Nơi tình yêu giữ lại

GD&TĐ - Sau khi chạy một vòng quanh những ruộng hành - có đám mới lên xanh, có đám lá đã già cằn lại, lồ lộ cả chùm củ màu tím đỏ trên mặt cát trắng ngà ngà như thể thông báo kịp thời bắt tay vào việc thu hoạch củ, có đám đang làm đất chuẩn bị trồng tiếp hành cho mùa sau.

Nơi tình yêu giữ lại

Kim hạ tay ga, nhấn thắng chân phải cho xe dừng lại bên lề đường bêtông. Cô mở khẩu trang che mặt, mau mắn: "Này anh gì kia ơi!"...

Kim mắc cười trong câu hỏi của mình, vội đưa tay che miệng. Rồi từ phía dưới xa, cách cô đừng khoảng mươi lăm mét là một giọng nam đáp trả: "Này chị gì kia ơi!"...

Rất khớp với lời thăm hỏi không quen biết! Tiếp theo sau là một chuỗi cười lặp lại “Này chị gì kia ơi!... Này anh gì kia ơi!...” của đám thanh niên đang hì hục đào sâu lấy đất màu nâu cho vào từng thúng nhỏ bưng lên đổ thành đống lớn bên lề đường bê tông, nơi cô gái đang đứng.

Trời đang chuyển tiết lập thu, mây trắng rải đều trên cao che chắn màu nắng vàng ngỡ như muốn giữ lại dành cho hè năm sau hay những năm sau nữa, còn cả người cô cứ nóng bừng lên, hiện rõ những giọt mồ hôi trên đôi gò má nhô cao. 

Ừ, gò má cao, nỗi ám ảnh từ câu nói của mẹ nhắc lại lời thầy bói “con gái có gò má cao là sát chồng”, đúng thật vậy không, hay chỉ nói vừa để lấy tiền trong túi mẹ, mẹ gieo vào lòng con những lo sợ hoài nghi số phận mình. 

Tốt nghiệp đại học ra trường đi làm đã hơn hai năm nay rồi, chưa một người bạn trai nào ngỏ lời yêu Kim, thì mặc, cô chẳng bận tâm, cô đang chuẩn bị cho năm tới bảo vệ đề tài lấy bằng thạc sĩ nông nghiệp chuyên ngành trồng trọt, nên mới có chuyến ra đảo Lý Sơn này, mà lại đi một mình. 

Đồng hành cùng cô và điểm dừng chuyện trò với người bán nước giải khát, là chị hàng cơm, là nhân viên bán vé tàu, là người ngồi bên cạnh trên tuyến xe buýt từ Quảng Ngãi tới Sa Kỳ…

Kim biết xưa nay đám con trai có thói quen thấy con gái là trêu là đùa, nhưng cái trêu cái đùa của con trai miền biển đâu thể là ăn đàng sóng nói đàng gió, nó ngọt lịm như thứ đường phổi đường phèn nhai vào rùm rụm trong miệng, nuốt tới đâu khỏe tới đó. 

Nó như kẹo mạch nha trải lớp đậu phộng rang vàng hườm bên trên, chỉ cần lấy chiếc đũa dích lên một ít bỏ vào miệng nhai đã dính tận chân răng thơm phức, chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi, nhớ suốt đời nữa kia. 

Kim không nỡ bỏ đi khi người con trai có đôi mắt biển bình minh vừa đổ xong thúng đất nâu xuống lề đường, ôn tồn đến bên gợi chuyện:

"Chị mới đến đảo lần đầu à! Ở đây bọn chúng tôi hay đùa với các cô gái lạ, chứ quen rồi thách thằng nào dám léng phéng. Con gái đảo nhận chìm nước biển là chỉ có chết ngộp cả đời thôi, chị ơi thông cảm nghe! 

Bọn chúng tôi ở đảo, mỗi người một việc, không đánh bắt cá thì tranh thủ giúp người nhà làm đất găm tiếp củ hành củ tỏi cho nó lên xanh cũng nhọc công lắm chứ sướng gì đâu chị!".

Như thể gợi mở câu chuyện, Kim mạnh dạn hơn hỏi thăm từ cách lấy đất nâu dưới mấy chân núi trộn chung với phân bò rải đều lên mặt bằng rộng, sau đó mới phả lên trên lớp cát trắng lấy từ ngoài biển, và nếu lớp cát trắng qua vài năm trộn lẫn với đất nâu ngả màu vàng nhạt thì cứ tận dụng cho việc trồng lại hành cũng được. 

Sau khâu làm đất là chỉ việc lấy cuốc chỉa có răng cưa như cào cỏ, cào tới đâu là cấy hành xuống đó, thẳng băng như thể căng chỉ trông đẹp mắt lắm!

Chia tay người con trai đảo, Kim về lại phòng nghỉ Biển Đông. Trời đã về chiều, cô tranh thủ ra bờ kè gần bến cảng ngâm mình trong nước mặn. 

Nước trong xanh mát rượi, Kim cứ thỏa thích ngụp lặn cho đến lúc nhá nhem mới thong thả quay về dùng bữa chiều một mình tại quán cơm bình dân. Người phụ giúp bưng cơm không ai xa lạ chính là anh thanh niên làm đất ở ngoài bìa ruộng hành. Anh tò mò:

- Chị dùng một đĩa cơm thôi à!

- Dạ, em cố gắng thử có hết đĩa cơm của bác gái dành cho không đây!

Nói xong Kim cắm cúi ngồi ăn, nhưng thực ra cô đang để mắt đến những người phục vụ trong quán cơm tuy nhỏ mà rất đông khách. 

Một người đàn bà khoảng chừng năm lăm, sáu mươi đang đứng xới cơm và gắp bỏ thức ăn theo yêu cầu của khách, một cô gái có dáng thanh mảnh cắt tóc ria trước trán và cột chỏm đuôi gà lên cao ở phía sau, gọn gàng trong bộ đồ thun xanh đen, một tay thu gom bát đĩa, còn tay kia cầm cái khăn lau sạch thức ăn rơi vãi lên bàn.

Kim chào xã giao khi cô gái cầm hộp tăm tre đến:

- Nhà bán cơm vất vả mà chỉ có hai anh em giúp mẹ à?

- Dạ không phải đâu cô, em là học trò của thầy Sơn dạy văn và chủ nhiệm lớp 12A1 đó cô. Em vừa thi xong đại học và chờ kết quả. Thầy ưu ái cho bạn nào có hoàn cảnh khó khăn thay phiên nhau đến phụ giúp bưng bê dọn dẹp rồi bà trả tiền công lao động thường ngày như mọi người. Xong rồi là về nhà học bài làm bài… Ủa, mà cô mới chuyển về dạy ở trường thầy à? Thầy Sơn thương học trò lắm, chỉ có điều…

Cô học trò chưa nói hết câu, quay sang nhìn anh thanh niên, rồi cúi xuống lau kỹ lại cái bàn. Im lặng. Chỉ có tiếng gởi trả tiền đĩa cơm, tiếng “chào thầy Sơn tôi về” nghe thân thuộc lắm. Thì ra anh thanh niên kia chính là thầy Sơn. Chắc vai thầy giáo chững chạc và đạo mạo lắm. Cô mạnh dạn mở miệng với cô gái trẻ:

- Sao học trò thầy Sơn lại lấp lửng. Còn nợ cô cái điều chưa nói hết đó nghen!

Tự dưng Kim nói được câu này, cứ ngỡ mình đã quen biết, là bạn hàng cơm thường ngày với cô bé học trò của thầy Sơn.

- Dạ, nếu cô về trường dạy thì biết hết!

- Nếu cô muốn biết, nhưng cô không phải cô giáo thì…

- Thì cô mạnh dạn hỏi điều bí mật, em chắc 100% thầy Sơn cũng đâu muốn giấu giếm chi cho khổ!

Kim đứng lên đưa tờ năm chục ngàn trả tiền đĩa cơm. Cô bé bước đến quầy tủ mở hộc bàn cầm ba chục thối lại cho Kim. Kim gởi riêng cho cô bé học trò mười ngàn, nhưng bị từ chối, cô chỉ nhận lời cảm ơn.

Về nhà nghỉ, chưa kịp thay áo quần, Kim nằm xuống giường, hai mắt nhắm khít lại. Đến khi tỉnh giấc nhấn điện thoại đúng bốn giờ ba mươi. 

Kim đứng lên, đến gần cửa sổ, vén tấm mành vải nhìn ra ngoài xa. Biển đêm còn lấp lánh ánh đèn, hơi sương ùa vào phòng lành lạnh. 

Trời sang thu thật rồi, không khí mát mẻ trong lành quá. Kim nhớ đêm hôm qua còn say bờ, cứ làm Kim dật dờ, mệt mỏi không ngon giấc như đêm nay. 

Cô chọn chiếc quần jean đen và áo sơ mi màu xanh da trời để mặc rồi đi ăn sáng, tiện đường ghé mua vé về Sa Kỳ, trở lại Sở Nông nghiệp Quảng Ngãi còn một ít việc phải làm. Kim mở dây kéo túi xách lấy sẵn tiền để trả cho người bán vé. 

Cái bóng ai đó đã đứng trước mặt Kim, thì ra thầy Sơn đang cầm cặp vé tặng cho Kim một ghế ngồi. Kim lúng túng đưa khoản tiền trong tay mình cho thầy Sơn, nhưng thầy Sơn nói chỉ vừa cho Kim nghe:

“Tiện tàu, sang bên kia bờ để học chuyên môn, tôi tặng chị một kỷ niệm gọi là chút quà người miền biển ấy mà, khi nào có dịp gặp nhau nữa thì chị nhớ tặng lại tôi một vé tàu bay trên cao, tôi khao khát mà chưa có dịp”. 

Kim cười khì: “Tàu bay giấy thì đảm bảo muốn lúc nào sẽ có ngay!". Rồi từ câu chuyện cổ tích tàu bay giấy vỡ lòng đưa hai con người ngồi bên cạnh xóa tan khoảng cách về không gian, về địa lý. Họ tiếc chặng đường mười sáu hải lí không thể kéo dài nữa, rồi tuyến xe buýt ba mươi phút càng ngắn hơn. 

Thầy Sơn tặng Kim tập truyện Nơi tình yêu giữ lại vừa mới xuất bản. Kim ngạc nhiên và mến phục thầy giáo dạy văn có lắm nghề tay trái. Nào là làm đất trồng hành, nào là chạy bàn phục vụ cơm bình dân, nào là viết văn... 

Theo thói quen, Kim mở trang sách cuối cùng xem phần mục lục, bởi đầu đề cuốn sách gợi cho Kim tính tò mò. Chiếc xe khách lên khỏi đường đèo Măng Giang là câu chuyện kết thúc. 

Kim thương nhân vật người đàn ông có tên Hà cặm cụi hơn hai mươi năm nuôi mẹ vợ mù lòa nằm một chỗ, nuôi con khôn lớn bằng cái nghề trồng hành trên đảo…

Và đấy là lần đầu tiên trong đời Kim đồng hành cùng thầy giáo Sơn trên con tàu cao tốc trên biển. Nói chính xác là với người bạn trai ở tuổi trung niên dễ mến trong giao tiếp, dễ nhìn trên gương mặt, là ánh mắt chân tình, là bờ vai rộng, là vòm ngực bể khơi, là vóc dáng cánh buồm, là hòa chung hơi thở mặn mà biển khơi… Nhưng biết rõ về anh chỉ mới phần tư chặng đường…

Có một điều ở người “thanh niên” là chưa bao giờ anh nhắn tin hay gọi điện thoại cho Kim trong giờ hành chính. Khác với những đồng nghiệp của Kim cùng cơ quan cứ tủm tỉm cười khi sờ tay vào túi mở máy đọc tin nhắn. 

Kim muốn ganh tị với họ. Kim chỉ đọc được mail anh gởi kể chuyện thường ngày trên đảo khoảng sau tám giờ tối. Thầy giáo Sơn chưa bao giờ có một thông tin: Kim thương, Kim nhớ, Kim yêu dấu của anh! Mà sao Kim thương, Kim nhớ, Kim yêu dấu anh theo từng nhịp đập con tim của mình.

Dân trên huyện đảo xôn xao cái quán cơm bình dân cho người lao động, cho khách “du lịch” thuở nào đề thông báo: NGHỈ BÁN MỘT TUẦN kể từ ngày… tháng… năm… đến ngày… tháng… năm… sẽ bán lại. 

Thì ra thầy giáo Sơn của trường THPT lấy vợ. Tin thầy Sơn lấy vợ, các cô giáo trong tổ Văn, trong Hội đồng Sư phạm nhà trường không khỏi ngạc nhiên khi cầm thiệp cưới. Một cô gái ở một thành phố lớn ở Tây Nguyên về làm dâu huyện đảo. 

Rồi công việc làm sao, người bàn ra kẻ nói vào. Người thì thêm thắt lo thầy Sơn xin chuyển về quê vợ. Một số học trò đã từng học thầy Sơn cứ tíu tít đến giúp một tay quét vôi, sơn lại vách tường, sắp xếp bàn ghế, chỗ ngồi cho họ nhà trai, nhà gái… và dành số ghế cho đám học trò là nhiều nhất. 

Kim quên mất lời ông thầy bói thuở nào. Chị hạnh phúc sánh bước bên anh đến bến cảng Sa Kỳ vừa kịp chuyến tàu ra đảo lúc bảy giờ ba mươi sáng chủ nhật cùng thời điểm mà trước đây 3 năm Kim chỉ đi một mình.

Nàng Âu Cơ của mười năm đầu thế kỉ XXI tự nguyện theo chàng Long Quân nhập hộ khẩu miền biển. Chị chuyển công tác về phòng nông nghiệp huyện đảo. 

Cây hành muốn lên xanh cho “lá bằng đòn gánh, củ bằng bình vôi” như trong truyện ngắn Nơi tình yêu giữ lại mà tác giả thầy Sơn đã kể về người đàn ông từng chăm chút cây hành cây tỏi trong cảnh côi cút nhớ thương người vợ buôn hành, buôn tỏi sang biên giới mà không thấy trở về, chỉ nghe dư luận bàn tán cô vợ ấy đã theo mấy ông lá ông tàu gì đó xanh mượt lời rủ rê…

Còn lúc này… Ông trời khắc nghiệt như thể ganh tị với con người, cứ trộn lửa trong nắng đổ xuống cả ngàn hec-ta ruộng hành, chỉ cần sờ lên cát đủ bỏng cả tay. 

Nguồn nước bơm đã cạn, nước trên hồ dẫn về cũng chưa đủ sinh hoạt huống chi là cứu sống cây hành. Dù trăm hay cũng đâu bằng tay quen, việc áp dụng khâu kĩ thuật vào việc trồng hành ở Phan Thiết rất thành công, không lẽ ở quê chồng chẳng muốn cho chị vẻ vang hay sao. 

Chị rươm rướm nước mắt nhận về mình những lời hằn học, nào là trăm hay cũng đâu bằng tay quen, ở đâu mới về lên mặt dạy nghề…, rồi còn nào là da trắng tóc dài tóc suông thì cái ngữ ấy chỉ đặt trong tủ kính cho thầy Sơn ngắm, chứ dân biển này đã từng đem cây hành chống gió chống bão ngàn đời nay rồi!

Một chồng sách dày cộm, một hệ thống thông tin mạng đang “bí mật” trước đôi mắt mở to của Kim, không lẽ bó tay. Kiến thức sách vở là một phần trợ giúp cho chị, nhưng thực tiễn cây hành trên đảo mới là chính. 

Kim lần dò đến những cụ già, bà lão đã từng chuyên trồng hành xưa nay, cuối cùng dẫn đến một kết luận: Bổng lộc cây hành đôi lúc còn là trời cho, chỉ có thể che chắn nắng phần nào với những đám hành mới vừa lên xanh. 

Cây hành trên đất dẫu thất thu thì vẫn còn thấy đó, chứ đâu như mấy người bạn của Kim đã từng kể việc nuôi tôm nước lợ, lúc trời đang nắng to lại đổ mưa xuống thì ngỡ như đang sấm sét trong ruột trong gan chứ sướng được gì. 

Kim lấy lại sự tự tin khi bên cạnh chị còn có một số cán bộ nông nghiệp ủng hộ, một số hộ nông dân trồng hành cùng sẻ chia, thông cảm. 

Diện tích đất trồng cho mùa hành năm nay được mở rộng, bón thêm phân đúng thời điểm cho củ hành từ dưới lớp đất nâu đen bung nở nhiều củ, cho nhánh thêm xanh trên mặt cát trắng. 

Chỉ cần đi ngoài bìa hành mọi người đã tận hưởng hương vị đặc trưng của lá mỗi khi cơn gió thoảng qua. Lá vẫn giữ độ xanh trong tô canh chua mà trước đây dễ bị ngả màu. Và câu chuyện bỗng đầy hào hứng hơn về “cây hành” trong mỗi bữa cơm thân mật của từng hộ gia đình trên đất đảo Lý Sơn.

Đã gần ba năm rồi, bây giờ nằm bên nhau, Kim mới nghe rõ hơi thở của Sơn đều đặn hơn cùng với hạnh phúc đang từng giờ lớn lên trong bụng chị gần năm tháng rưỡi. 

Khi anh đặt tay lên bụng vợ, bị một cú nẩy đạp mạnh nhô cao bằng quả trứng gà làm bàn tay anh nhô lên theo, rồi như thể chuyển sang phía khác, cứ thế mà tiếp tục đến hai ba lần. 

Sơn nhịp nhịp bàn tay mình trên bụng vợ khe khẽ: “Này anh gì kia ơi! Này anh gì kia ơi! Chịu khó “tù túng” ba tháng rưỡi cộng thêm mười ngày nữa ra hít thở hơi muối mặn nồng, phổng phao như Thánh Gióng lướt gió lượn sóng vẫy vùng, biển xanh đang chờ con tiếp sức”. 

Sơn vừa nhắc lại đến lần thứ ba: “Này anh gì kia ơi!” thì Kim quay lại nhéo vào bắp tay anh một cái nũng nịu nói, “nếu không có “Này… chị … gì … kia… ơi!...” thì làm gì có cái cục cưng trong bụng này. Híc”.

Qua khung cửa sổ, gió ngoài khơi như muốn ganh tị ùa vào xua tan cái màu vàng trăng mười sáu đang soi rõ hai gương mặt mà bao nhiêu đêm họ hằng thao thức, giờ mới thực sự viên mãn. 

Trên cao xanh không một gợn mây. Còn họ gối đầu trong câu chuyện “cổ tích” hằng đêm thuở nào cùng khúc khích cười muốn vỡ cả ánh trăng hồn nhiên nhân hậu trên một huyện đảo xa xôi nơi chỉ có tình yêu giữ lại! 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ