Nỗi sợ của trẻ bắt đầu từ đâu?

GD&TĐ - Những nỗi sợ hãi khác khiến trẻ giật mình trong đêm hiếm khi xuất hiện bẩm sinh. Thay vào đó, hầu hết các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng, nỗi sợ hãi được học theo nhiều cách khác nhau.

Trẻ thường sợ nhện và rắn.
Trẻ thường sợ nhện và rắn.

Từ bản chất?

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cố gắng trả lời câu hỏi: Điều gì đã biến một đứa trẻ hạnh phúc thành sợ hãi? Để hiểu được điều này, họ cần phải đào sâu hơn và đặt câu hỏi: Nỗi sợ hãi đến từ đâu? Sợ hãi đến từ bản chất hay quá trình nuôi dưỡng? Trẻ sợ bóng tối ở giai đoạn phát triển trí não nào? Tại sao trẻ sơ sinh lại sợ những loài bò sát mà chúng chưa từng gặp? Thậm chí nhiều hơn nữa là câu hỏi: Những cuộc gặp gỡ như thế nào có thể được coi là đáng sợ đối với bọn trẻ?

Các nhà khoa học đã xác định được hai loại sợ hãi. Có những nỗi sợ bẩm sinh. Trong khi đó, có những nỗi sợ mà con người đã học được trong quá trình trưởng thành. Các nghiên cứu cho thấy, tất cả các loài động vật có vú có hai nỗi sợ bẩm sinh cơ bản. Đó là sợ ngã và tiếng động lớn.

“Mặc dù, một số nỗi sợ thường bị coi là bẩm sinh, như sợ bóng tối hoặc những thứ rùng rợn, nhưng chúng thực sự xuất hiện sau khi con người chào đời. Sợ ngã và tiếng động lớn là hai yếu tố duy nhất mà khi tiếp xúc ở độ tuổi nào, thì chúng ta cũng sẽ nảy sinh phản ứng sợ hãi. Lý do là vì mạch thần kinh bẩm sinh của chúng ta. Một tiếng ồn lớn có nghĩa là: ‘Hãy chú ý! Bạn có thể bị hại!’. Bộ não của bạn biết rằng, việc đi qua một vách đá hoặc thác nước sẽ nguy hiểm. Vì vậy, bạn phản ứng”, nhà khoa học thần kinh tâm thần và hành vi Seth Norrholm (Mỹ) cho biết.

Những nỗi sợ hãi khác khiến trẻ giật mình trong đêm hiếm khi xuất hiện bẩm sinh. Thay vào đó, hầu hết các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng, nỗi sợ hãi được học theo nhiều cách khác nhau. Stefanie Hoehl - nhà khoa học thần kinh tại Trường Đại học Vienna (Áo) - cho biết: “Việc học nỗi sợ có liên quan đến hạch hạnh nhân. Đây là một phần của não cũng tham gia vào việc trải nghiệm và nhận thức nỗi sợ hãi. Điều này áp dụng cho cả việc học trực tiếp nỗi sợ hãi thông qua điều kiện xung quanh. Ví dụ, nếu bạn bị nhện cắn và mọi người thường sợ điều đó, tức là bạn học sự sợ hãi khi quan sát biểu hiện của người khác”.

Một điều gây tranh cãi giữa các nhà khoa học là liệu trẻ em có chứng sợ bẩm sinh đối với nhện, rắn hay không. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, những nỗi sợ hãi này thực sự là bẩm sinh.

“Những loài linh trưởng, bao gồm cả con người, có khuynh hướng hoặc sự sẵn sàng để phát triển nỗi sợ hãi về các mối đe dọa, bao gồm nhện, rắn, độ cao, không gian kín và lửa”, nữ chuyên gia cho biết.

Trước đó, bà Hoehl đã công bố một nghiên cứu chứng minh điều này ở trẻ 6 tháng tuổi. Chuyên gia cho các em bé xem những bức ảnh về nhện, rắn, hoa và cá. Sau đó, đo độ giãn nở đồng tử của trẻ sau mỗi bức ảnh. Trước khi trẻ biết nói, sự giãn nở đồng tử là cách duy nhất để xác định nỗi sợ hãi.

Kết quả cho thấy, đồng tử của trẻ giãn ra nhiều nhất khi nhìn thấy nhện và rắn. “Rắn và nhện gợi lên sự kích thích sinh lý mà không cần kinh nghiệm trong cuộc sống”, bà Hoehl nói.

Một số nỗi sợ sẽ biến mất khi trẻ trưởng thành.

Một số nỗi sợ sẽ biến mất khi trẻ trưởng thành.

Cách não của trẻ xử lý nỗi sợ hãi

Theo Tiến sĩ Seth Norrholm, dù là nỗi sợ bẩm sinh hay học được, bộ não của chúng ta hoạt động dọc theo hai con đường thần kinh. Con đường thấp - gây ra phản ứng tức thì và con đường cao - đánh giá tình huống.

“Con đường thấp đi từ các giác quan của bạn - mắt và tai - đến hạch hạnh nhân, sau đó đến cơ, tuyến thượng thận và tủy sống. Vì vậy, nếu bạn phải đối mặt với một con gấu xám đang gầm gừ, nó sẽ kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy của bạn. Nếu bạn nghe thấy tiếng nổ hoặc sập cửa, bạn sẽ giật mình. Con đường cao chạy qua các vùng vỏ não, mang lại sự kết hợp logic và kinh nghiệm. Khi đó, mọi người sẽ nghĩ: Đó là một con rắn không có nọc độc. Hoặc, đó là một con nhện vô hại”, ông Norrholm nói.

Trẻ nhỏ dễ sợ hãi hơn. Bởi, phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy của chúng đã được hình thành đầy đủ, nhưng con đường thần kinh vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Trẻ có thể cảm thấy căng thẳng giống người lớn khi nghe thấy tiếng quả bóng bay. Tuy nhiên, trẻ thiếu khả năng nhận ra đó chỉ là một quả bóng bay.

“Suy nghĩ của trẻ mẫu giáo rất cụ thể. Tuy nhiên, khi chúng lớn hơn, vỏ não trước phát triển. Trẻ học hỏi được thông qua kinh nghiệm sống. Vì vậy, việc vượt qua nỗi sợ hãi thời thơ ấu trở nên dễ dàng hơn. Trẻ thường sợ rằng, có quái vật dưới gầm giường hoặc lo lắng về những tiếng động bên ngoài cửa sổ phòng ngủ. Khi lớn lên, chúng có thể nhận ra rằng quái vật không có thật và tiếng ồn chỉ là từ những cành cây”, chuyên gia Norrholm chia sẻ.

Theo các nhà khoa học, trẻ em thường dễ dàng vượt qua nỗi sợ hãi thời thơ ấu. Vì vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ sợ hãi một điều gì đó. Song, điều đó không có nghĩa là phụ huynh nên phớt lờ hoặc gạt bỏ nỗi sợ hãi của con mình.

“Bạn có thể muốn tìm hiểu xem nỗi sợ đến từ đâu và nó dựa trên thực tế hay trí tưởng tượng. Nếu trẻ sợ một con nhện xuất hiện trong phòng ngủ của mình, hãy nói: ‘Ồ, có những con nhện trong khu rừng gần nhà chúng ta. Con có thể nhìn thấy chúng nhiều lần, nhưng không có gì phải sợ’. Tuy nhiên, nếu nỗi sợ bắt nguồn từ thứ gì đó mà trẻ nhìn thấy trên tivi, chẳng hạn như một con nhện ăn thịt người, hãy đảm bảo rằng, những mối đe dọa này có thể không có thật”, ông Norrholm cho biết.

Theo Fatherly

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.