Bộ GD&ĐT ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học
Ngày 5/2, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGD&ĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3/2024, áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, bãi bỏ Thông tư số 24/2015/TT-BGD&ĐT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.
Theo Thông tư, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.
Tiêu chuẩn 1, gồm 4 tiêu chí, quy định về tổ chức và quản trị. Tiêu chuẩn này yêu cầu cơ sở giáo dục đại học phải có tổ chức bộ máy ổn định, hệ thống quản trị hiệu quả, minh bạch.
Tiêu chuẩn 2, gồm 3 tiêu chí, quy định về giảng viên. Tiêu chuẩn này yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và quỹ thời gian để bảo đảm chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.
Tiêu chuẩn 3, gồm 4 tiêu chí, quy định về cơ sở vật chất. Tiêu chuẩn này yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có khuôn viên, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và học liệu đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Tiêu chuẩn 4, gồm 2 tiêu chí, quy định về tài chính. Tiêu chuẩn này yêu cầu cơ sở giáo dục đại học duy trì được cân đối tài chính, hiệu quả hoạt động và khả năng phát triển bền vững.
Tiêu chuẩn 5, gồm 5 tiêu chí, quy định về tuyển sinh và đào tạo. Tiêu chuẩn này yêu cầu cơ sở giáo dục đại học duy trì được chất lượng và hiệu quả về tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ người học.
Tiêu chuẩn 6, gồm 2 tiêu chí, quy định về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Tiêu chuẩn này yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, thể hiện qua nguồn thu từ các hoạt động này và kết quả công bố khoa học.
Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề.
Ảnh minh họa/ITN. |
Bộ GD&ĐT đề nghị thực hiện đúng quy định tuyển sinh vào lớp 10
Tuyển sinh vào lớp 10 THPT là thông tin được quan tâm tuần qua. Theo đó, bên cạnh các phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT được địa phương công bố, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 715/BGDĐT-GDTrH gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương liên quan đến nội dung này.
Công văn nêu rõ: Công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT được thực hiện theo Văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và THPT số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trong thời gian qua, hầu hết các địa phương đã thực hiện đúng quy định việc tuyển sinh vào THCS, THPT.
Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 có thêm một số nội dung không đúng quy định về việc tuyển thẳng, chế độ ưu tiên (như giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ).
Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn theo đúng quy định tại Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT.
Đối với các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên phải điều chỉnh bảo đảm đúng quy định tại Điều 7 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT và thông báo công khai đến các đối tượng liên quan. Chủ động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn.
Trong năm 2024, Bộ GDĐT sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại một số địa phương.
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành công văn trên, quy định về tuyển thẳng và cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 theo Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT cũng được các phương tiện truyền thông đưa lại.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc, thăm 2 trường đại học
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định Hiệu trưởng cho PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025. |
Chiều 23/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự Lễ công bố, trao Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025 và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của trường.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đề nghị trường xác định lại định hướng đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó phải xác định được điểm mạnh, điểm đặc sắc nhất, sở trường và cốt lõi của mình. Việc mở rộng ngành, lĩnh vực không quá rời xa lĩnh vực sở trường, thế mạnh truyền thống.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý nhà trường về định hướng trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu; bởi con đường này vừa xa vừa khó và chưa chắc đã phù hợp.
Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo Trường nghiên cứu, tái sắp xếp các chương trình, ngành nghề đào tạo trên cơ sở nhu cầu người học, nhu cầu việc làm của xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Trường ĐH Trà Vinh. |
Ngày 24/2, nhân buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu và Sóc Trăng về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn đầu năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng Đoàn công tác đã tới thăm Trường ĐH Trà Vinh.
Phát biểu tại buổi làm việc với tập thể sư phạm và sinh viên của Trường ĐH Trà Vinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ niềm vui trước sự lớn mạnh về quy mô từ cơ sở vật chất, ngành nghề đào tạo, đội ngũ nhân sự, số lượng sinh viên, quan hệ quốc tế… của nhà trường.
Bộ trưởng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả tốt đẹp của trường và cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương đối với giáo dục và đào tạo nói chung, trường nói riêng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Thời gian qua Trường ĐH Trà Vinh đã phát triển nhanh và đang có nhiều tiềm năng phát triển. Bộ trưởng đề nghị nhà trường xác định định hướng phát triển phù hợp trên cơ sở những lợi thế gắn với nhu cầu nhân lực của địa phương, của vùng. Nhà trường chú ý phát huy các lợi thế của trường như ngôn ngữ Khmer, sư phạm, nông - lâm - ngư nghiệp...