Từ con số ban đầu đã được Trung Quốc phê duyệt với 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói, đến ngày 1/3/2023, mã số vùng trồng đã được nâng lên con số 246 và 97 mã số cơ sở đóng gói.
Tất cả những vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói ở Việt Nam được Trung Quốc cấp mã số mới được phép nhập khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Để được cấp mã số này, đã có cuộc kiểm tra thực tế nghiêm ngặt về chất lượng giữa các bên. Nếu vi phạm những quy định mà bên nhập khẩu đặt ra thì sản phẩm sẽ bị loại.
Những vùng sầu riêng ở Việt Nam được cấp mã số liên tục tăng lên đã khiến cho giá sầu riêng có thời điểm vọt lên 160.000 đồng - 200.000 đồng/kg. Con số dự đoán xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc năm 2023 đạt một tỷ đô la là có cơ sở.
Cả nước có khoảng 90.000 ha sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng 1,3 triệu tấn quả mỗi năm. Hai tỉnh Đắk Lắk và Tiền Giang là những địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất.
Thống kê từ các địa phương trồng sầu riêng, đặc biệt là ở Tiền Giang cho thấy, không một loại nông sản nào mang lại lợi nhuận cao trên cùng một diện tích canh tác như cây sầu riêng, với 545 triệu đồng/ha.
Chăm sóc đúng cách, sau hơn 5 năm, cây sầu riêng sẽ cho quả. Đây là loại cây không quá khó trồng, rất thích hợp với vùng đất đỏ bazan như ở Tây Nguyên và những nơi có nhiều phù sa bồi lắng như một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Sức hút về giá cả, nhất là thị trường Trung Quốc đã mở toang cửa khiến người nông dân ở Tây Nguyên và Nam Bộ đứng trước sự lựa chọn: Có nên phá bỏ một số cây khác để trồng sầu riêng không? Và câu trả lời là “có”! Hàng loạt tỉnh ở Tây Nguyên và Nam Bộ đã chặt phá một số loại cây trồng khác như cao su, hồ tiêu… để trồng sầu riêng.
Chỉ tính riêng ở Tiền Giang, trong vòng 4 tháng kể từ khi Trung Quốc cho nhập sầu riêng chính ngạch, địa phương này đã nâng diện tích từ 7.000 ha lên 20 ngàn ha!
Việc trồng sầu riêng ồ ạt trong thời gian qua, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp và các cơ quan chuyên môn đã khiến cho các nhà quản lý không khỏi lo lắng.
Vẫn biết rằng thị trường 1,4 tỉ dân Trung Quốc luôn rộng cửa để tiêu thụ trái cây từ Việt Nam trong đó có sầu riêng, song đâu phải chỉ một mình Việt Nam trồng loại cây này mà rất nhiều nước trong vùng cũng trồng sầu riêng.
Việc đưa vào sử dụng tuyến đường sắt nối Vân Nam - Trung Quốc với các nước Đông Nam Á đã mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản cho các nước, trong đó có trái sầu riêng, đã đặt chúng ta trước những tính toán có tính khả thi cao hơn nếu mở rộng diện tích sầu riêng ồ ạt như hiện nay.
Chúng ta đã từng phải “giải cứu” nhiều loại trái cây khi Trung Quốc đột ngột đóng cửa. Nếu trái sầu riêng cũng theo vết xe đổ ấy thì hậu quả sẽ không đong đếm hết. Các nhà chuyên môn đã khuyến cáo là nên nâng cao chất lượng trái sầu riêng hơn là mở rộng diện tích thiếu kiểm soát như hiện nay.
Đừng để trái sầu riêng gieo… sầu như nhiều loại trái cây khác mà người nông dân đã từng nếm trải.