Nông dân miền Trung lo lắng vì… thiếu mưa

Nông dân miền Trung lo lắng vì… thiếu mưa

(GD&TĐ) – Được xem là vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của bão lụt khi bình quân mỗi năm có ít nhất từ 3 đến 4 trận lũ lớn nhỏ, thế nhưng suốt hơn 2 tháng qua, từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên – Huế trời vẫn nắng như đổ lửa khiến ruộng đồng nứt nẻ, ao đập, hồ chứa nước khô cạn… Chưa bao giờ người dân miền Trung lại mong mưa như lúc này.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm ở phía nam vùng Bắc Trung bộ, là một trong số ít tỉnh có lượng mưa nhiều nhất nước. Lượng mưa trung bình hàng năm đều trên 2.700 mm, có nơi trên 4.000mm như Bạch Mã, Thừa Lưu. Theo thống kê của ngành Khí tượng thủy văn, lượng mưa thường tập trung trong 3-4 tháng cuối năm và chiếm khoảng 70% tổng lượng mưa trong năm. Trong đó,  tháng 10 và tháng 11 thì lượng mưa có thể lên tới 53% tổng lượng mưa cả năm.

Đồng ruộng khô cạn ở xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa thiên- Huế) đang mong chờ mưa, lũ để có nước sản xuất.
Đồng ruộng khô cạn ở xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa thiên- Huế) đang mong chờ mưa, lũ để có nước sản xuất.

Nông dân “ngóng”… mưa

Thế nhưng năm nay thời tiết Huế lại thay đổi đột ngột khi nắng nhiều hơn mưa. Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có một cơn bão lũ nào ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh này. Ngày 26/11, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo: Do ảnh hưởng không khí lạnh nên các tỉnh Bắc Trung bộ có mưa dông, có nơi mưa to nhưng “trời” Huế những ngày qua vẫn hanh nắng… đến lạ thường.

Dù đang là mùa đông nhưng buổi trưa, rất nhều người dân Cố đô đã kéo ra các công viên dọc sông Hương để tránh cái nóng oi bức. Ông Nguyễn Nam Kỳ, ở đường Trần Phú, Phường Vĩnh Ninh cho biết: “Không hiểu sao năm nay thời tiết Huế khác quá. Bình thường mọi năm đến giờ là có vài trận lụt lớn nhỏ rồi, nay thì trời vẫn nắng ráo như mùa hè thật khó chịu”.

Những năm trước, các xã nằm ở hạ nguồn sông Ô Lâu như Phong Bình, Phong Chương thuộc huyện Phong Điền (Thừa Thiên– Huế) hay Hải Hòa, Hải Dương thuộc huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đều chịu ảnh hưởng nặng của lũ lụt. Có năm, nước ngập lênh láng ruộng đồng kéo dài gần 6 tháng trời. thế mà năm nay, bà con nông dân ở đây đang mong chờ từng cơn mưa.

Là một lão nông có kinh nghiệm về bão lũ, ông Lê Vĩnh Trọng (57 tuổi) ở thôn Hưng Nhơn, xã Hải Hòa (Hải Lăng, Quảng Trị) lo lắng về tình hình thời tiết năm nay: “Đang là mùa mưa nhưng đến giờ vẫn chưa có trận mưa lớn nào, trong khi những cơn mưa nhỏ chỉ đếm trên đầu ngón tay khiến ruộng đồng không có nước, sâu bọ, chuột… hoành hành. Giờ chúng tôi cũng chỉ muốn có một trận lũ  nhỏ để ruộng đồng được bồi đắp phù sa chút ít”.

Nông dân Thừa Thiên- Huế đang ngóng lũ từng ngày để sản xuất vụ mùa mới
Nông dân Thừa Thiên- Huế đang ngóng lũ từng ngày để sản xuất vụ mùa mới

Tính đến nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ mới có một đợt mưa lớn vào ngày 17/11 gây nên hiện tượng ngập cục bộ trong thành phố do lượng mưa đạt tới 70 mm trong 2 giờ đồng hồ. Ngoài ra vẫn chưa xuất hiện một cơn mưa lớn nào.
 
“Thời tiết năm nay diễn biến hết sức lạ lùng. Mọi năm cơn bão số 8 đều ảnh hưởng tới các tỉnh phía Nam khu vực Bắc Trung bộ nhưng năm nay lại đi ra phía Bắc. Còn áp thấp nhiệt đới thì rất yếu, chưa có sự ảnh hưởng đến Thừa Thiên – Huế”, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên– Huế còn cho biết.

Nguy cơ mất mùa vì… thiếu lũ

Theo ông Hùng, lượng mưa hàng năm của tỉnh Thừa Thiên – Huế trên 2.700mm nhưng năm nay tổng lượng mưa chỉ mới trên 1.600mm. Vì vậy, các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 60% dung tích thiết kế và chưa qua tràn. Riêng hồ thủy điện Bình Điền mực nước chỉ mới đạt 58m, thấp hơn ngưỡng được tích nước là 27m, hồ thủy điện Hương Điền 47m, trong khi mực nước tích tối đa là 58m.

“Thời tiết năm nay quá bất thường, nắng lại nhiều hơn mưa nên rất đáng lo lắng cho việc sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vụ hoa Tết tới đây của bà con nông dân Thừa Thiên- Huế có thể sẽ gặp khó khăn và nguy cơ thất thu do thiếu mưa.”, ông Hùng lo lắng trước tình hình thiếu mưa, nắng kéo dài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế.
 
Tại tỉnh Quảng Trị, lượng mưa chỉ mới đạt 1.700mm, trong khi lượng mưa trung bình mỗi năm lên đến 2.500mm. Dung tích chứa nước trên 300 hồ, đập lớn nhỏ chỉ mới tích được 70%. Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị còn cho biết: “Hàng năm, đến mùa này Quảng Trị thường mưa bão dồn dập nhưng năm nay lại nắng nhiều nên có thể thời gian tới bị lũ lụt nặng. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch phòng chống lụt bão và các triển khai phương án tưới tiêu, quy hoạch loại cây trồng để đảm bảo lượng nước cho vụ hè thu năm sau”.

Còn tại Quảng Bình, lượng mưa mới chỉ đạt 1.800mm/2.400mm tổng lượng mưa hàng năm. Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đến nay, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ mới chỉ đạt dưới 80% dung tích. Quy luật và đường đi của các cơn bão năm nay khác hơn so với trước rất nhiều. Nắng nóng, hanh khô vẫn còn xuất hiện, mưa ít và đặc biệt là hiện tượng mưa giông chỉ xảy ra từ tháng 3-7 nhưng đến nay vẫn còn xuất hiện ở Quảng Bình”.

Ông Khoa còn khẳng định: “Mưa ít, không có lũ khiến các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy phải đối diện với nạn sâu bọ, chuột hoành hoành và có thể mùa khô năm sau hạn hán sẽ nặng hơn. Chúng tôi đã chỉ đạo các huyện có kế hoạch tưới tiêu hợp lý nhằm đảm bảo nước cho vụ hè thu năm sau”.

Sông ĐaKrông Quảng Trị khô cạn trong mùa mưa năm nay.
Sông ĐaKrông Quảng Trị khô cạn trong mùa mưa năm nay.

Hàng ngàn hecta đất nông ngiệp tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và nhiều tỉnh thành miền Trung đang rơi vào cảnh nứt nẻ, thiếu nước, thiếu lượng phù sa bồi đắp do không có mưa, lũ. Các ao hồ, đập thủy điện, đập chứa nước cũng rơi vào cảnh tương tự… Chưa bao giờ, người làm nông ở các tỉnh miền Trung lại mong mưa như lúc này.

Anh Khoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ