyết 29 không tốt, tất cả những việc chúng ta làm trong thời gian qua sẽ không được nhìn nhận đúng”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, phải hiểu đúng bản chất và đầy đủ những gì đã làm, để tư vấn, tham mưu cho Trung ương Đảng đề xuất các chỉ đạo tiếp theo cho sát đúng, tiếp tục mở đường cho bước đi tiếp theo. “Với Nghị quyết của Quốc hội cũng vậy. Nhiệm vụ này chúng ta phải cố gắng làm thật tốt”, Bộ trưởng nêu quyết tâm.

Thứ tư là những việc liên quan đến thể chế. Về vấn đề này, Bộ trưởng nhấn mạnh đến rà soát, điều chỉnh một số văn bản quy phạm pháp luật, như Nghị định 116, Nghị định 99 về tự chủ đại học, Nghị định 81 về học phí… Đặc biệt là triển khai xây dựng Luật Nhà giáo cho thật tốt.

Hai vấn đề khác cũng được Bộ trưởng nhấn mạnh phải quyết tâm làm tốt liên quan đến thực hiện chuyển đổi số và công tác quy hoạch mạng lưới; đặc biệt là quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, trường CĐ sư phạm…

Về hạ tầng giáo dục, Bộ trưởng nhắc đến con số còn 20% cơ sở giáo dục phổ thông chưa được kiên cố hóa, phần tạm bợ lại chủ yếu rơi vào mầm non và tiểu học, nhiều trường đại học cơ sở vật chất cũng khó khăn. “Cần một giải pháp mang tính đột phá”. Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết sẽ kiên trì kiến nghị xây dựng chương trình hiện đại hóa hạ tầng cho giáo dục.

Thời điểm này, có thể thấy mức độ quan tâm với giáo dục đang được tăng dần, đầu tư đang gia tăng. Nguồn lực nhà giáo cũng rất được quan tâm, từ chỉ tiêu cho đến việc tăng lương được hưởng chung và đang xem xét tăng phụ cấp ưu đãi… Dù thách thức còn nhiều ở phía trước, nhưng trong bối cảnh này, Bộ trưởng thể hiện niềm tin, sự lạc quan, với tiềm năng, quyết tâm, khát vọng phát triển, với tinh thần nhân văn và trách nhiệm của nhà giáo, với tập hợp lực lượng trí tuệ lớn từ Bộ GD&ĐT đến các trường,… chúng ta sẽ làm tốt các công việc của năm mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.