(GD&TĐ) - Trường học thân thiện chính là mảnh đất ấy. Nhưng khai phá mảnh đất ấy thế nào để mọi hạt nhân sáng tạo có thể nảy mầm, thành cây bén rễ tốt tươi trên đó thì cần có con người với một mong muốn cháy bỏng là làm sao cho trẻ có được môi trường học tập và phát triển nhân cách tốt nhất. Để hiện thực hóa mong muốn đó, cần nỗ lực cả trong tư duy và hành động.
Từng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục với những yếu tố đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nói chung và THCS nói riêng, Dự án PTGD THCS2 đã đón nhận nhiều nhân tố có mong muốn cháy bỏng ấy và muốn hiện thực hóa mong muốn đó. Việc triển khai ứng dụng Bản đồ tư duy (BĐTD) trong dạy học và mới đây là thí điểm tổ chức tiết học thực địa nhằm bổ trợ kiến thức và kỹ năng cho học sinh thông qua hoạt động thực tiễn đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của nhiều trường học, không chỉ trong bậc THCS. Đặc biệt là việc ứng dụng BĐTD đã gây ra một hiệu ứng mạnh mẽ, được áp dụng không chỉ trong khuôn viên lớp học mà ở mọi không gian giáo dục.
Cây sáng tạo |
1-Học tại thực địa
Đón đầu việc tổ chức dạy học thực địa mà Bộ GD-ĐT chủ trương thực hiện trong thời gian tới, Dự án PTGD THCS2 đã thí điểm cho 16 trường THCS xây dựng tiết học này tại địa phương trong tháng 11-2011. Mục tiêu của tiết học này là giúp các em vận dụng những kiến thức đã học trên lớp gắn vào một hoạt động thực tế đang diễn ra ở địa phương. Các nhà trường đã khẩn trương xây dựng kịch bản tiết học phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của địa phương nơi trường đóng, ví dụ Trường THCS Hà Thanh huyện Ninh Giang, Hải Dương thì cho các em tham gia thực tế tại cơ sở làm bánh gai truyền thống; trường THCS Ngô Quyền Hải Phòng thì đưa các em đến học tại Nhà máy bia; trường THCS Hương Lạc, Lạng Giang, Bắc Giang thì cho các em có cơ hội làm món xào, món nướng với sản phẩm bánh đa Kế ngay tại một cơ sở sản xuất bánh đa có tiếng tại làng Dĩnh Kế; trường THCS Khai Thái, Phú Xuyên Hà Nội lại có tiết học thực địa tại Nhà máy gạch Viglacera với nội dung “Ứng dụng nguyên lý biến đổi chuyển động vào dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng”…
Dự tiết học ở cơ sở bánh đa Kế Hà Thi ở xã Dĩnh Kế, TP Bắc Giang cùng GV và HS trường THCS Hương Lạc, chúng tôi bị hút vào với những thông tin về làng nghề bánh đa Kế do bác Nguyễn Xuân Trường giới thiệu cho các em, rồi cũng say sưa cùng các em tham gia vào các quy trình làm nên chiếc bánh đa, sau đó lại chế biến món bánh đa nướng, bánh đa xào cùng với các đầu bếp nhí…Lần đầu được đi học bằng ô tô, được trực tiếp vào vai “thợ” làm bánh đa, chế biến món ăn và sử dụng chính sản phẩm do tay mình làm ra, các em phấn khích vô cùng. Môn Công nghệ với bài “Chế biến món xào món nướng” đã được thực hiện một cách sinh động như thế.
Điều làm chúng tôi bất ngờ hơn là các em đã thu hoạch tiết học ngay tại trận, triển khai rất nhanh chóng, thành thạo, dưới dạng một bản đồ tư duy. Quả là BĐTD đã không chỉ đóng khung ở trong lớp học tại trường.
Giới thiệu sản phẩm |
2-Sáng tạo với bản đồ tư duy
Một bất ngờ nữa lại đến với chúng tôi khi tham dự cuộc thi “Sáng tạo với bản đồ tư duy” do Trường THCS Ngô Quyền, TP Hải Phòng tổ chức vừa qua, tại Rạp Lê Văn Tám, quận Lê Chân. Cô giáo Trần Thị Minh Thúy-Hiệu trưởng nhà trường và cũng là tổng chỉ huy cuộc thi này nói: Tôi luôn mong muốn được đón nhận những cái mới và triển khai nó trong trường mình. Nhiều hoạt động do Dự án THCS2 tổ chức, trường tôi đều “xung phong” thí điểm. Ứng dụng BĐTD là một công việc như vậy. Trường chúng tôi đã triển khai việc này hơn một năm qua, thấy đó là một công cụ, một kỹ thuật dạy học tiên tiến, góp phần đổi mới phương pháp dạy học một cách tích cực, hiệu quả, nên chúng tôi đã tận dụng nó trong mọi lúc, mọi nơi có thể. Và, tự tin vào công việc này, chúng tôi đã làm chuyên đề cấp thành phố với tiêu đề “Chúng em với bản đồ tư duy”, tiến tới cuộc thi “Trường học sáng tạo” do Sở GD-ĐT tổ chức.
Được biết, cuộc thi “Sáng tạo với bản đồ tư duy” là vòng 3 của chuyên đề trên, sau khi đã có 2 vòng thi được tổ chức, vòng 1 dành cho tất cả cá nhân học sinh, vòng 2 dành cho các tập thể lớp. Cô giáo Đinh Thu Trang - Bí thư đoàn trường, người được giao xây dựng ý tưởng, phân công nhiệm vụ từng bộ phận và các cố vấn chuyên môn của “Sáng tạo với bản đồ tư duy” nói: Từ định hướng nội dung của Ban giám hiệu, tổng hợp các nội dung kiến thức liên quan, tham khảo và vận dụng một cách sáng tạo các game show trên truyền hình và thay đổi cho phù hợp, nối tiếp kinh nghiệm từ nhiều hoạt động khác đã được nhà trường tổ chức như Hội thi ẩm thực dân gian, Phòng chống HIV/AIDS, Rạng rỡ tuổi hồng…, chúng tôi làm cuộc thi này. Cô giáo Phạm Thanh Tâm, cô Tú dạy toán, cô Thục Hương dạy Lý, cô Đoàn Hương dạy Văn…đã hỗ trợ về kỹ thuật bản đồ tư duy; GV tin học xây dựng format chương trình, các giáo viên bộ môn cố vấn nội dung câu hỏi và đáp án, và nỗ lực của toàn bộ GV, HS nhà trường, sự ủng hộ tích cực của phụ huynh học sinh…, đó là sức mạnh tổng hợp làm nên cuộc thi.
Các vòng thi đã “chạm” đến nhiều kiến thức khác nhau như: Trường học thân thiện, học sinh tích cực; Quyền trẻ em; Thế giới quanh em; Ô nhiễm môi trường; Bạo lực học đường; kiến thức của 14 môn học THCS…Bốn đội chơi “Tuổi trẻ”, “Tri thức”, “Tương lai”, “Sức sống” đã vào cuộc “chơi mà học” đầy hào hứng, hết mình. Không khí rạp Lê Văn Tám “nóng” chưa từng thấy theo từng diễn biến các vòng thi, trên nền bài hát “Bản đồ tư duy” do nhạc sĩ Tuấn Phương phổ thơ của thầy Lê Công Thuận – Hiệu trưởng Trường THCS Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh; trong một không gian tràn ngập bản đồ tư duy là sản phẩm của các em từ các vòng thi trước và ngay tại vòng thi này.
Sáng tạo với Bản đồ tư duy |
Các phụ huynh tham dự cuộc thi cùng con em mình cũng bị cuốn vào sự say mê sáng tạo đó, và đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với chính con em của mình. Anh Đỗ Tuấn Nghĩa, Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh nhà trường chia sẻ với chúng tôi cảm nhận của mình: Từng đồng hành với nhà trường trong nhiều hoạt động, có lẽ đây là hoạt động mà tôi thấy thành công nhất, hiệu quả cao nhất, tổng hợp nhất trong suốt hơn 1 năm Bản đồ tư duy được đưa vào việc dạy và học ở trường. Nếu hoạt động này được nhân rộng, tôi nghĩ rằng xã hội sẽ hiểu đúng hơn về nhà trường, về giáo dục hiện nay.
TS Trần Đình Châu – Giám đốc Dự án THCS2 và là đồng tác giả của việc triển khai ứng dụng BĐTD trong dạy và học nói: Tôi cũng không thể ngờ là BĐTD lại được sử dụng sáng tạo đến như vậy. Đúng là nó đã là mảnh đất tốt để sáng tạo nảy mầm và bén rễ. Hi vọng rằng đây sẽ là mô hình tốt được nhân rộng ra các nhà trường trong cả nước, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà.
Nguyễn Hoàng