Nóng trong tuần: 10 năm kiên cố hoá trường lớp học; Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội

GD&TĐ - Tổng kết công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường lớp, công bố Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội là thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023.

Tổng kết 10 năm xã hội hoá về kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên

Ngày 25/10, Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Hội nghị tổ chức theo hình trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh/thành phố.

Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm 2013, phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập đạt tỷ lệ kiên cố hoá là 65,9%; đến 2023, tỷ lệ này là 86,6%.

Trong giai đoạn 2013-2023, nguồn vốn xã hội hoá để đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên là rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc tăng tỷ lệ phòng học kiên cố hoá ở các địa phương.

Trong đó, số tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hoá để kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hoá trong 10 năm là khoảng 36.000 phòng. Số phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hoá trong 10 năm khoảng 1.300 phòng.

nth-9930-1784-5448.jpg
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá, trong 10 năm qua, công tác xã hội hóa có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng nhận định vẫn còn nhiều thách thức trong công tác này.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục. Trong đó chú trọng kiên cố hóa trường lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên. Đồng thời, cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Bộ GD&ĐT cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chỉ đạo rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp để đầu tư và huy động đầu tư trọng tâm, trọng điểm bảo đảm khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn; trong đó lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân số.

Đồng thời, đảm bảo ngân sách cho giáo dục và đào tạo, phân bổ nguồn lực thực hiện hiệu quả các tiểu dự án liên quan đến giáo dục đào tạo trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở các khu vực khó khăn. Giám sát, quản lý chặt chẽ không để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện.

nth-9985-5236-4654.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, kết quả thực hiện kiên cố hoá trường lớp thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ kiên cố hoá đã là rất cao so với 10 năm trước nhưng số chưa kiên cố hóa vẫn còn nhiều và lại chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn.

Những trường học tạm này lại nhiều nhất ở bậc học mầm non và tiểu học - các em nhỏ tuổi nhất trong lứa tuổi đi học cần được ưu ái chăm lo và cần phải được ngồi học trong những ngôi trường chắc chắn, có tiện nghi tối thiểu.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước trong GD-ĐT, trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công nhằm tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác. Bộ cũng sẽ rà soát các chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục để thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội cho việc này.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích mô hình hợp tác công tư trong giáo dục nhằm tối ưu hóa nguồn lực từ khu vực tư nhân.

kiem-dinh-vien-2214-8185.jpg

Công bố Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám

Ngày 17/10, Chính phủ có tờ trình số 656/TTr-CP gửi Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo. Theo chương trình, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khoá XV.

Dự thảo Luật Nhà giáo qua các phiên bản đã có sự điều chỉnh theo hướng ngắn gọn, thống nhất với Luật Viên chức và Bộ Luật Lao động trong một số quy định, đồng thời thiết kế các nội dung chính sách riêng cho nhà giáo.

Cụ thể, dự thảo 2 Luật Nhà giáo đăng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ gồm 9 chương, 71 Điều. Dự thảo 5 trình Quốc hội ngày 6/9/2024 gồm 9 Chương, 74 Điều. Dự thảo 5 trình Quốc hội ngày 17/10/2024 gồm 9 Chương 50 Điều.

Luật Nhà giáo kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo bỏ đề xuất quy định miễn học phí cho con nhà giáo; quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những việc không được làm theo hướng tăng tính bảo vệ đối với nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh; quy định về tuyển dụng nhà giáo đáp ứng đặc thù nghề nghiệp.

Luật Nhà giáo áp dụng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.

Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt. Theo đó nhà giáo công lập vẫn là viên chức, thực hiện các quy định của Luật viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo tại Luật này.

Nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài là người lao động đặc biệt, áp dụng theo quy định của Bộ luật Lao động và thêm những quy định đặc thù của nhà giáo tại Luật này.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định tường minh hơn về các tình huống sử dụng nhà giáo gắn với đặc trưng cấp học và trình độ đào tạo bao gồm: điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp.

phenikaa-5587-9654.jpg

Một trong những điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Trong đó, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.

Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.

Dự thảo Luật quy định việc bổ nhiệm do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao.

Bên cạnh đó, tại dự thảo mới, các quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo được quy định đầy đủ, theo hướng gia tăng các chính sách đãi ngộ để nhà giáo yên tâm công tác. Đồng thời, tăng cường chính sách thu hút đối với nhà giáo; quy định tuổi nghỉ hưu của nhà giáo phù hợp với hoạt động nghề nghiệp; quan tâm đào tạo nguồn nhà giáo; quy định cụ thể về nội dung, hình thức hợp tác quốc tế về nhà giáo;khẳng định vai trò chủ trì của Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động thương binh xã hội trong quản lý nhà nước về nhà giáo…

z5965897998288ee5b42e5bc18787c89f2ba083f7ff36e-828-2822.jpg
Phiên họp góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Góp ý những dự thảo văn bản quan trọng

Một trong những hoạt động góp ý văn bản quan trọng trong tuần qua là Phiên họp góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân do Tiểu ban Giáo dục đại học, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn - Trưởng Tiểu ban Giáo dục đại học chủ trì phiên họp.

Báo cáo về Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Mục đích liên thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học ở mọi lứa tuổi lựa chọn con đường học tập nâng cao trình độ, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân, đáp ứng yêu cầu thay đổi của công việc và nghề nghiệp.

Đồng thời, thúc đẩy các cơ sở giáo dục đổi mới, hiện đại hóa chương trình, phương thức giáo dục và đào tạo, góp phần điều chỉnh cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Hình thành một hệ thống giáo dục thống nhất, linh hoạt và hiệu quả, tăng cường kết nối và phối hợp giữa các cấp học giáo dục phổ thông, các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra các kiến nghị, góp ý về liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu đối đa, nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo trong thời gian sớm nhất, trên tinh thần tuân thủ những yêu cầu đã được ban hành trong Luật, nhưng phải tập trung giải quyết được các vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra.

z5963229839707c9b77d9534b28a17badeca23b0bdcf0f-7912-7269.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại tọa đàm.

Liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật, chiều 24/10, GD&ĐT tổ chức tọa đàm về rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục, giai đoạn 2020-2024. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì tọa đàm.

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn, làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến không chỉ về những vấn đề đang được thực hiện, mà còn đề xuất, bổ sung những vấn đề mới chưa được đề cập trong Luật; thể chế hóa các chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục; tiếp thu kinh nghiệm quốc tế; đề xuất trên cơ sở số liệu cụ thể và căn cứ lý luận khoa học thực tiễn.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các nhóm vấn đề cơ bản như: Thống nhất quản lý trong giáo dục trên cả nước; chế độ với nhà giáo ở vùng sâu vùng xa; quy định rõ, thống nhất về giáo dục bắt buộc; quy định về chính sách đầu tư phát triển giáo dục mầm non; quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự trong các cơ sở giáo dục; quy định về kiểm định chất lượng giáo dục; quy định về chính sách học phí, học bổng; hợp tác quốc tế…

Văn bản khác được Bộ GD&ĐT công bố, lấy ý kiến góp ý là dự thảo Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ