Nóng trong tuần: Kết quả thi chọn HSG quốc gia; phòng chống bạo lực học đường

GD&TĐ - Kết quả thi chọn HSG quốc gia, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp phòng chống bạo lực học đường là thông tin giáo dục nổi bật tuần qua

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Học sinh đạt giải năm nay đã phủ đều ở tất cả các địa phương

Ngày 25/1, Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024.

Được tổ chức vào các ngày 5 và 6/1/2024, Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024 có 5.812 thí sinh đến từ 70 đơn vị tham gia dự thi ở 12 môn thi: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp và Tiếng Trung Quốc. Hội đồng chấm thi đã chọn được 3.351 thí sinh đạt giải chiếm 57,65%.

Công tác chấm thi đã được Bộ GD&ĐT tổ chức theo đúng quy định của Quy chế thi bảo đảm yêu cầu an toàn, nghiêm túc, chính xác, khách quan, công bằng. Từ năm nay, bên cạnh việc cấp giấy chứng nhận cho các học sinh đoạt giải, các học sinh còn lại cũng được ghi nhận bằng giấy chứng nhận đã tham dự kỳ thi.

Quy định về số học sinh đạt giải năm nay tăng lên 10% so với năm ngoái đã động viên, khuyến khích học sinh nỗ lực học tập và rèn luyện. Kết quả chấm thi và xếp giải cho thấy số học sinh đạt giải năm nay đã phủ đều ở tất cả các địa phương trên cả nước.

Một số địa phương miền núi, biên giới, có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn nhưng bắt đầu đã có những học sinh đạt thứ hạng cao nhất trong kỳ thi.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời, phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.

Theo kế hoạch, tháng 3/2024, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức Kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2024, đối với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học.

Cơ quan Công an tuyên truyền pháp luật, phòng chống bạo lực học đường trong các trường học.
Cơ quan Công an tuyên truyền pháp luật, phòng chống bạo lực học đường trong các trường học.

Tăng cường công tác phối hợp trong phòng chống bạo lực học đường

Ngày 26/1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc “Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên”.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường;

Phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên được quy định tại các văn bản của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT. Kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định có liên quan.

Phối hợp với Bộ công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, nhân rộng các mô hình phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; triển khai hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học. Xây dựng tài liệu và triển khai các hoạt động giáo dục phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội phù hợp với các cấp học.

Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục kỹ năng sống;

Tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên, nhân viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, công tác Đoàn, Hội, Đội về kỹ năng ứng xử với mạng xã hội liên quan đến bạo lực học đường, giáo dục an toàn, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội đối với trẻ em, học sinh, sinh viên;

Tăng cường kỹ năng xử lý các tình huống có liên quan tới việc phát sinh bạo lực học đường; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với việc đảm bảo an toàn trường học do mình phụ trách.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các cơ quan, ban ngành của địa phương xây dựng và đồng bộ hoá hệ thống dữ liệu quản lý thông tin người học trên địa bàn để theo dõi, kịp thời tiếp nhận thông tin, phối hợp xử lý và thống kê, báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực học đường liên quan đến trẻ em, học sinh, sinh viên.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá và xây dựng cơ chế báo cáo thường xuyên, đột xuất về công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong các nhà trường. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền, công an địa phương thực hiện tốt chế độ giao ban về công tác an ninh, trật tự, an toàn trường học.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế tăng, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam trong thực hiện phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.

Trẻ tại Trường Mầm non 10-10 (Hoàng Mai, Hà Nội) ngủ với đầy đủ đệm, chăn ấm. Ảnh Đình Tuệ.
Trẻ tại Trường Mầm non 10-10 (Hoàng Mai, Hà Nội) ngủ với đầy đủ đệm, chăn ấm. Ảnh Đình Tuệ.

Tổ chức dạy học trong điều kiện giá rét

Tuần qua, không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ đã giảm rất sâu khiến nhiều địa phương, đặc biệt các tỉnh vùng núi phía Bắc chìm trong giá rét.

Trước tình hình đó, các trường học đã áp dụng linh hoạt hình thức dạy học để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Dù nhiệt độ thấp, theo quy định học sinh được nghỉ học, nhưng cán bộ, giáo viên, nhân viên vẫn đến trường đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ. Phụ huynh nếu bận đi làm không thể trông con hoàn toàn có thể đưa học sinh tới lớp.

Các điều kiện cơ sở vật chất để phòng tránh rét, bảo đảm sức khỏe cho học sinh cũng được các nhà trường chuẩn bị đầy đủ.

Một số trường triển khai dạy học trực tuyến trong những hôm nhiệt độ xuống quá thấp, học sinh phải nghỉ học.

Một số địa phương vẫn không cho học sinh nghỉ học dù nhiệt độ giảm sâu. Theo ghi nhận của PV Lao Động, nhiều trường Trường phổ thông dân tộc bán trú vùng cao vẫn duy trì việc lên lớp của học sinh.

Chia sẻ trên Lao Động, ông Trần Văn Chiến - Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Nà Khoang (Mường Và, Sốp Cộp, Sơn La) lý giải: Học sinh ở vùng cao đã quen với giá lạnh mỗi khi mùa đông đến. Các em lại ở bán trú tại trường nên không phải đi lại quãng đường xa để đến trường. Chưa kể nhiều học sinh nhà cách trường đến 20km, khi cho nghỉ bố mẹ lại phải đến đón về.

Thậm chí ở nhà các em ở trên các bản núi cao, thời tiết còn rét và buốt giá hơn ở trường. Chính vì thế, việc để các em ở lại trường và thực hiện các biện pháp giữ ấm cho học sinh vẫn được các nhà trường ưu tiên.

Chiều 26/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ công chức, viên chức, người lao động cơ quan Bộ năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định: trong năm qua, cơ quan Bộ GD&ĐT đã làm được nhiều việc với những kết quả, thành tựu đáng ghi nhận.

Khẳng định 2024 tiếp tục là một năm đầy thách thức bởi chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, Bộ trưởng lưu ý cần tiếp tục làm tốt các công việc liên quan đến triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018; chuẩn bị để Chương trình Giáo dục mầm non mới được ban hành và đi vào cuộc sống; có những điều chỉnh với giáo dục đại học; quan tâm nhiều hơn đến giáo dục thường xuyên và xây dựng xã hội học tập; triển khai nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Luật Nhà giáo…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ